Chiến hạm Nga lại gặp rắc rối vì động cơ Trung Quốc

Tại Triển lãm Army 2018, Nga đã giới thiệu một số mẫu động cơ diesel thế hệ mới dự định sẽ lắp đặt cho các chiến hạm tương lai của nước này.

Trong tương lai, Nga có tham vọng sẽ trang bị cho các chiến hạm của mình động cơ diesel nội địa với công suất máy đa dạng từ 2.000 cho tới 8.000 mã lực, tương ứng với tàu có lượng giãn nước từ 1.000 cho tới 8.000 tấn

Tuy nhiên đó là khi các loại động cơ này đã được hoàn thiện và trải qua các bài kiểm tra tính năng đầy đủ, còn hiện tại thì Moskva vẫn đang phải phụ thuộc vào nguồn động cơ do nước ngoài cung cấp cho ngay cả các tàu chiến cỡ nhỏ của mình.

Có một điều đáng tiếc đó là ban đầu Nga muốn đội tàu chiến của mình được lắp động cơ MTU do Đức sản xuất, nhưng do hiệu lực của các lệnh cấm vận mà Moskva bất đắc dĩ phải xoay sang mua hàng từ Trung Quốc, điều này gây ra không ít rắc rối cho họ.

Tàu tuần tra Bezuprechny - Dự án 22460 Rubin của lực lượng Bảo vệ bờ biển Nga

Trang tin Flot Prom vừa đăng tải thông tin cho biết, tàu tuần tra cỡ nhỏ mang tên Bezuprechny thuộc Dự án 22460 lớp Rubin do Nhà máy đóng tàu Almaz thi công đang phải đợi động cơ mới từ Trung Quốc sau khi động cơ đang lắp đặt trên tàu xuất hiện lỗi.

Theo nguồn tin nội bộ thì động cơ của con tàu tàu đã bị hỏng hồi tháng trước, nguyên nhân do trục khuỷu bị gãy làm hỏng thanh truyền, dẫn đến động cơ chỉ còn 30% lực đẩy theo thiết kế.

Điều đáng nói là ban đầu các tàu tuần tra Dự án 22460 dự kiến sẽ được lắp đặt động cơ MTU 16V4000M73L của Đức, nhưng sau đó do Đức từ chối thực hiện hợp đồng mà động cơ CHD622V20CR của Trung Quốc đã bất đắc dĩ được lựa chọn.

Tàu hộ vệ tên lửa cỡ nhỏ Vyshniy Volochek - Dự án 21631 Buyan-M của Hải quân Nga

Không chỉ có tàu tuần tra của lực lượng tuần duyên, biên phòng mà ngay cả tàu hộ vệ tên lửa cỡ nhỏ Buyan-M Dự án 21631 của Hải quân Nga cũng là một "nạn nhân" của động cơ Trung Quốc.

Lý do Nga phải chọn động cơ CHD622V20STC của Nhà máy Hồ Nam - Trung Quốc là do ngộ nhận rằng cơ sở này sau nhiều năm liên doanh với MTU đã nắm vững công nghệ chế tạo động cơ tiên tiến 16V 4000M90 của công ty MTU Friedrichshafen GmbH (Đức).

Nhưng thực tế đã chỉ ra rằng động cơ CHD622V20STC có chế độ làm việc không phù hợp với chiến hạm vì vốn chỉ được thiết kế để lắp đặt cho tàu dân sự.

Ngoài ra động cơ Trung Quốc còn bị phàn nàn có độ tin cậy thấp, tiêu hao nhiều nhiên liệu và đặc biệt là công suất không được như lời giới thiệu.

Tệ hại hơn, sau những lỗi trên thì nhiều tàu Buyan-M của Nga còn bị nằm cảng do động cơ CHD622V20STC "đình công toàn tập" và phải nhanh chóng thay thế, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức chiến đấu của hạm đội.

Chí Linh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/chien-ham-nga-lai-gap-rac-roi-vi-dong-co-trung-quoc-3364821/