'Chiến địa' trong cuộc đối đầu giữa tình báo Liên Xô và phương Tây

Thủ đô Moscow từng là địa bàn hoạt động 'nóng', tập trung rất nhiều điệp viên đến từ khắp nơi trên thế giới. Đây được xem là một 'chiến địa' giữa các điệp viên Liên Xô và phương Tây trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Trang mạng Russia Beyond đã liệt kê một số địa điểm tại Moscow ghi đậm dấu ấn cho cuộc đối đầu đó.

Địa điểm đầu tiên được kể đến là Khách sạn Pekin vốn được xây dựng từ thời Stalin. Khách sạn này được đặt dưới sự giám sát của KGB (Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô). Hầu hết đội ngũ nhân viên phục vụ của Khách sạn Pekin đều là điệp viên KGB. Tất cả các phòng của khách sạn và nhà hàng tại đây đều bị cài “rệp” nghe lén. KGB còn sử dụng Khách sạn Pekin làm nơi lưu trú trong thời gian ở Moscow cho các đặc vụ của mình đến từ các thành phố khác của Liên Xô. Từ năm 1961-1962, tại Khách sạn Pekin, điệp viên Anh Greville Maynard Wynne đã có nhiều cuộc gặp với Đại tá Oleg Penkovsky của GRU (Tổng cục Tình báo Quân đội Liên Xô), đồng thời cũng là một điệp viên CIA (Cục Tình báo Trung ương Mỹ). Oleg Penkovsky được biết đến là “Đại tá của 3 cơ quan tình báo”, gồm Liên Xô, Mỹ và Anh. Oleg Penkovsky được thăng hàm Đại tá tại Mỹ và Anh, đồng thời còn được hứa hẹn “một ghế” tại bất kỳ đơn vị tình báo nào tùy ý. Chính tại Khách sạn Pekin, Oleg Penkovsky đã chuyển cho điệp viên Greville Maynard Wynne những bức ảnh chụp các tài liệu mật liên quan đến hệ thống vũ khí của Liên Xô. Vị “Đại tá của 3 cơ quan tình báo” đã chuyển tổng cộng khoảng 5.000 bức ảnh như vậy để đổi lại những khoản tiền lớn, quà lưu niệm nước ngoài kèm theo các nhiệm vụ mới. Tới năm 1963, Oleg Penkovsky bị KGB theo dõi và kết cục là bị bắt rồi lãnh án tử hình trong cùng năm.

Cây cầu Krasnoluzhsky-nơi từng diễn ra các cuộc gặp giữa các điệp viên CIA và nhân viên của Bộ Ngoại giao Liên Xô Alexander Ogorodnik. Ảnh: Russia Beyond.

Một địa điểm khác được trang mạng Russia Beyond đề cập đến là cây cầu Krasnoluzhsky nằm ở phía tây nam thủ đô Moscow. Đây là nơi đã diễn ra những cuộc gặp giữa các điệp viên CIA và Alexander Ogorodnik-một nhân viên của Bộ Ngoại giao Liên Xô. Alexander Ogorodnik được tình báo Mỹ tuyển dụng trong thời gian còn công tác ở Colombia vào năm 1974. Alexander Ogorodnik và CIA trao đổi thông tin mật với nhau qua những chiếc hộp được ngụy trang như những hòn đá hoặc thanh gỗ. Những chiếc hộp này được giấu ở gầm cầu. Ngày 22-6-1977, Alexander Ogorodnik bị bắt giữ nhưng sau đó đã tự sát. KGB tìm cách không để CIA hay biết gì về cái chết của Alexander Ogorodnik. Tới ngày 15-7-1977, Martha Peterson, nữ nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại Liên Xô, đồng thời cũng là một điệp viên CIA, bị KGB bắt quả tang khi đang tìm cách giấu một chiếc hộp chứa thông tin mật dành cho Alexander Ogorodnik tại cây cầu Krasnoluzhsky. Ngay ngày hôm sau, Martha Peterson bị trục xuất khỏi Liên Xô.

Ngoài khách sạn Pekin và cây cầu Krasnoluzhsky, sân ga Severyanin cũng là một địa điểm diễn ra “trò chơi gián điệp” giữa KGB và CIA. Theo đó, vào năm 1985, KGB đã theo dõi một điệp viên CIA là Paul Zalaki, người đã giấu một chiếc hộp chứa thông tin mật được ngụy trang như một hòn đá nằm cách không xa sân ga Severyanin. Vài tuần sau đó, Leonid Poleshuk, một nhân viên KGB làm gián điệp cho CIA đã bị “sa lưới” khi tới lấy chiếc hộp nói trên. Trong chiếc hộp chứa số tiền 25.000 rubles đủ để mua 4 chiếc ô tô lúc bấy giờ. Đây chính là khoản thù lao CIA gửi cho Leonid Poleshuk vì đã tích cực chuyển cho phía Mỹ nhiều thông tin về các điệp viên Liên Xô nằm vùng tại Nepal và Nigeria. Leonid Poleshuk bị xử tử vào năm 1986.

Theo trang mạng Russia Beyond, thoạt nhìn, nhà thờ Saint Basil nằm ở Quảng trường Đỏ ngay trung tâm thủ đô Moscow khó có thể “lọt vào mắt xanh” của các điệp viên phương Tây. Thế nhưng trên thực tế, đoạn cầu thang xoắn ốc từ tầng 1 lên tầng 2 của nhà thờ Saint Basil lại là một nơi lý tưởng để người ta có thể khéo léo chuyển cho nhau một mảnh giấy chứa thông tin cần thiết. Vào năm 1985, Oleg Gordievsky, một Đại tá KGB, đồng thời cũng là một điệp viên của Cục Tình báo mật Anh (MI6) chuẩn bị đào tẩu khỏi Liên Xô. Oleg Gordievsky cần gặp một điệp viên nước ngoài tại nhà thờ Saint Basil để nhận chỉ dẫn nhưng lúc đó tòa nhà này lại đóng cửa. Tuy nhiên, Oleg Gordievsky rốt cục vẫn “cắt đuôi” được các điệp viên Liên Xô và trốn thoát sang Anh. Oleg Gordievsky bị Liên Xô kết án tử hình vắng mặt vì tội phản quốc. Cho đến ngày nay, Oleg Gordievsky vẫn là một trong số ít điệp viên nhị trùng đào thoát thành công khỏi Liên Xô.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/chien-dia-trong-cuoc-doi-dau-giua-tinh-bao-lien-xo-va-phuong-tay-598153