Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2018: - Bảo vệ môi trường khu dân cư và nơi công cộng

Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn do Australia khởi xướng từ năm 1993 và được Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc phát động trên phạm vi toàn cầu.

Đoàn thanh niên, học sinh sinh viên tham gia dọn sạch bãi biển trước sự kiện "Đôi chân trần trên biển Đà Nẵng - Danang Barefoot Run 2015-2016".

Các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố, các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp tổ chức triển khai đồng loạt các hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Đồng thời sơ kết đánh giá và đề xuất các giải pháp thiết thực để triển khai Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020; Tiến hành các hoạt động xử lý chất thải nhựa và nilon, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý môi trường, giải quyết những vấn đề môi trường cấp bách; Phát động các phong trào huy động sự tham gia của cộng đồng trong thu gom bao gói hóa chất bảo vệ thực vật, xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn, không đốt rơm rạ sau thu hoạch; thu hồi rác thải điện tử, xây dựng các hình thức truyền thông về chủ đề này.

Đối với 28 tỉnh, thành phố ven biển, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị tăng cường tổ chức các hoạt động ra quân làm sạch môi trường tại các bãi biển, khu vực ven bờ, trong đó tập trung vào việc thu gom, thu hồi các sản phẩm làm từ nhựa, bao bì, túi nilon và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định. Tổ chức bàn giao bãi biển khu vực ven bờ đã làm sạch cho các tổ chức, đơn vị có trách nhiệm quản lý để không tái diễn tình trạng ô nhiễm môi trường biển; rà soát, báo cáo về các mô hình, công trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã triển khai, giới thiệu một mô hình phù hợp với địa phương để Bộ phổ biến, nhân rộng.

Trong khuôn khổ chuẩn bị cho các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2018, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đã giao cho Tổng cục Môi trường phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức các hội thảo khoa học về quản lý và xử lý chất thải rắn, nhằm thảo luận, trao đổi với các chuyên gia, nhà khoa học về các mô hình, công nghệ xử lý chất thải này đang đặt ra "nóng bỏng" hiện nay.

Mô hình thu gom, xử lý rác thải rắn ở P. Hòa Thuận Tây (Q. Hải châu, TP Đà Nẵng).

Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, chất thải rắn sinh hoạt nói chung và chất thải rắn nông thôn nói riêng ở Việt Nam hiện xử lý bằng 3 hình thức là đốt, chôn lấp và sản xuất phân compost. Đối với mỗi hình thức xử lý đều có những mặt mạnh và hạn chế khác nhau. Về xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng hình thức đốt, trên cả nước có khoảng 200 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, đa số là các lò đốt công suất nhỏ, công suất xử lý dưới 500kg/giờ. Về xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng hình thức chôn lấp, tính đến năm 2016 có khoảng 458 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt (quy mô trên 1 ha), ngoài ra còn có các bãi chôn lấp quy mô nhỏ ở các xã chưa được thống kê đầy đủ. Hiện nay vẫn còn tồn tại các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt không hợp vệ sinh tại các địa phương, các vùng nông thôn. Về xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành phân hữu cơ, hiện nay, các cơ sở xử lý chủ yếu sử dụng công nghệ ủ hiếu khí hoặc kị khí.

Hai hình thức phổ biến xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở nông thôn là đốt hoặc chôn lấp. Tuy vậy, cả hai phương pháp đều đang bộc lộ hạn chế và chưa giải quyết được triệt để vấn đề nan giải trong công tác xử lý ở nông thôn. Công nghệ đốt chất thải rắn nhập khẩu không phù hợp với thực tế chất thải rắn nông thôn, chưa được phân loại tại nguồn, nhiệt trị của chất thải rắn sinh hoạt thấp. Việc sử dụng công nghệ chôn lấp tại nông thôn hiện nay chủ yếu là chôn lấp không hợp vệ sinh gây ô nhiễm môi trường, đồng thời tốn nhiều quỹ đất, không tận dụng được các loại chất thải rắn có khả năng tái chế, tái sử dụng.

Để giải quyết vấn đề quá tải ở các bãi rác ở nông thôn, một số mô hình lò đốt đã được áp dụng thí điểm ở nhiều địa phương trong toàn quốc. Bước đầu các công nghệ cho thấy có thể giúp giảm lượng rác thải phát sinh, hạn chế gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan khu vực. Nhưng việc vận hành không đúng yêu cầu kỹ thuật, như không đảm bảo nhiệt độ đốt của lò, khối lượng chất thải rắn đốt lớn hơn công suất cho phép... cũng có thể làm phát sinh các loại chất thải độc hại như Dioxin, Furan.

Cho đến nay, cả khu vực đô thị và nông thôn chưa có địa phương nào có mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt hoàn thiện đạt được cả các tiêu chí về kỹ thuật, kinh tế, xã hội và môi trường. Hầu hết các mô hình hiện nay chưa đảm bảo tính bền vững. Do đó, vấn đề cần thiết là phải có đánh giá toàn diện về tình hình quản lý và các mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương. Cũng như đánh giá về công nghệ, tính bền vững về kinh tế-xã hội và môi trường của từng mô hình. Qua đó, sẽ lựa chọn được mô hình tối ưu, đảm bảo tính bền vững và khuyến khích nhân rộng trên toàn quốc.

Trên cơ sở tiến hành đánh giá toàn diện theo căn cứ khoa học về tính bền vững đối với các mô hình xử lý chất thải rắn tại địa phương, Tổng cục Môi trường sẽ lựa chọn mô hình bền vững về kinh tế-xã hội và môi trường để nhân rộng. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế chính sách về quản lý và xử lý chất thải rắn nhằm triển khai thực hiện các mô hình này. Đặc biệt là cần có các giải pháp đẩy mạnh phân loại chất thải tại nguồn, tạo thuận tiện cho việc thu gom, xử lý chất thải và tận dụng được phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, góp phần giảm phế liệu nhập khẩu.

Văn Hào

Hợp tác trong lĩnh vực môi trường

Ngày 6-9, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Huỳnh Cách Mạng đã tiếp ông Seigo Tanaka- Phó Thị trưởng thành phố Osaka (Nhật Bản).

Tại buổi tiếp, ông Huỳnh Cách Mạng đánh giá cao chính quyền và các nhà đầu tư Osaka đã chọn lĩnh vực môi trường là ưu tiên hợp tác với TPHCM đồng thời mong muốn hai địa phương tiếp tục mở rộng hợp tác về chống biến đổi khí hậu, phòng chống lũ lụt; các doanh nghiệp, nhà đầu tư Osaka đẩy mạnh hợp tác ở những lĩnh vực mà TPHCM quan tâm, đặc biệt là lĩnh vực y tế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng hạ tầng giao thông, đô thị thông minh...

Ông Seigo Tanaka cho rằng, Việt Nam và Nhật Bản nói chung, TPHCM và Osaka nói riêng có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, địa lý mà cụ thể là có chung tình trạng sụt lún, ngập úng, xâm nhập mặn… Trên cơ sở đó, ông Seigo Tanaka mong muốn hai địa phương tăng cường hợp tác phát triển nhiều mặt nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu trong thời gian tới. Trong đó, cần tiếp tục gia hạn việc ký kết hợp tác giữa hai thành phố, đẩy mạnh hợp tác về xử lý môi trường, cung cấp nước sạch phục vụ người dân.

TTXVN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_194947_bao-ve-moi-truong-khu-dan-cu-va-noi-cong-cong.aspx