'Chiến dịch Đặc biệt'của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã chia sẻ rằng ông in thơ rất nhiều mà hầu như chưa bao giờ bán, chỉ dành để tặng. Bây giờ nghĩ lại có chút ân hận. Lý do bán thơ của ông là một cách chống lại sự làm phiền của mình với người khác. Chuyên đề Văn nghệ Công an có cuộc trò chuyện thú vị xung quanh 'chiến dịch bán thơ' lần đầu tiên của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

"Với tôi, đây là một "chiến dịch" thật sự.
Vậy đó là chiến dịch gì?
Đây là chiến dịch … "BÁN THƠ"

Đó là mở đầu cho một bài viết không kém phần đặc biệt của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trên Facebook ngày 12/8 vừa qua khi ông mở màn chiến dịch quảng cáo bán thơ cho tập thơ mới nhất ông vừa in có tên: "Nhật ký người xem đồng hồ".

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã chia sẻ rằng ông in thơ rất nhiều mà hầu như chưa bao giờ bán, chỉ dành để tặng. Bây giờ nghĩ lại có chút ân hận. Lý do bán thơ của ông là một cách chống lại sự làm phiền của mình với người khác. Chuyên đề Văn nghệ Công an có cuộc trò chuyện thú vị xung quanh "chiến dịch bán thơ" lần đầu tiên của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều kí tặng sách cho độ giả.

- Thưa ông, chúng ta nên bắt đầu cuộc trò chuyện này với danh xưng ông trên cương vị là một nhà thơ hay một Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam?

+ Thứ danh xưng mà tôi đắm mê và tự nguyện đi theo hết đời là nhà thơ cho dù con đường sáng tạo thơ ca là một con đường kỳ lạ và nhà thơ luôn cảm thấy mình bất lực trước sự huyền ảo của thơ ca. Tôi không nghĩ có một ngày mình được gọi như vậy và tôi kiêu hãnh với danh xưng đó. Còn vị trí Chủ tịch Hội Nhà văn, cho tôi nói thật nhé, không ít các nhà văn, nhà thơ có thể làm. Chỉ là mỗi người một cách mà thôi. Và sẽ có những người làm tốt hơn tôi ở vị trí này.

- Nhưng tôi vẫn muốn xin phép được đề cập đến cương vị hiện tại của ông một chút. Khi Chủ tịch Hội Nhà văn đăng đàn trực tiếp "rao bán thơ", mở "chiến dịch quảng cáo rao bán thơ", thì hẳn đó không còn là việc của cá nhân ông nữa, mà có thể hiểu rằng ông đang đi đầu, tiên phong mở đường cho một xu hướng, một cách ứng xử trân trọng đối với thơ. Thơ viết ra độc giả phải mua để xem, giống như mua vé vào rạp xem phim hay vào nhà hát nghe ca nhạc?

+ Thực tế có không ít các nhà văn, nhà thơ đã làm việc này. Khi tôi có ý định tự phát hành thơ của mình, một số người khuyên không nên làm thế vì tôi hiện đang là Chủ tịch Hội Nhà văn. Sao một Chủ tịch Hội Nhà văn lại không được quyền quảng bá tác phẩm của mình? Ngược lại, chính ông Chủ tịch Hội Nhà văn phải tìm mọi cách để quảng bá các tác phẩm văn học của các nhà văn hội viên và của chính mình. Vì lẽ đó, Hội Nhà văn chuẩn bị khánh thành một không gian mà tôi thực sự hứng thú. Đó là ''Trung tâm phát triển và quảng bá sách văn học Việt Nam'' tại 65 Nguyễn Du, Hà Nội. Chúng tôi sẽ có một kế hoạch có chiều sâu và tạo sức lan tỏa cho Trung tâm này. Hơn nữa, tôi muốn những bạn đọc thực sự yêu thơ ca đọc thơ tôi và tôi có cơ hội lắng nghe từ họ.

- Rõ ràng, bản thân tôi cũng là một người viết văn, làm thơ, sự tuyên bố bán thơ của ông làm cho cánh nhà văn nhà thơ chúng tôi rất vui. Cuối cùng thì cũng phải trả lại giá trị thực cho thi ca chứ không thể mãi mãi là thứ miễn phí được?

+ Thơ là một "sản phẩm đặc biệt". Nó không thể có nhiều ''khách hàng'' như điện ảnh, âm nhạc và các thể loại giải trí khác. Thực ra, mọi người đang sống trong tinh thần của thi ca hoặc hướng tới tinh thần đó. Đấy chính là những vẻ đẹp đời sống, là những giấc mơ, là sự dày vò lương tri và sự nổi giận với những gì phi nhân tính… Còn nhà thơ là người được chọn hoặc có khả năng ngôn ngữ hóa những điều đó mà thôi. Một nhà thơ có 10 người đọc và một nhà thơ có 100 bạn đọc đều hạnh phúc như nhau khi nhà thơ thấu hiểu bản chất của thơ ca. Và một sự thật mà tôi muốn nói là: thơ ca không bao giờ bị mất đi vẻ đẹp và sức mạnh của nó, chỉ nhà thơ mới làm mất đi vẻ đẹp và sức mạnh của thơ ca mà thôi.

- Chiến dịch bán thơ của ông bắt đầu như thế nào rồi ạ? Hẳn là với tài năng và danh tiếng của ông thì chiến dịch này mở màn là thắng lợi vang dội?

+ Tôi in một số lượng không nhiều. Nhưng sau hơn 10 ngày tôi đã bán hết. Một số bạn bè tôi chưa kịp gửi tặng họ thì sách không còn. Bạn đọc mua thơ tôi có nhiều lý do. Trong đó tôi nghĩ có một lý do là để xem ông Chủ tịch Hội Nhà văn làm thơ thế nào. Điều mà tôi rất vui là có hơn 90% người mua thơ tôi là những người mà tôi không quen biết và họ ở những nơi rất xa xôi.

- Ông có bao giờ có ý nghĩ thơ sẽ là món hàng ế trên thị trường tinh thần khi ở đó người nghệ sĩ lẫn nhà buôn bày bán bao món ăn văn hóa khác đủ hấp dẫn, gọi mời, câu khách?

+ Thơ là một thể loại văn học ít người đọc nhất, đặc biệt là trong một thời đại quá nhiều các thể loại giải trí và trong một thời đại mà tính hưởng thụ và nhịp sống quá gấp gáp. Nhưng trong sự im lặng tận cùng của đời sống là nơi thơ trú ngụ và chờ đợi những bạn đọc đích thực của mình. Đừng bao giờ đòi hỏi một nhà thơ kể cả nhà thơ Giải Nobel có được số lượng người hâm mộ như ban nhạc Blackpink của Hàn Quốc. Thơ là một vương quốc khác mà mọi thứ náo nhiệt và thời thượng không có khả năng bước vào được.

- Tôi lại nghĩ rằng, người Việt Nam mình rất yêu thơ, tình yêu đó dù trải qua bao biến thiên của đời sống, bao vật đổi sao dời. Thậm chí có những lúc đời sống này, xã hội này có những vết thương sâu đến mức làm tổn thương đến tinh thần thơ ca, mọi giá trị có thể có lúc nào đó đã đảo lộn, đã sai sót, đã thảm bại, thì thơ ca vẫn là một cái gì đó vô cùng đẹp đẽ cứu rỗi tâm hồn, và để cho con người trân trọng hướng tới. Ông nghĩ sao về điều đó?

+ Những người nông dân làng Chùa của tôi nói: "Thơ ca không làm ra lúa vàng gạo trắng, nhưng làm ra giấc mơ cho người gieo trồng". Thơ không nuôi sống được thân xác con người, nhưng nó nuôi lớn tâm hồn con người. Nói một cách đơn giản nhất, thơ chính là những gì đẹp đẽ và yêu thương trong mỗi con người. Bởi thế nếu nó mất đi nghĩa là những vẻ đẹp tâm hồn và tình yêu thương con người cũng mất đi.

- Chúng ta có thể nói một chút về tập thơ mới nhất của ông và những thông điệp của nó, ông có thể chia sẻ chút ít không ạ? Với chữ thì Nguyễn Quang Thiều chưa bao giờ viết nó một cách đơn giản, dù chỉ là một dòng trên Facebook cá nhân thì ông vẫn có những thông điệp, hay những bài học trải nghiệm sâu sắc từ ông khiến cho người đọc bất ngờ, và có những thu nhận đắt giá cho họ.

Tác phẩm mới ra mắt của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

+ Tôi luôn đi tìm cho riêng tôi thông điệp ở trong mọi sự vật và sự việc. Một bông hoa nở trong giá rét nói điều gì với ta không? Một con chim non đập cánh bay chuyến bay đầu tiên trong cuộc đời nói gì với chúng ta không? Một hạt cây nằm trong đất tối im lặng qua mưa nắng để một ngày bật mầm vươn lên nói gì với chúng ta không? Và một bài thơ luôn nói với ta một điều gì đó thậm chí nhà thơ khi viết bài thơ đó chẳng có ý định nói điều gì mà chỉ bày tỏ mà thôi.

- Thơ của ông không dễ đọc, bản thân tôi rất mê những gì ông viết nhưng riêng với thơ, trước một văn bản tôi phải đọc đi đọc lại kỹ càng vài lần mới tin mình có thể chạm được chút ít tư tưởng và thông điệp của ông. Vì sao ông chọn cách viết phức hợp đến vậy? Có phải thơ ông luôn chứa đựng tư tưởng lớn lao của một thi sĩ trước thời cuộc, nó không còn đơn thuần và vô tư chỉ là những cơn xúc cảm cá nhân. Tóm lại tôi có cảm giác ông viết cho người nhiều hơn là viết cho mình? Phải chăng đó là sứ mệnh của một nhà thơ?

+ Tôi phải nói rằng: trước hết nhà thơ viết những gì anh ta nhìn thấy, suy nghĩ và rung động. Anh ta bày tỏ những gì đang xẩy ra trong tâm hồn anh ta. Rồi khi bài thơ ấy được công bố, nó có thể tìm được sự đồng cảm của một đến một ngàn người khác hoặc hơn nữa. Tôi không có chủ đích làm phức tạp hóa mọi điều. Nhưng mọi điều đều luôn chứa đựng sự đa tầng, đa chiều của nó. Và thơ là "cỗ máy" khoan sâu vào những tầng vỉa của cảm xúc và tư tưởng của đời sống này.

Mọi văn bản đều có thông điệp của nó kể cả một văn bản rối loạn. Một văn bản rối loạn cho thấy sự rối loạn ở khía cạnh nào đó của người viết ra văn bản đó. Cái đích đến của một bài thơ không phải chỉ là để bạn đọc hiểu được thông điệp của nhà thơ mà để người đọc tìm ra một văn bản và một thông điệp của chính người đọc có bên trong con người họ.

Một nhà thơ viết về mẹ mình không phải để bạn đọc yêu mẹ anh ta mà để yêu người mẹ của chính họ. Đấy là sứ mệnh của thơ ca. Có một bài đồng dao về con voi: "Con vỏi con voi/ Cái vòi đi trước/ Hai chân trước đi trước/ Hai chân sau đi sau/ Còn cái đuôi sau rốt/ Tôi xin kể nốt/ Cái chuyện con voi". Đương nhiên con voi là như thế sao mà phải nói ra. Nghe có vẻ rất hài hước. Nhưng không, trong đó chứa đựng một thông điệp không nhỏ.

- Xin trân trọng cảm ơn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/chien-dich-dac-bietcua-nha-tho-nguyen-quang-thieu-i706265/