Chiến công thần kỳ của tình báo Anh trên đất Pháp

Tháng 7/1940, Cục Chiến dịch đặc biệt (SOE) của tình báo Anh được thành lập. Trong giác thư do Thủ tướng Winston Churchill trình lên Nội các quốc phòng nêu rõ rằng SOE được thành lập 'để điều phối các hoạt động phá hoại trên lãnh thổ của kẻ thù'. Ban Pháp, bộ phận chính của SOE, nằm trên phố Baker, nơi thám tử lừng danh Sherlock Holmes và người bạn của ông, tiến sĩ Watson, từng 'sống'.

Đại úy Maurice Buckmaster lần đầu tiên đặt chân đến phố Baker vào tháng 3/1941, khi công việc của Ban Pháp đang rối tung. Ông là người kế nhiệm của đại tá Marriott vừa nghỉ hưu. Maurice Buckmaster đã lãnh đạo Ban Pháp, bộ phận lớn nhất và quan trọng nhất của SOE, trong 4 năm. Dưới sự lãnh đạo của ông, 480 điệp viên, cả nam và nữ, đã được tung vào Pháp bằng việc nhảy dù từ máy bay nhỏ “Lysander”, từ tàu ngầm và thuyền đánh cá nhỏ. Nhiều năm sau chiến tranh, một số tác giả cáo buộc đại tá Buckmaster đã cố tình giao nộp một số điệp viên cho Gestapo để đánh lạc hướng chú ý của tổ chức này khỏi những điệp vụ và điệp viên quan trọng hơn.

Maurice Buckmaster.

Không thể phủ nhận những sai sót và nhầm lẫn trong công việc của cả Ban Pháp cũng như toàn bộ SOE. Nhưng không nên quên rằng Buckmaster và các cộng sự của ông đã làm được một công việc khó khăn vượt quá sức người. Ông biết rõ tất cả các điệp viên được cử sang Pháp và hết lòng lo lắng cho họ. Có lẽ, vốn là người có tính cách mềm yếu, ông không nên giữ một chức vụ buộc phải đưa con người vào chỗ chết mười mươi như vậy. Ông đích thân đưa tiễn từng điệp viên được cử đi, trước lúc khởi hành, ông hỏi lại anh ta có sẵn sàng bay vào vùng địch hậu không, và nói rằng nếu từ chối cũng không gây ra bất kỳ hậu quả xấu nào. Tất cả 375 điệp viên sống sót (25 người trong số đó bị giam giữ tại các nhà tù và trại tập trung ở Đức) đều nhận xét rất tốt về ông.

Sinh năm 1902, sau khi tốt nghiệp Đại học Oxford, Buckmaster sang học tập và sinh sống ở Pháp, trở thành phóng viên của tờ “Le Matin” ở Paris, rồi làm nhân viên quản lý cho hãng Ford ở Pháp và Anh. Năm 1939, chiến tranh xảy ra, ông nhập ngũ. Sau khi tốt nghiệp mấy khóa đào tạo điệp viên, ông được phong quân hàm đại úy. Mùa xuân năm 1940, ông được cử sang Pháp và tham gia bảo vệ hành lang Dunkerque, nơi từ đó quân Anh rút lui. Ngày 2/6/1940, ông rời Dunkerque với một nhóm thương binh.

Khi Buckmaster bắt đầu công việc, biên chế của ông chỉ có 8 người. Một năm sau, con số này đã tăng lên 24. Các trợ lý của ông không phải là “lính mới tò te”, có người đã ở mặt trận, ở hậu cứ của quân Đức trên đất Pháp, và không chỉ một lần; có những người đã bị thương hoặc chạy trốn từ các nhà tù của phát xít Đức.

Nicolas Bodington.

Trong số các cộng sự của ông có đại úy Lewis Gielgud, Trưởng ban tuyển mộ, người từng làm việc cho Hội Chữ thập đỏ trước và sau khi gia nhập SOE, và sau đó, phụ trách công tác nhân sự của UNESCO đến năm 1955. Ông đã tuyển mộ hầu hết các điệp viên SOE nổi tiếng. Một nhà tuyển mộ xuất sắc khác là đại úy Selwyn Jackson, tác giả nhiều cuốn bestseller trinh thám. Ngoài ra còn có Nicolas Bodington, cựu phóng viên tờ “Daily Express” ở Paris, đã nhiều lần đến Pháp khi cần tìm hiểu những thất bại và khắc phục hậu quả của chúng. Thiếu tá Bourne-Patterson nhớ thuộc lòng không chỉ từng ngôi làng trên bản đồ nước Pháp mà còn tất cả những địa điểm, nơi các điệp viên và hàng hóa được thả xuống, tất cả những hầm trú ẩn và căn hộ bí mật; ông được mệnh danh “bộ bách khoa toàn thư sống” của Ban Pháp.

Một nhân vật huyền thoại trong ban lãnh đạo của Bookmaster là thiếu tá Gerard Morel. Mùa xuân năm 1940, ông là sĩ quan thông tin trong quân đội Pháp. Trong lúc ốm nặng, ông bị quân Đức bắt ở Dunkerque và sau đó được chúng thả ra vì thấy không còn tác dụng. Gần như kiệt sức, ông tìm đường đến Tây Ban Nha, từ đó qua Brazil đến Bồ Đào Nha, nơi ông liên lạc với tình báo Anh và cuối cùng gia nhập SOE. Ngày 4/9/1941, ông là sĩ quan tình báo đầu tiên đặt chân lên đất Pháp không phải bằng nhảy dù (vì lý do sức khỏe) mà bằng máy bay “Lysander” (đây là lần hạ cánh đầu tiên của máy bay Anh xuống Pháp sau Trận Dunkerque). Morel nối lại liên lạc giữa nhóm điệp viên với sở chỉ huy, nhưng bị bắt sáu tuần sau vì một vụ phản bội. Ông tuyệt thực và lâm bệnh nặng. Trong bệnh viện nhà tù, ông được phẫu thuật; với những vết khâu ở bụng chưa lành, ông trốn bệnh viện sang Tây Ban Nha. Rơi vào tay lính biên phòng Tây Ban Nha, ông bị đưa vào trại. Ông lại bỏ trốn và đến được London. Sức khỏe của ông ngày càng suy sụp, ông chỉ ăn bánh mỳ khô và uống sữa.

Vera Atkins.

Morel đã tổ chức hàng trăm điệp vụ. Tháng 2/1944, ông trở lại Pháp với một nhiệm vụ khó khăn: bắt một điệp viên của SOE bị tình nghi. Ông đã hoàn thành nhiệm vụ và dẫn anh ta về London. Các điệp viên của Ban Pháp gọi Vera Atkins là “Thiên thần tốt bụng”. Vì không có đủ người Pháp để tung vào hậu phương của quân Đức nên đơn vị phải “tạo ra” những “người Pháp” từ người Anh hoặc Canada. Và công việc này được giao cho Vera Atkins, một nữ điệp viên trẻ, thông minh và tài năng, phụ trách.

Những người quen biết gọi bà là “người phụ nữ lạnh lùng, cực kỳ thạo việc, có đầu óc phân tích” và là “bộ não và trái tim” của Ban Pháp. Bà đã cống hiến gần 5 năm cuộc đời mình cho ban này. Vera Atkins đã thu thập từng mẩu thông tin về cuộc sống ở nước Pháp bị chiếm đóng, bà có kiến thức bách khoa về tất cả các vấn đề có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của một điệp viên được tung vào vùng địch hậu - công việc, cách di chuyển, giờ giới nghiêm, tiêu chuẩn lương thực, thủ tục đăng ký với cảnh sát, v.v…

Các giấy tờ giả được làm trong phòng thí nghiệm đặc biệt của SOE, nhưng Vera luôn biết cách bổ sung những chi tiết rất quan trọng, những bức ảnh “gia đình”, danh thiếp cũ, một lá thư của một người bạn hoặc người yêu cũ - nói chung là đủ thứ vặt vãnh có thể xác nhận danh tính của anh ta. Bà khai thác được những thứ này từ các nguồn bí mật của mình, ngoài ra còn có nhãn hiệu của các hãng may Pháp, vé tàu điện ngầm, diêm Pháp và các đồ vật khác. Nhưng ngoài những cái đó ra, Vera còn trực tiếp tham gia hướng dẫn các điệp viên ngay trước khi họ được tung vào hậu phương của kẻ thù. Mỗi điệp viên có một sĩ quan phụ trách riêng, chịu trách nhiệm huấn luyện anh ta và ở bên cạnh anh ta trong những ngày cuối cùng trước khi lên đường, nhưng không một đợt huấn luyện nào có thể bỏ qua sự tham vấn của Vera.

Thủ tướng Anh Winston Churchill.

Buổi liên hoan chia tay diễn ra tại phòng làm việc của người đứng đầu Ban Pháp Maurice Buckmaster, được bày biện theo phong cách Pháp. Mọi thứ đều phải tạo ra bầu không khí thân thiện, tin cậy và hy vọng vào thành công. Hiểu rõ vai trò của yếu tố con người, trong các buổi phát thanh rộng rãi trên mạng lưới vô tuyến, Vera Atkins đã bổ sung các thông tin về cuộc sống và sức khỏe của các thành viên trong gia đình các điệp viên cụ thể, về bố mẹ già, về việc sinh con, về anh trai của điệp viên đang tại ngũ, còn sống và được đề bạt. Đồng thời, những người thân không biết con hoặc chồng mình ở đâu, họ chỉ biết anh ta đang “làm nhiệm vụ”.

Buckmaster đã phải đấu tranh quyết liệt với Ủy ban Giải phóng Dân tộc Pháp (còn gọi là “Nước Pháp Tự do”), do tướng Charles de Gaulle lãnh đạo.

Ban Pháp và “Nước Pháp Tự do” là những đối thủ cạnh tranh không khoan nhượng không chỉ trong cuộc tranh giành “đội ngũ tuyển mộ”, mà còn trong một số vấn đề cơ bản. Về mặt lý thuyết, Buckmaster không nhất thiết phải sử dụng công dân Pháp. Tướng Charles de Gaulle khẳng định (và được sự đảm bảo của Winston Churchill) rằng tất cả những người Pháp đến Anh sẽ chỉ được thu hút vào công việc trong tổ chức của ông.

Trên thực tế, nhiều người Pháp, đặc biệt là người xuất thân từ các thuộc địa, đã trở thành điệp viên của SOE. Vì sao tướng Charles de Gaulle lại phản đối điều này? Thứ nhất, ông sợ sau chiến tranh tất cả các điệp viên của Anh này sẽ ở lại nước Pháp và sẽ làm việc cho người Anh. Thứ hai, ông không muốn để các điệp viên của SOE tiến hành các hoạt động khủng bố và phá hoại bởi vì điều đó có thể gây ra những hành động trả đũa của quân Đức và khiến dân Pháp tức giận chống lại những người đang lãnh đạo cuộc chiến chống quân Đức, kể cả tổ chức “Nước Pháp Tự do”. Ông cho rằng Ban Pháp chỉ được phép hoạt động tình báo. Trong cuộc đối thoại với Thủ tướng Winston Churchill, tướng Charles de Gaulle tuyên bố rằng những hoạt động của các điệp viên Anh trên nước Pháp “vi phạm chủ quyền của nó”.

Tướng Charles de Gaulle.

Giữa SOE và tổ chức “Nước Pháp Tự do” luôn xảy ra mâu thuẫn về việc sử dụng hàng không, cung cấp vũ khí do điệp viên người Pháp khai thác được. Người Anh đối xử với người Pháp như với những người bà con nghèo.

Đã có thời kì Anh và Mỹ nói chung không muốn công nhận Charles de Gaulle là người lãnh đạo phong trào giải phóng nước Pháp. SOE không can thiệp vào những cuộc tranh cãi chính trị, nhưng cũng không hợp tác với các ban đặc biệt của Charles de Gaulle. Về phần mình, tướng Charles de Gaulle cũng không công nhận SOE, nhưng các đơn vị của ông ta thì rất sẵn lòng hợp tác với tình báo Anh.

Bất chấp mọi nỗ lực của Buckmaster, năm 1942 kết thúc không tốt đẹp đối với Ban Pháp. Nhiều điệp viên bị bắt, liên lạc với những người còn lại thường xuyên bị gián đoạn trong nhiều tuần, và việc cung cấp vũ khí cho các nhóm Kháng chiến đã chấm dứt. Tình trạng thiếu người huấn luyện và vũ khí đã gây thất vọng cho những người tham gia Kháng chiến dựa vào SOE. Do thiếu phương tiện giao thông, năm 1942, nước Pháp chỉ nhận được 36 điệp viên và 17 nhân viên điện đài, khoảng 2 tấn thuốc nổ, 269 súng máy, 388 khẩu súng lục và 856 quả bom cháy.

Công việc trong năm 1943-1944 diễn ra hoàn toàn khác. Số lượng các điêp viên tung vào Pháp tăng lên đáng kể, mặc dù tổn thất vẫn ở mức cao. Trong nửa đầu năm 1944, 45.000 khẩu súng máy, 17.000 khẩu súng lục, v.v… đã được chuyển sang Pháp. Các điệp viên SOE hoạt động riêng lẻ hoặc kết hợp với quân Kháng chiến Pháp, đã liên kết với lực lượng Đồng minh sau khi mặt trận thứ hai được mở.

Theo báo cáo của Ban Pháp, trong những năm chiến tranh, đã có 480 điệp viên được tung vào Pháp, trong đó có 130 người bị Đức Quốc xã bắt, 26 người sống sót và được trả tự do. Một số người đã hy sinh trong các trận chiến đấu.

Ở Pháp có từ 70 đến 80 mạng lưới tình báo của SOE, 30 nhóm và đơn vị cơ sở hoạt động. Sau chiến tranh, có 49 câu lạc bộ “Những người bạn của Maurice Buckmaster” được thành lập ở Pháp và Đức, gồm các cựu binh thuộc Ban Pháp của SOE.

Kim Thanh Hằng (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/chien-cong-than-ky-cua-tinh-bao-anh-tren-dat-phap-i716129/