Chiến khu Hòn Tàu- Một thời anh dũng

Tháng 10-1967, Khu ủy 5 quyết định sát nhập tỉnh Quảng Đà và TP Đà Nẵng thành Đặc khu Quảng Đà. Lúc bấy giờ, trên chiến trường miền Nam chỉ có 2 đặc khu: Đặc khu Sài Gòn-Gia Định và Đặc khu Quảng Đà. Điều này thể hiện Trung ương Đảng và Khu ủy đã nhìn nhận, đánh giá đúng vai trò, tính chất quan trọng chiến lược của hai nơi này trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Ông Trần Thận-nguyên Bí thư Đặc Khu ủy Quảng Đà từ năm 1971 đến 1975.

Chiến khu của niềm tin chiến thắng

Tháng 10-1967, Đặc khu Quảng Đà thành lập, đồng chí Hồ Nghinh được Thường vụ Khu ủy 5 chỉ định làm Bí thư, đồng chí Trần Thận là Phó Bí thư... Từ khi mới thành lập, nhiều cơ quan, đơn vị của Đặc Khu ủy Quảng Đà vẫn bám trụ hoạt động ở nhiều địa phương. Từ năm 1971, Mỹ-ngụy thất bại liên tiếp trên các chiến trường, để chỉ đạo sát hơn với phong trào, tháng 12-1971, Hội nghị Đặc Khu Quảng Đà đã quyết định chuyển toàn bộ các cơ quan của đặc khu từ khu A7, giáp ranh giữa Đại Lộc và huyện Giằng xuống khu vực núi Hòn Tàu. Đây là một dãy núi diện tích chỉ gần 100km2, giáp ranh giữa các huyện Duy Xuyên, Quế Sơn, hiểm trở, nhiều hang động chứa được lượng người lớn, làm nơi sinh hoạt, hội họp... Cơ quan Khu ủy, lúc đầu đóng ở Cù Hang, sau chuyển về đồi Bắc Lon, thuộc xã Duy Sơn, Duy Xuyên hiện nay. Đây là địa điểm thuận lợi gần đường giao thông nối liền với Khu ủy 5, đóng ở Phước Trà, Hiệp Đức. Từ đây có thể lên tuyến đường Trường Sơn, về các huyện đồng bằng một cách thuận tiện... Từ căn cứ Hòn Tàu, Ban Thường vụ Đặc Khu ủy Quảng Đà đã chỉ đạo cuộc tổng tấn công chiến lược năm 1972 thu được nhiều thắng lợi lớn. Ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris ký kết, Ban Thường vụ Đặc Khu ủy Quảng Đà họp quyết định nhiều chủ trương quan trọng, nhất là việc giữ đất, giành dân khi hiệp định có hiệu lực. Sang năm 1974, Thường vụ Đặc khu ủy chỉ đạo quyết liệt, tập trung cao nhất lực lượng phục vụ chiến dịch Hè-Thu, đặc biệt sau 10 ngày chiến đấu quyết liệt, Sư đoàn 304 đã làm chủ hoàn toàn Chi khu quân sự Thượng Đức. Thượng Đức mất, Đà Nẵng bị uy hiếp, phong trào đấu tranh chính trị phát triển mạnh, chính quyền Sài Gòn đã phải điều lực lượng ra tái chiếm Thượng Đức, nhưng sau 4 tháng thì thất bại...

Ngày 18-3-1975, đồng chí Trần Thận lên Khu ủy 5 nhận lệnh giải phóng Đà Nẵng. Từ ngày 2 đến 25-3-1975, Đặc Khu ủy họp quán triệt mệnh lệnh Khu ủy, thảo luận kế hoạch tấn công và nổi dậy... Sáng 28-3-1975, từ căn cứ Hòn Tàu, tất cả các cán bộ chỉ huy của Khu ủy và Đặc Khu ủy Quảng Đà chia làm 2 hướng tiến về Đà Nẵng. Quân địch trong thành phố dao động và hoang mang cực độ, ta đã làm công tác binh vận để 4.000 lính tân binh đóng tại Trung tâm Huấn luyện Hòa Cầm nổi dậy làm binh biến... Sáng 9-3, đồng chí Trần Hưng Thừa-Thường vụ Đặc Khu ủy phát lệnh khởi nghĩa nội thành... Cơ sở của ta đã nhanh chóng vận động nhân dân dùng mọi phương tiện vận chuyển đón bộ đội vào thành phố. Trưa 29-3, lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Tòa Thị chính, thành phố được giải phóng. Ngay sau khi giải phóng Đà Nẵng, Đặc Khu ủy Quảng Đà đã chỉ đạo tốt công tác đảm bảo ANTTXH, cung cấp nhân tài vật lực phục vụ tiếp việc tấn công giải phóng các tỉnh phía Nam và thành phố Sài Gòn-Gia Định, thống nhất đất nước.

Về lại chiến khu xưa

Ông Lê Văn Huấn (82 tuổi), nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên, giờ nghỉ hưu tại thôn Trà Châu, Duy Sơn nhớ lại: Năm 1969, đang là Chủ tịch Hội đồng tiền phương, Huyện ủy Duy Xuyên, ông Huấn được điều lên nhận công tác tại Ban Kiểm tra Đặc Khu ủy Quảng Đà. Đây là thời kỳ vô cùng khó khăn, cuối năm 1969, ở Quảng Đà có 441 thôn thì bị địch san bằng 353 thôn, phần lớn nhân dân vùng đồng bằng giải phóng bị dồn vào vùng địch kiểm soát, vùng ven đô hầu như trắng đất, trắng dân. Đặc Khu ủy Quảng Đà phải phân tán một số đơn vị tập trung trên căn cứ Hòn Tàu, đưa cán bộ, chiến sĩ về bổ sung bám địa bàn hoạt động. Các cơ quan quận ủy, huyện ủy thường xuyên di chuyển địa điểm, lãnh đạo chỉ đạo phong trào rất khó khăn, đường dây liên lạc thường bị gián đoạn. Đời sống cán bộ, bộ đội và nhân dân hết sức gian khổ. Để giải quyết khó khăn về lương thực, Đặc Khu ủy Quảng Đà chủ trương cho cơ quan, đơn vị điều 20% cán bộ, chiến sĩ thành lập bộ phận sản xuất. Các đơn vị bộ đội xuống đồng bằng đánh địch, bám trụ cũng phải cử một bộ phận ở lại căn cứ lập trại sản xuất với khẩu hiệu "có đất có ăn", "sản xuất cũng là mũi tiến công". Nhân dân một lòng chăm sóc, cưu mang cán bộ, bộ đội, các mẹ, các chị, các em thiếu nhi tìm mọi cách vượt qua các trạm kiểm soát của địch tiếp tế cho cán bộ, bộ đội. Đồng bào các huyện miền núi ăn độn củ rừng dành lương thực phục vụ kháng chiến. Nhờ vậy, đến năm 1970, Quảng Đà mới tạm giải quyết được những khó khăn, cơ sở chính trị vùng ven, nội đô khôi phục dần, lực lượng du kích ở các vùng giáp ranh, căn cứ lõm hoạt động trở lại...

Nhà tưởng niệm tại Khu di tích Hòn Tàu mới phục dựng.

Cuối năm 1971 đầu năm 1972, địch điên cuồng dùng B52 ném bom xuống căn cứ Hòn Tàu, nhằm sát hại hàng nghìn cán bộ các cơ quan Đặc Khu ủy Quảng Đà. Chúng liên tục tổ chức các cuộc phi pháo, tập kích trên đường hành lang từ căn cứ Hòn Tàu xuống các xã ven chân núi nhằm ngăn chặn đường vận chuyển lương thực lên căn cứ. Thường xuyên dùng máy bay rải truyền đơn, kêu gọi chiêu hồi, hòng làm lung lay tư tưởng cán bộ, lực lượng vũ trang của ta. Nhiều đồng chí lãnh đạo Đặc Khu ủy như Trần Vĩnh Quốc, Nguyễn Văn Kỉnh và hàng trăm cán bộ đã hy sinh... Cơ quan Văn phòng Đặc Khu ủy có 6 đồng chí hy sinh, 15 đồng chí bị thương. Ông Huấn nhớ lại, trên đỉnh Hòn Tàu, nơi dốc Cây Khế, có một tảng đá, mà vào những ngày nắng đẹp, anh em có thể đứng nhìn rõ Đà Nẵng, đây là nơi đóng chân của Ban Tuyên Huấn Quảng Đà. Rạng sáng 22-5-1972, địch đổ hàng nghìn quân, bao vây hàng trăm cán bộ, bộ đội ta, trong đó có các đồng chí cán bộ chủ chốt Đặc Khu ủy và Mặt trận 4 Quảng Đà. 10 cán bộ Ban Tuyên huấn bị bom B52 đánh sập hang, hy sinh, đến tháng 8-2011 mới tìm thấy toàn bộ hài cốt...

Là cán bộ Kiểm tra Đảng, ông Huấn thường xuyên nhận nhiệm vụ về các cơ sở, nơi nào cũng được sự bao bọc, chở che của người dân. Một kỷ niệm ông nhớ mãi là một ngày cuối năm 1972, đội công tác của ông Huấn về đến thôn Cẩm Nê, Hòa Tiến, Hòa Vang, vừa vào nhà một cơ sở cách mạng thi bị một tên gián điệp chỉ điểm phát hiện. Gia đình cơ sở vội đưa các cán bộ sang một thôn khác ẩn náu, trú lại Hòa Tiến một đêm, ông Huấn nghe tin, địch đã bắt và tra khảo dã man cả gia đình cơ sở cách mạng... 50 năm qua, nhiều nhân chứng là cơ sở cách mạng kiên trung không còn nữa, nhưng những người cán bộ Đặc Khu ủy Quảng Đà vẫn nhớ về những làng quê nghèo Chánh Lộc, Phú Nham Tây... dưới chân núi Hòn Tàu, hàng đêm có những người dân nghèo, một lòng theo Đảng, theo cách mạng, vượt qua vòng vây, đạn pháo kẻ thù tiếp tế lương thực cho căn cứ Hòn Tàu, đưa cán bộ về đồng bằng gây dựng phong trào cách mạng...

Hôm trở lại Hòn Tàu mới đây, tôi được anh Nguyễn Quang Thủ-Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Duy Sơn, đưa đi thăm toàn xã. Duy Sơn được cả nước biết đến với Anh hùng Lao động Lưu Ban, người đi tiên phong trong sự nghiệp hiện đại hóa, công nghiệp hóa từ những ngày đất nước mới thống nhất. Rồi Duy Sơn được cả nước biết đến với HTX Nông nghiệp Duy Sơn 2-Anh hùng Lao động, đặt nền móng cho vùng căn cứ địa này trỗi dậy, vươn lên, xóa đói giảm nghèo. Duy Sơn hiện có 2.700 hộ dân, hơn 11.100 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 6,5%. Nhiều mô hình kinh tế đã phát triển mạnh mẽ, trong đó phải kể đến thế mạnh phát triển trồng rừng với hơn 5,5 000 ha rừng phủ xanh chân núi Hòn Tàu, đưa thu nhập bình quân đầu người ở Duy Sơn lên gần 35 triệu/năm. Hệ thống trường học, trạm y tế, giao thông được đầu tư khang trang, kiên cố, an ninh-quốc phòng ổn định đảm bảo, đã đưa Duy Sơn đạt chuẩn Nông thôn mới từ năm 2015 và đang tiếp tục xây dựng các khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu từ nay đến năm 2020...

Năm 2012, Di tích lịch sử văn hóa Đặc Khu ủy Quảng Đà (căn cứ Hòn Tàu), đã được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia. Năm 2015, chính quyền tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng đã thống nhất Dự án trùng tu, bảo tồn và phục dựng Khu di tích Hòn Tàu, được triển khai vào năm 2016, với kinh phí hơn 50 tỷ đồng. Nơi đây không chỉ góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho mọi tầng lớp nhân dân, mà còn là một địa điểm phát triển du lịch, khám phá thiên nhiên hoang sơ của vùng chiến khu trung dũng, kiên cường, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội vùng đất giàu truyền thống cách mạng Duy Sơn.

Hồng Thanh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_172325_chien-khu-hon-tau-mot-thoi-anh-dung.aspx