Chiến hạm mang 48 quả Kalibr khiêm tốn đứng cạnh Arleigh Burke

Dù Dự án 22350M được đánh giá là lớp chiến hạm mạnh nhất của Nga khi mang được 48 quả Kalibr nhưng nó vẫn khiêm tốn khi so với tàu Arleigh Burke.

Hãng thông tấn TASS dẫn nguồn tin Hải quân Nga cho biết, văn phòng thiết kế của Hạm đội phương Bắc đã bắt đầu tập hợp dữ liệu chuẩn bị cho việc khởi đóng tàu khu trục hiện đại thuộc Dự án 22350M.

Khi chính thức đi vào trang bị, đây sẽ là lớp chiến hạm mạnh nhất của Nga bởi nó có thể mang tới 48 tên lửa hành trình tầm xa Kalibr.

"Việc thiết kế tàu khu trục của Dự án 22350M đã hoàn thành, hiện văn phòng thiết kế đang có sự điều chỉnh cho phù hợp với thông số kỹ thuật và yêu cầu của khách hàng", Hải quân Nga cho biết.

Chiến hạm Đô đốc Gorshkov.

Để mang được số lượng tên lửa lớn như vậy, lớp chiến hạm này được Hải quân Nga thiết kế với lượng giãn nước lên tới 7.000 tấn.

Những con tàu này cũng sẽ mang tên lửa hành trình siêu âm Zircon và có hệ thống điều khiển hỏa lực tự động.

Chỉ với thông tin ít ỏi được công bố đã cho thấy, sức mạnh của chiến hạm thuộc Dự án 22350M của Nga là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, khi so với khu trục hạm lớp Arleigh Burke (chiếc đầu tiên hoạt động từ năm 1991) của Mỹ, sức mạnh lớp tàu chiến tương lai Nga tỏ ra khá khiêm tốn dù lượng giãn nước chênh lệch không nhiều.

Arleigh Burke là lớp tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường (DDG) của Mỹ được chế tạo trên nền tảng hệ thống chiến đấu Aegis. Đây là một trong những tổ hợp tác chiến hiện đại và phức tạp nhất thế giới, hiện những chiến hạm này là nòng cốt quan trọng trong hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo do Mỹ phát triển.

Chiến hạm lớp Arleigh Burke được trang bị cụm radar mảng pha quét điện tử AN/SPY-1, tên lửa đánh chặn SM-2/3 và hệ thống phòng thủ Aegis biến tàu khu trục lớp Arleigh Burke thành tổ hợp chống tên lửa đạn đạo và diệt vệ tinh hiệu quả nhất trong biên chế hải quân Mỹ.

Chiến hạm Arleigh Burke phóng tên lửa Tomahawk.

Tàu được trang bị 90 ống phóng thẳng đứng (VLS) chia làm hai cụm trước và sau thượng tầng, có khả năng sử dụng tên lửa hành trình BGM-109 Tomahawk, tên lửa phòng không RIM-156 SM-2 và RIM-161 SM-3, cùng tên lửa chống ngầm RUM-139 VL-ASROC hoặc có thể trang bị toàn bộ bằng Tomahawk.

Ngoài khả năng phòng không và tấn công mặt đất, khu trục hạm Arleigh Burke còn đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác, đặc biệt là tác chiến chống ngầm. Chúng được trang bị hệ thống định vị thủy âm (sonar) AN/SQS-53C gắn trên thân và sonar kéo AN/SQR-19 sau tàu để phát hiện tàu ngầm từ phía đuôi. Mỗi tàu có hai cụm ống phóng ngư lôi chống ngầm Mark 32 với 6 quả đạn.

Với kho vũ khí khổng lồ mang theo (số Tomahawk có thể mang nhiều gấp đôi số Kalibr trên chiến hạm tương lai của Nga là 48 quả), những chiến hạm Mỹ chỉ có lượng giãn nước trên 8.000 tấn so với trên 7.000 tấn của tàu Dự án 22350M.

Điều đặc biệt là chiến hạm Mỹ đã hoạt động từ hàng chục năm qua và đã tham gia hầu hết các cuộc chiến khi có sự tham dự của Mỹ. Trong khi dó, dù tiết lộ về chương trình chiến hạm mới nhưng Nga không hề công bố thời điểm khởi đóng cũng như khi nào lớp chiến hạm này chính thức được đi vào trang bị.

Hòa Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/chien-ham-mang-48-qua-kalibr-khiem-ton-dung-canh-arleigh-burke-3376573/