Chiếm phần lớn lãnh thổ, Syria vẫn phải nhập khẩu xăng dầu

Mỗi tháng, Syria vẫn phải nhập khẩu 2 triệu thùng dầu từ Iran dù từng là một quốc gia xuất khẩu dầu mỏ.

Tổng giám đốc Công ty nhiên liệu quốc gia, M. Hasvia hôm 31/10 báo cáo cho thấy, mỗi tháng, Syria đang phải nhập khẩu 2 triệu thùng dầu từ Iran do thiếu hụt dầu mỏ và các sản phẩm xăng dầu.

Bản đồ mô tả các đường ống dẫn dầu tại Syria và Iraq. Đồ họa: BBC

Bộ Dầu mỏ Syria có một hạn mức tín dụng với Iran, dầu được cung cấp thông qua hạn mức này với sự giúp đỡ của 2 tàu chở dầu, mỗi tàu chở 1 triệu thùng hàng tháng, sau đó được chế biến tại các nhà máy lọc dầu của Syria.

Tuy nhiên, đây chưa phải là con số cuối cùng.

Ông M. Hasvia nói thêm rằng Bộ cũng đôi khi phải mua dầu thô và xăng dầu thông qua các công ty tư nhân.

Syria đã gặp vấn đề về năng lượng và nhiên liệu từ khi cuộc khủng hoảng chính trị quân sự nổ ra vào năm 2011.

Theo dự báo của chính phủ Syria, ngành công nghiệp dầu mỏ của nước này sẽ có thể đạt được các chỉ số trước chiến tranh không sớm hơn năm 2023. Đây đã là một dự báo rất lạc quan.

Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột quân sự cho đến tháng 10/2017, sản xuất dầu ở Syria đã giảm 24 lần (từ 385 nghìn thùng/ngày xuống 16 nghìn thùng/ngày). Sản lượng khí giảm 1,6 lần (từ 21 triệu m3/ngày xuống còn 13,5 triệu m3/ngày).

Vốn là một trong những quốc gia có trữ lượng dầu mỏ đáng kinh ngạc, đến nay Syria buộc phải đi nhập khẩu xăng dầu trong bối cảnh phần lớn lãnh thổ quốc gia này đã được giải phóng đã đặt ra một dấu hỏi lớn.

Lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria hiện vẫn còn duy trì hoạt động tại khu vực các giếng dầu tại xung quanh khu vực tỉnh Deir Ezzor.

Theo một báo cáo của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc từ tháng 7/2018, nhóm khủng bố này đã giành lại quyền kiểm soát các mỏ dầu ở phía đông bắc Syria và tiếp tục khai thác dầu để sử dụng cho vũ khí hoặc bán cho người dân địa phương.

Buôn lậu dầu và xăng từ Syria vào Thổ Nhĩ Kỳ là hoạt động đã diễn ra từ nhiều thập kỷ. Thương nhân và quan chức an ninh hưởng lợi từ sự chênh lệch giá do chính sách trợ giá dầu ở Syria. Hoạt động buôn lậu phát triển mạnh hơn từ khi nội chiến bùng nổ tại Syria. Vào năm 2014, IS chiếm phần lớn giếng dầu và nhà máy lọc dầu dọc theo sông Eupharates.

Sản lượng từ những giếng dầu và nhà máy mà IS kiểm soát chiếm khoảng 1/3 tổng sản lượng dầu của Syria trước chiến tranh. Người Kurd quản lý những giếng dầu và nhà máy lọc dầu còn lại.

Hồi năm 2015, Diwan al-Rakaaez, cơ quan được mệnh danh là "bộ tài chính" của IS, cho thấy riêng trong tháng 4/2015, doanh số bán dầu tại Syria đạt 46,7 triệu USD. "Bộ tài chính" của IS cho biết, nhóm này đang kiểm soát 253 giếng dầu tại Syria, trong đó 161 đang hoạt động. Có 275 kỹ sư và 1107 công nhân vận hành các giếng dầu này.

Trước khi bị IS chiếm giữ, các giếng dầu tại Iraq có thể cung cấp 400.000 -500.000 thùng mỗi ngày, một quan chức tại công ty dầu mỏ nhà nước Iraq North Oil tiết lộ.

Đây là công ty từng quản lý các mỏ dầu tại khu vực trước khi bị IS chiếm giữ. Một lái buôn tiết lộ, ở giai đoạn cao điểm mỗi ngày có tới 3000 tấn dầu thô (25.350 thùng) được đưa sang vùng lãnh thổ người Kurd. Từ đây, dầu bí mật được đưa vào Thổ Nhĩ Kỳ và có thể cả Iran.

Mỏ dầu khí Arak miền Trung Syria không còn hoạt động.

Xăng và dầu diesel từ những nhà máy lọc sẽ được bán trên khắp lãnh thổ Syria và Iraq. Doanh nhân đưa cả hàng qua biên giới để bán ở nước ngoài, chủ yếu là Thổ Nhĩ Kỳ.

Chất lượng xăng và dầu diesel tương đối thấp, song nhiều khách hàng, đặc biệt là những người trong khu vực do phiến quân kiểm soát, hầu như chẳng còn lựa chọn khác. Nếu mua dầu theo giá quốc tế, họ sẽ phải trả khoản tiền khá lớn.

Sơn Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/chiem-phan-lon-lanh-tho-syria-van-phai-nhap-khau-xang-dau-3368440/