Chiến hạm Mỹ, NATO sẽ vào eo biển Kerch theo đề nghị của Ukraine?

Chênh lệch lực lượng giữa Hải quân Ukraine và Nga là rất lớn, không thể thu hẹp trong tương lai gần, vì vậy giải pháp tốt nhất đối với Kiev vào lúc này chính là tìm sự trợ giúp từ bên ngoài.

Trong cuộc đụng độ với lực lượng Biên phòng Nga dưới chân cầu vượt eo biển Kerch, Hải quân Ukraine đã bộc lộ đầy đủ mọi điểm yếu của mình.

Hạn chế lớn nhất của Hải quân Ukraine vào thời điểm hiện tại đó là họ quá thiếu phương tiện để có thể đọ sức một cách sòng phẳng với Hạm đội biển Đen của Nga.

Trong các tàu Hải quân Ukraine chỉ duy nhất soái hạm U130 Hetman Sahaydachniy là có lượng giãn nước đủ để không bị lép vế, số còn lại đều là các tàu xuồng quá nhỏ, không thể là đối thủ của Hải quân Nga.

Xét về số lượng và kích thước đã vậy nhưng tính về hỏa lực thì Hải quân Ukraine còn cho thấy sự chênh lệch lớn hơn nữa khi toàn bộ tàu xuồng của họ đều chưa có tên lửa chống hạm.

Còn ở phía bên kia, một tàu tên lửa cỡ nhỏ lớp Molniya hay Nanuchka cũng thừa khả năng tiêu diệt soái hạm Hetman Sahaydachniy của Ukraine một cách rất dễ dàng.

Chênh lệch lớn như trên chắc chắn Hải quân Ukraine không thể san lấp trong thời gian ngắn, bởi vậy lựa chọn của họ không còn cách nào khác ngoài việc dựa vào các đồng minh.

Hãng tin UNIAN cho biết, quốc hội Ukraine hôm 26/11 đã gửi đến Liên hợp quốc, Nghị viện châu Âu, Hội đồng Nghị viện Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO PA), Hội đồng Nghị viện Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE PA) và quốc hội các nước ven biển lân cận một thông điệp.

Quốc hội Ukraine đã chính thức đề nghị các quốc gia ven biển triển khai tàu chiến đến khu vực Biển Đen, Biển Azov và Eo biển Kerch sau vụ xung đột với Nga gần đây.

Lực lượng này sẽ đảm nhiệm vai trò duy trì sự ổn định, bảo đảm cho tình hình khu vực không bị vượt quá kiểm soát dẫn tới một cuộc chiến tranh toàn diện.

Thực ra trước khi quốc hội Ukraine đưa ra lời đề nghị thì đã có khá nhiều nghị sĩ, chính trị gia phương Tây yêu cầu chính phủ nước họ có hành động tương xứng nhằm đáp trả Nga.

Ngoài gợi ý cấp tốc viện trợ tên lửa chống hạm cho Hải quân Ukraine thì một trong những lời đề nghị được họ đưa ra chính là NATO hãy đưa chiến hạm tới biển Đen và biển Azov.

Việc làm này được cho là sẽ gửi thông điệp đanh thép tới Nga, đồng thời thể hiện sự ủng hộ của khối quân sự NATO cũng như một số quốc gia Baltic với Ukraine.

Nay khi Quốc hội Ukraine đã chính thức phát đi lời yêu cầu thì rất có thể đề nghị của họ sẽ được một số quốc gia xung quanh cùng với những thành viên NATO ở xa như Mỹ hay Canada hưởng ứng.

Ngay lúc này vẫn chưa có tuyên bố chính thức nào từ phía NATO, Nghị viện châu Âu... hay Bộ Quốc phòng Nga về lời kêu gọi đưa tàu chiến tới biển Đen và biển Azov của Ukraine.

Chắc chắn các quốc gia NATO sẽ phải cân nhắc thật kỹ lưỡng mọi phương án vì nếu dự định trên được triển khai thì nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang với một lực lượng mạnh như Hải quân Nga sẽ là điều họ không mong muốn.

Thay vào đó, nhiều khả năng là một giải pháp chính trị khác sẽ được đưa ra, đó là cảnh báo Nga nếu còn đóng eo biển Kerch hay gây khó dễ với tàu Ukraine thì Moskva sẽ phải hứng chịu điều tương tự tại eo biển Bosphorus.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-chien-ham-my-nato-se-vao-eo-bien-kerch-theo-de-nghi-cua-ukraine/791559.antd