Chiêm ngưỡng những báu vật khảo cổ học Việt Nam tại Hà Nội

300 báu vật là những phát hiện quan trọng nhất trong hơn một thế kỷ của ngành khảo cổ học Việt Nam qua 3 giai đoạn, tính từ thời tiền sử.

Sáng hôm qua (12/4), tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, lần đầu tiên một cuộc trưng bày quy mô lớn, với số lượng hiện vật nhiều nhất từ trước tới nay đã được giới thiệu tới công chúng, mang tên "Báu vật khảo cổ học Việt Nam"

Tại đây, trưng bày từ những phát hiện nhỏ lẻ về nền văn hóa sơ kỳ đá mới như Hòa Bình, Bắc Sơn đến bước đầu nghiên cứu văn hóa thời kim khí như Đông Sơn, Sa Huỳnh. Các hiện vật được giới thiệu theo 3 chủ đề: "Báu vật khảo cổ học thời tiền sử", "Báu vật khảo cổ học thời đại kim khí" và "Báu vật khảo cổ học lịch sử". Trong ảnh: Trống sao vàng bằng đồng thuộc văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay khoảng 2.500-2.000 năm.

Tượng động vật bằng đồng thuộc văn hóa Đồng Nai, cách ngày nay khoảng 2.500 năm, khai quật tại Dốc Chùa, Tân Uyên, Bình Dương năm 1977.

Thố bằng gốm, thuộc văn hóa Phùng Nguyên, cách ngày nay khoảng 4.000 -3.500 năm. Gốm Phùng Nguyên được xem là đỉnh cao của nghệ thuật gốm Việt Nam thời sơ sử, có sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật và mỹ thuật.

Đồ trang sức bằng đá, thuộc văn hóa Phùng Nguyên, cách ngày nay khoảng 4.000-3.500 năm. Sự phổ biến của đồ trang sức bằng đá ở văn hóa Phùng Nguyên phản ánh rõ nét về đời sống tinh thần của người Phùng Nguyên.

Mộ cổ Châu Can - một trong những ngôi mộ cổ được bảo toàn nguyên vẹn nhất được phát hiện và khai quật. Đồ tùy táng gồm các công cụ bằng gốm, đồng, tre, nứa, gỗ... kể chuyện táng tục của cư dân văn hóa Đông Sơn niên đại cách đây khoảng 2.300 năm.

Mũi tên bằng đồng và khuôn đúc bằng đá thuộc văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay 2.500-2.000 năm tại Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội. Hàng vạn mũi tên đồng cùng hàng trăm khuôn đúc được tìm thấy là bằng chứng giúp làm sáng tỏ huyền thoại lịch sử Mỵ Châu - Trọng Thủy.

Trống Trường Thịnh bằng đồng, thuộc văn hóa Đông Sơn.

Rìu gót vuông bằng đồng, thuộc văn hóa Đông Sơn, được sử dụng làm công cụ lao động - vũ khí.

Đồ trang sức bằng thủy tinh, mã não, gốm, đá, thuộc văn hóa Sa Huỳnh, cách ngày nay khoảng 2.500-2.000 năm.

Linga bằng vàng...

và Linga bằng thạch anh được tìm thấy thuộc thế kỷ 8-9 ở Cát Tiên, Lâm Đồng. Linga là loại hình đồ thờ, hầu hết những loại hình này đều được làm bằng đá sa thạch, kích thước lớn và thường được đặt trước bệ thờ trong đền hoặc ở bên ngoài, khu vực cúng lễ của người dân. Những Linga phát hiện tại Cát Tiên có kích thước nhỏ, làm bằng vàng và đá thạch anh là loại hình rất hiếm gặp. Chúng là các đồ quý được mang ra để cúng tế trong các dịp lễ tại các khu đền tháp.

Đầu tượng thần Shiva bằng đá cát, thuộc văn hóa Champa, thế kỷ 9 ở Đông Dương, Thăng Bình, Quảng Nam.

Tượng Shiva yogi (Shiva trong hình ảnh nhà tu khổ hạnh) bằng đá cát, thuộc văn hóa Champa, thế kỷ 12-13, khai quật tại tháp Mẫm, Bình Định năm 2011.

Tượng sư tử bằng đá cát, thuộc văn hóa Champa, thế kỷ 12-13, khai quật tại tháp Mẫm, Bình Định năm 2011. Hình tượng sư tử phổ biến trong điêu khắc đá Champa.Sư tử được người Chăm gọi là "Rimon", là biểu tượng cho vương quyền, quý tộc, và sức mạnh.

Đầu phượng bằng đất nung, thời Lý thế kỷ 11-13, khai quật tại Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội.

Đĩa bằng gốm men nâu thời Trần, thế kỷ 13-14.

Cuộc trưng bày Báu vật Khảo cổ học Việt Nam cũng giới thiệu những hiện vật tiêu biểu phát hiện được từ tàu cổ đắm ở Cù Lao Chàm. Đây là những đồ gốm hoa lam và nhiều màu, dát vàng kim thời Lê sơ, thế kỷ XV. Dự kiến cuộc trưng bày "Báu vật khảo cổ học Việt Nam" sẽ kéo dài đến hết tháng 7.

Hà Phương/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/van-hoa-giai-tri/chiem-nguong-nhung-bau-vat-khao-co-hoc-viet-nam-tai-ha-noi-750610.vov