Chiến hạm Mỹ mù trước ngư lôi sinh vật biển của Nga

Với hình dáng của các loại sinh vật biển cùng khả năng hoạt động tương tự, ngư lôi thế hệ mới của Nga khiến đối thủ không có cách nào phát hiện.

Thông tin về vũ khí đặc biệt này được Sputnik dẫn lời Viện sĩ Shamil Aliyev cho biết. "Vấn đề trọng tâm chưa được giải quyết ở đây là làm thế nào để tạo cho tiểu ngư lôi có những dấu hiệu rõ ràng của trí tuệ nhân tạo, chúng ta cần phải đo lường và nghiên cứu thêm, nói cho dễ hiểu là cần phải làm cho người ta tưởng đấy là con cá to chứ không phải là một ngư lôi", ông Aliyev nói.

Ngư lôi do Nga sản xuất.

Viện sĩ này cho biết thêm rằng: "Khi chúng ta nhìn thấy một người to lớn đang đi và cần phải vô hiệu hóa người đó thì là một nhiệm vụ khó khăn nhưng vẫn có thể giải quyết được. Nhưng khi nhìn thấy hàng nghìn "con rùa chiến đấu" thì bạn sẽ không biết con nào thật và con nào giả, và việc này là vấn đề nằm ở mức độ phức tạp khác hẳn".

Ông cũng lưu ý, sự phát triển tiểu ngư lôi khó phát hiện kiểu "con rùa" với tốc độ 2-3 dặm một giờ đang được thực hiện tại Nga, và các ngư lôi này hầu như không nhìn thấy và không nghe thấy.

Ngoài ra, Nga bắt đầu triển khai phát triển các loại tiểu ngư lôi nặng dưới 40 kg, ưu điểm chính của chúng là không có dấu vết và tiếng động.

Đối phương chỉ biết được sự tồn tại của vũ khí này trên biển khi bị tấn công. Chính vì vậy, cơ hội tránh đòn hay đáp trả của đối phương là gần như không có, Viện sĩ này cho biết thêm. Không chỉ đi đầu trong việc phát triển ngư lôi kiểu sinh vật biển, Nga còn khiến phương Tây khiếp sợ bằng việc sản xuất loại ngư lôi hạng nặng khác.

Theo kế hoạch, tất cả những tàu ngầm hạt nhân lớp Borei và Yasen của nước này đều được trang bị ngư lôi thế hệ mới Fizik-2 với tầm bắn 50 km và độ sâu phóng hơn 500 m - vũ khí vượt trội so với MK-48 của Mỹ và đủ mạnh để đánh bại chiến hạm đối phương trước khi bị phát hiện.

Vadim Kozyulin, Giáo sư thuộc Học viện khoa học quân sự Nga cho biết Fizik-2 là ngư lôi cỡ 533 mm đầu tiên của Nga dùng động cơ đốt trong, giúp tăng tầm bắn và tốc độ hành trình so với động cơ điện kiểu cũ. Fizik-2 được lắp hệ thống đẩy phản lực dòng nước thay cho chân vịt truyền thống. Chính vì vậy, độ ồn khi tấn công mục tiêu được giảm đi rất nhiều.

Ngay từ năm 2015, Nga đã chi khoảng 1 tỷ rúp để sản xuất loạt ngư lôi Fizik tại Nhà máy Dagdizel ở Kaspyisk, Daghestan. Vấn đề linh kiện mua từ Ukraine và Kyrgyzstan theo kế hoạch trước đây đã được chuyển sang dùng linh kiện nội. Hiện nay, nhà máy nằm trong Công ty cổ phần nhà nước Tập đoàn "Vũ khí ngầm hải quân - Gidropribor".

Như vậy, cùng với kho vũ khí khổng lồ hiện có khi được kết hợp với ngư lôi Fizik, các tàu ngầm hạt nhân lớp Borey và Yasen của Nga sẽ trở nên đánh sợ hơn rất nhiều.

Đan Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/chien-ham-my-mu-truoc-ngu-loi-sinh-vat-bien-cua-nga-3346816/