Chiến dịch đường 9-khe Sanh Xuân - hè 1968: Nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thắng lợi của Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh Xuân - Hè 1968 (20/1-15/7/1968) tiến công vào tuyến phòng ngự vững chắc của địch ở khu vực Đường 9-Khe Sanh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Nó không những thực hiện xuất sắc nhiệm vụ nghi binh chiến lược cho đòn tiến công bất ngờ vào hầu khắp các đô thị trên toàn miền Nam dịp Tết Mậu Thân 1968; thu hút, giam chân, tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận lớn quân cơ động địch, tạo điều kiện thuận lợi cho các chiến trường khác; phá vỡ một phần quan trọng tuyến phòng thủ của địch ở phía Nam Giới tuyến quân sự tạm thời; góp phần thúc đẩy phong trào phản chiến của các tầng lớp nhân dân Mỹ dâng cao; làm đảo lộn thế bố trí chiến lược, làm lung lay tận gốc ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, góp phần quan trọng buộc chính quyền Mỹ phải xuống thang, trút dần gánh nặng xuống vai chính quyền và quân đội Sài Gòn, ngừng ném bom miền Bắc, chấp nhận ngồi vào đàm phán với ta ở Paris, khởi đầu một quá trình thất bại về mặt chiến lược... mà thắng lợi của Chiến dịch còn để lại nhiều nét đặc sắc về nghệ thuật quân sự.

Trước hết, mở Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh là một trong những nét xuất sắc trong nghệ thuật chỉ đạo chiến lược của Bộ Chính trị. Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh nằm trong tổng thể chiến lược của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Do đó, tuy là một chiến dịch tiến công nhưng thực sự đã tạo nên một đòn chiến lược quan trọng, một cú đánh chí mạng đối với quân Mỹ, làm cho chúng đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Đại tướng Hoàng Văn Thái phát biểu tại Hội nghị tổng kết các chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ (tháng 3-1986) đã khẳng định: Chủ trương mở Mặt trận Đường số 9 của Đảng ta rất đúng đắn, sáng suốt, là một trong những xuất sắc trong nghệ thuật chỉ đạo chiến lược của Bộ Chính trị trong chiến tranh cách mạng miền Nam nói chung, trong tiến công và nổi dậy Xuân 1968 nói riêng.

Thứ hai, nghệ thuật nghi binh chiến lược. Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh nằm trong tổng thể kế hoạch nghi binh chiến lược Xuân Mậu Thân 1968, được thực hiện toàn diện, chặt chẽ, hiệu quả và bí mật tuyệt đối.

Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh đã chỉ đạo khéo léo để “lộ kế hoạch” với địch, thực hiện một bước nhỏ trong toàn bộ kế hoạch nghi binh; một mặt chỉ đạo Đảng ủy Bộ Tư lệnh Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ; mặt khác, chỉ đạo cơ quan báo chí phát thanh hạn chế tuyên truyền những trận đánh đô thị mà tập trung vào hướng nghi binh. Qua đó cho thấy, nghệ thuật nghi binh đã được sử dụng triệt để, sáng tạo và đạt tới đỉnh cao trong Chiến dịch này.

Thứ ba, nghệ thuật chọn hướng tiến công chính xác, phù hợp với thực tế chiến trường. Bộ Tư lệnh Chiến dịch nhận thấy: Về phía địch, ở Đường 9 có cả quân Mỹ và quân Sài Gòn, nhưng lúc này quân Mỹ đã ngày càng đông hơn, nếu ta đánh mạnh, địch bị tiêu diệt nhiều, chắc chắn sẽ thu hút được lực lượng lớn quân Mỹ đến ứng cứu.

Tuy chúng phòng ngự trên cả hai hướng Đông - Tây, nhưng do nhiều nguyên nhân, địch tập trung lực lượng ở hướng Đông là chủ yếu, trái lại ở hướng Tây chúng chỉ đủ sức phòng ngự tại chỗ, nếu bị ta cắt đoạn Đường 9, từ Tân Lâm đến Cà Lu, thì Khe Sanh sẽ bị cô lập về đường bộ, càng tăng thêm khả năng thu hút quân Mỹ.

Về phía ta, lực lượng lớn tham gia chiến dịch là các sư đoàn chủ lực của Bộ; các sư đoàn này tuy đã qua huấn luyện cơ bản nhưng cần phải được chuẩn bị chu đáo. Với điều kiện địa hình như vậy, rõ ràng hướng Tây sẽ hạn chế được chỗ mạnh của địch, lại phát huy được sở trường của ta…

Trên cơ sở phân tích, đánh giá đó, Bộ Tư lệnh Chiến dịch hạ quyết tâm, xác định rõ: Hướng Tây (Khe Sanh) là hướng tiến công chủ yếu, hướng Đông là hướng quan trọng.

Trong quá trình diễn biến chiến dịch, tùy tình hình, có thể khu vực phía Đông sẽ chuyển thành hướng chính. Kết quả, sau 177 ngày đêm chiến đấu ta đã giành thắng lợi quan trọng.

Thứ tư, nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng. Chiến dịch tiến công Đường 9 - Khe Sanh là lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ta đã tổ chức một chiến dịch tập trung quy mô lớn, tác chiến hiệp đồng binh chủng trên các hướng, trong đó lần đầu tiên có lực lượng xe tăng xuất trận.

Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh quyết định sử dụng một lực lượng lớn gồm 4 sư đoàn bộ binh, nhiều trung đoàn, tiểu đoàn binh chủng tham gia chiến dịch. Bên cạnh tập trung lực lượng trên hướng tiến công chủ yếu vào Khe Sanh (hướng Tây), trên các hướng khác ta đã sử dụng lực lượng thích hợp, vận dụng các hình thức chiến thuật, biện pháp tác chiến rộng khắp, căng kéo, thu hút quân địch, do đó đạt hiệu suất chiến đấu cao.

Nhìn chung, nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng trong Chiến dịch này tập trung vào các nội dung: Một là, tổ chức, sử dụng lực lượng linh hoạt trên từng hướng tác chiến; hai là, coi trọng phát huy sở trường của từng lực lượng để tổ chức, sử dụng đan xen, tạo sức mạnh tổng hợp trên từng mũi, hướng; ba là, kết hợp chặt chẽ giữa sử dụng lực lượng tiến công vây ép địch trong cứ điểm với cơ động đánh địch ngoài công sự trong từng tình huống Chiến dịch.

Với cách tổ chức, sử dụng lực lượng hợp lý, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã phát huy cao khả năng của các đơn vị tham gia chiến đấu, góp phần tạo nên chiến thắng của Chiến dịch. Trong chiến dịch, ta đã áp dụng phương pháp tiến công hiệp đồng binh chủng để tiêu diệt từng cứ điểm riêng lẻ (cỡ tiểu đoàn) trong thời gian ngắn, tiêu biểu là trận Làng Vây (ngày 6/2/1968) - trận hiệp đồng binh chủng đầu tiên của ta trên chiến trường miền Nam.

Qua 4 đợt tiến công, ta đã thực hiện hiệu quả, linh hoạt, sáng tạo các hình thức chiến thuật: vây hãm, vây lấn, xây dựng trận địa tiến công dài ngày dưới làn hỏa lực của phi pháo địch, sử dụng chiến thuật chốt kết hợp vận động tiến công trong đánh địch đổ bộ đường không ngay khi chúng vừa tiếp đất… Đó chính là biểu hiện tập trung của nghệ thuật chuyển hóa thế trận chiến dịch, nghệ thuật tạo lập thế trận, tạo thời cơ thúc đẩy bước phát triển của chiến dịch.

Thiếu tướng TS Nguyễn Hoàng Nhiên
(Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chinh-tri/chien-dich-duong-9-khe-sanh-xuan-he-1968-net-dac-sac-cua-nghe-thuat-quan-su-viet-nam-tintuc409769