'Nhện độc' Nga mang sát thủ Kalibr: Chiến hạm nhỏ ra đòn ác hiểm

Nhà máy Zelenodolsk mang tên Gorky (Cộng hòa Tatarstan, Nga) đang đóng hai tàu tên lửa cỡ nhỏ (RTO – còn gọi là tàu hộ tống) của đề án 22800 với cái tên đáng chú ý là 'Karakurt' (một loại nhện độc mà vết cắn có thể gây tử vong cho người và động vật).

Chiến hạm Karakurt 22800 nhỏ nhưng đầy uy lực của Nga

Chiến hạm Karakurt 22800 nhỏ nhưng đầy uy lực của Nga

Theo báo cáo thường niên do xí nghiệp công bố gần đây, Bộ Quốc phòng Nga đã đặt hàng cho cơ sở đóng tàu Zelenodolsk chế tạo năm chiếc tàu thuộc đề án này, như vậy ba chiếc "Karakurt" còn lại cần được hoàn thành trong năm nay. Mà ngoài số ở nhà máy Tatarstan, còn thêm 7 con tàu loại này đang được xây dựng tại các xí nghiệp đóng tàu tỉnh Leningrad và Crimea.

Với đề án 22800 do Cục Thiết kế hàng hải trung ương "Almaz" Saint-Peterburg phát triển, quân đội Nga đang gửi gắm những kỳ vọng to lớn. Tổng cộng Hải quân Nga trông đợi nhận 18 con tàu thuộc loại này để thực hiện nhiệm vụ chiến đấu ở khu vực biển gần (và không chỉ ở đó). Mấu chốt là ở chỗ tàu tên lửa "Karakurt" vượt trội hơn những mẫu tàu "tiền bối" của nó về sức mạnh tấn công, mà ưu điểm chính yếu nhất là về chất lượng đi biển: "Nhện độc" có thể hành tiến ở mọi trạng thái biển, không hề bị lệ thuộc vào thời tiết, và đi tận những nơi khá xa căn cứ.

"Karakurt" Nga có kích thước khá khiêm tốn. Lượng choán nước 800 tấn, chiều dài 60 m, thân tàu rộng 10m, độ lún 4m. Con tàu có khả năng phát triển tốc độ 30 hải lý (khoảng 55 km /h) và có thể hoạt động xa căn cứ đến 2.500 đến 3.000 hải lý. "Karakurt" đủ sức bơi tự động khoảng 15 ngày đêm. Có giả thiết là tàu tên lửa "Karakurt" sẽ được dùng thay thế cho tàu tên lửa-pháo của vùng biển gần "Buyan-M". (chiến hạm "Buyan" đã nổi tiếng toàn thế giới sau khi từ vùng biển Caspian thực hiện cuộc phóng tên lửa hành trình tấn công sấm sét "Kalibr" tiêu diệt các chủ thể của chiến binh IS ở Syria).

Chất lượng đi biển của "Buyan" không cho phép nó hành quân quá xa căn cứ. Và hạn chế về khoảng cách này được khắc phục với mẫu thiết kế "Karakurt". Theo kế hoạch hiện nay, con tàu đầu tiên của đề án 22800 cần được bàn giao cho Hải quân Nga vào tháng 12/2017, những tàu khác sẽ tham gia biên chế hạm đội Nga trong những năm 2018-2022.

Tàu tên lửa cỡ nhỏ của đề án 22800 “Karakurt"

Vậy "Nhện độc" được vũ trang như thế nào? Vũ khí tấn công cơ bản của con tàu sẽ là tên lửa hành trình "Kalibr" có khả năng triệt hạ mục tiêu ở khoảng cách 2.500 km. Để bảo vệ chống lại áp lực của đối phương, có các tên lửa siêu thanh lừng danh P-800 "Onyx" ("Yakhont"). Tuy nhiên, điểm nhấn mới nổi bật về vũ khí của "Karakurt" là tổ hợp tên lửa và pháo phòng không "Pantsir-M" (biến thể của tên lửa-pháo mặt đất " Pantsir - S1"), hiện đang trải qua đợt thử nghiệm cấp Nhà nước. Hệ thống này được thiết kế để tiêu diệt mục tiêu trên không ở khoảng cách từ vài chục mét cho tới 20 cây số. Trong mô-đun chiến đấu tập trung những tên lửa tốc độ cao với dẫn hướng vô tuyến và hai dàn pháo sáu nòng cỡ 30 mm.

Ngoài ra, kết cấu hình học và việc sử dụng các vật liệu hấp thụ radar cần làm cho "Karakurt" trở nên hầu như vô hình trước radar của đối phương. Trong khi đó con tàu Nga được trang bị radar hiện đại và những thiết bị điều hướng tiên tiến nhất.

Theo tuyên bố của chuyên gia Dmitry Kornev, người sáng lập cổng thông tin quân sự Nga Military Russia, "Karakurt" và những con tàu tên lửa khác có thể "làm việc" ở môi trường biển cũng như sông. Vũ khí tấn công của con tàu tên lửa hành trình "Kalibr" không rơi vào phạm vi quy định của Hiệp ước về thanh lý tên lửa tầm trung và tầm gần, mà vẫn dư sức bắn trúng hầu như toàn bộ các chủ thể trên biển và trên mặt đất ở châu Âu. Bên cạnh đó, tàu loại này có thể xây dựng được tại những xưởng đóng tàu không thuộc hàng lớn nhất, như vậy giúp tiết kiệm ngân quỹ một cách nghiêm túc.

Theo Sputnik

An Công

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/chien-ham-nhen-doc-nga-mang-sat-thu-kalibr-nho-nhung-co-vo-130047.html