Chiến công thầm lặng từ những trang hồ sơ

Những trang giấy ố mờ, cũ rách; những dấu vết sinh trắc học từ hàng triệu trang hồ sơ… yên lặng trong kho lưu trữ, nhưng chúng lại trở thành tài liệu 'biết nói' khi qua tay những cán bộ Công an khi họ tra cứu tài liệu, tàng thư căn cước.

Những trang giấy, những dấu vết đó đã góp phần lập nên nhiều chiến công vang dội của lực lượng Công an trong công tác phòng, chống tội phạm, vạch mặt kẻ thủ ác, là manh mối tìm ra những tên tù trốn trại, đối tượng truy nã...

Nhân văn hơn, từ công việc thầm lặng của cán bộ hồ sơ nghiệp vụ, những trang hồ sơ đã “lên tiếng” giúp thân nhân hàng trăm gia đình tìm được người thất lạc, tìm được di ảnh, di hài liệt sĩ.

Bài 1: Góp phần giải mã nhiều vụ án hóc búa

Vén màn bí ẩn về phụ xe đường dài

Trò chuyện với chúng tôi về công việc thầm lặng trong thời gian qua, cán bộ Trung tâm Tiếp nhận xử lý thông tin nghiệp vụ thuộc Cục Hồ sơ nghiệp vụ, Bộ Công an, đã kể lại rất nhiều tình tiết hay trong quá trình điều tra, khám phá các vụ án hóc búa, mà manh mối quan trọng chính là từ kết quả của những người làm công tác hồ sơ nghiệp vụ.

Điển hình là vụ bắt đối tượng trốn truy nã Lê Thanh Dũng vào tháng 6-2018, với nhiều tình tiết ly kỳ, bí ẩn liên quan tới nhân vật Nguyễn Đức Thành, quê Quảng Ngãi.

Câu chuyện bắt đối tượng trốn nã Lê Thanh Dũng bắt nguồn từ việc rà soát thông tin về đối tượng truy nã trên toàn quốc của Cục Hồ sơ nghiệp vụ vào thời điểm tháng 3-2018. Trong rất nhiều phiếu yêu cầu tra cứu, bằng biện pháp nghiệp vụ, đối chiếu với dữ liệu do Cục Hồ sơ nghiệp vụ quản lý, cán bộ tra cứu đã phát hiện, đối tượng trốn nã Lê Thanh Dũng, (SN 1969, quê ở TP Đà Nẵng) do một đơn vị đóng quân trên địa bàn tỉnh Gia Lai gửi tới có nhiều đặc điểm trùng với đối tượng mang tên Nguyễn Đức Thành, (SN 1970, trú tại xã Phổ Ninh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi).

Thông tin về hai người đàn ông Dũng và Thành với năm sinh khác nhau, quê quán khác nhau đã được Cục Hồ sơ nghiệp vụ phối hợp với Trại giam Gia Trung và các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Quảng Ngãi… xác minh, làm rõ.

Các đơn vị đã xác định, hai người mang tên Nguyễn Đức Thành và Lê Thanh Dũng là một người, chính là đối tượng trốn nã Lê Thanh Dũng. Từ thông tin quan trọng đó, cơ quan Công an đã tiến hành bắt giữ đối tượng sau nhiều năm trốn sâu, trốn kỹ, thay tên đổi họ, sinh sống nhiều nơi.

Cho đến khi bị bắt, quãng thời gian tạo vỏ bọc tinh vi để trốn nã mới được Dũng kể lại. Đó là thời điểm năm 1991, khi ấy, sau khi trốn truy nã, Dũng đã đổi họ tên là Nguyễn Đức Thành và sinh sống bằng nghề phụ xe. Với vẻ ngoài điển trai, khéo ăn nói, hắn đã chiếm được cảm tình của nhiều cô gái trên các tuyến đường dài ở các tỉnh phía Nam mà xe anh ta đi qua.

Sau nhiều mối tình thoảng qua, Thành quyết định kết hôn với chị Đặng Thị Thúy (tên nhân vật đã được thay đổi), ở Quảng Ngãi và có 2 con chung. Cuộc sống bình lặng chẳng được bao lâu, với thói trăng hoa, Thành tiếp tục tán tỉnh nhiều cô gái khác. Tới năm 1998, Thành đã tới định cư ở TP Buôn Ma Thuật, Đắk Lắk và sống chung như vợ chồng với chị Phạm Thị Minh (tên nhân vật đã được thay đổi).

Cuộc sống êm ả ở nơi ở mới cũng chẳng được bao lâu khi chị Minh nhận ra bản chất côn đồ, lưu manh của Thành. Năm 2011, Thành bị bắt về tội cướp tài sản, bị TAND tỉnh Đắk Lắk tuyên án 6 năm 9 tháng tù giam. Trong thời gian này, chị Minh tần tảo nuôi 2 con thơ và thường xuyên thăm nuôi Thành tại trại giam. Cuộc sống chồng chất khó khăn của anh ta và vợ hờ là chị Minh vẫn tiếp diễn sau khi anh ta ra trại.

Tưởng rằng cuộc sống thiếu thốn và cơ cực cứ thế trôi qua, nào ngờ, tháng 6-2018, chị Minh choáng váng khi thấy tổ công tác đặc biệt của lực lượng Công an tới nhà bắt Thành với một cái tên lạ hoắc Lê Thanh Dũng. Còn Dũng thì cũng không thể ngờ, sau hơn 28 năm trốn kỹ với vỏ bọc khác mà vẫn bị phát hiện, bắt giữ.

Thiếu tướng Tô Văn Huệ nghe cán bộ Trung tâm Tiếp nhận xử lý thông tin nghiệp vụ báo cáo về kết quả tra cứu thông tin đối tượng truy nã đặc biệt.

Không để lọt tội phạm, làm oan người ngay

Thiếu tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cục Hồ sơ nghiệp vụ, không cần giở hồ sơ đã thống kê đầy đủ cho chúng tôi công việc mà đơn vị anh đã thực hiện trong năm 2018 và 3 tháng đầu năm 2019 với hơn 5 triệu lượt tra cứu, phục vụ kịp thời, hiệu quả yêu cầu đấu tranh, phòng, chống tội phạm và yêu cầu của cơ quan, tổ chức, công dân, góp phần quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự.

Không để lọt tội phạm, không để đối tượng nhởn nhơ ngoài xã hội sau khi gây án cũng chính là một yêu cầu khắt khe của cán bộ làm công tác hồ sơ nghiệp vụ, góp phần giải mã nhiều vụ án hóc búa tại địa phương. Đó là thời điểm năm 2018, trong một thời gian ngắn, Trung tâm tiếp nhận xử lý thông tin nghiệp vụ đã nhận được hơn 10 yêu cầu tra cứu của Công an các tỉnh Tiền Giang, Cần Thơ, Kiên Giang…

Từ kết quả tra cứu, cán bộ hồ sơ đã phát hiện ra một việc bất ngờ. Từ các dữ liệu thu thập được cho thấy, 27 vụ trộm cắp tài sản tại các trường học đều có phương thức, thủ đoạn gây án giống nhau và để lại các dấu vết tại hiện trường gần như nhau. Không chỉ gây án ở 3 tỉnh trên, đối tượng này còn gây án ở 9 tỉnh khác.

Ngay sau đó, Cục Hồ sơ nghiệp vụ đã có câu trả lời nhanh, chính xác nhất tới 3 tỉnh yêu cầu tra cứu; đồng thời, gửi kết quả tra cứu tới Giám đốc Công an 9 tỉnh có liên quan nơi đối tượng gây án, để chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ kịp thời xử lý, truy bắt đối tượng phạm tội.

Một yêu cầu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ mà cán bộ làm công tác hồ sơ phải đặc biệt chú ý, đó là kết quả tra cứu phải kịp thời, chính xác tuyệt đối, không để lọt tội phạm, không làm oan người ngay…

Đó là thời điểm tháng 1 năm 2019, khi ấy, Cục Hồ sơ nghiệp vụ nhận được yêu cầu tra cứu của một đơn vị Công an về một người phụ nữ đang bị giữ lại tại một sân bay ở nước ngoài, nghi là đối tượng truy nã Nguyễn Thị Thảo, (SN 1975, trú tại huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh), đang bị cơ quan Công an truy nã về hành vi mua bán trái phép chất ma túy.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, quá trình xác minh cho thấy, các dữ liệu của người phụ nữ bị giữ ở sân bay với đối tượng truy nã là không trùng khớp, từ đó Trung tâm đã kịp thời thông báo kết quả cho đơn vị yêu cầu tra cứu để đơn vị này phối hợp với cơ quan chức năng ở nước ngoài xử lý vụ việc đúng pháp luật, không bắt oan người vô tội.

Tính riêng thời gian từ 16-12-2018 tới 16-2-2019, sau hơn 2 tháng thực hiện đợt cao điểm về đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm do Bộ Công an phát động, Trung tâm tiếp nhận xử lý thông tin nghiệp vụ đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương kịp thời xử lý, gửi về Cục hơn 27.300 bản ghi chỉ bản đối tượng mới bị bắt; đã nhập liệu 29.105 chỉ bản, trong đó xác định có 19.402 đối tượng phạm tội lần đầu và 9.703 đối tượng tái phạm…

Kết quả nêu trên đã phục vụ kịp thời công tác xác minh, điều tra khám phá các vụ án của Công an các cấp trong đợt cao điểm nêu trên. Ngoài ra, Trung tâm còn tiếp nhận, cung cấp thông tin hơn 76.500 yêu cầu nghiệp vụ các loại của Công an các đơn vị, địa phương gửi tới, đề nghị tra cứu thông tin…, và thực hiện nhiều công việc nghiệp vụ khác, phục vụ công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm của toàn lực lượng.

Trần Hằng- Anh Hiếu

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/chien-cong-tham-lang-tu-nhung-trang-ho-so-542005/