Chiến lược 'chặn từ đầu nguồn'

Một trong những mục tiêu hàng đầu trong chuyến công du châu Phi của Thủ tướng Đức A.Merkel lần này là kiểm soát dòng người tị nạn đổ về châu Âu. Từng bị chỉ trích vì chính sách mở cửa cho người tị nạn, bà A.Merkel đang nỗ lực thúc đẩy các dự án viện trợ châu Phi, nhằm giảm nhẹ áp lực từ làn sóng người di cư, thông qua chiến lược 'chặn từ đầu nguồn'.

Chuyến thăm của Thủ tướng A.Merkel, tới ba nước châu Phi, gồm Senegal, Ghana và Nigeria, từ ngày 29 đến 31-8, được đánh giá là bước đi tích cực nhằm hiện thực hóa các cam kết, không chỉ của nước Đức mà của cả Liên hiệp châu Âu (EU), đối với các đối tác châu Phi. Quyết định mở cửa đón người tị nạn năm 2015 của bà từng gây chia rẽ trong xã hội Đức và cả châu Âu. Những năm qua, vấn đề di cư cũng từng khiến Chính phủ của Thủ tướng A.Merkel lao đao. Vì thế, không khó để nhận thấy trọng tâm của chuyến công du, đó là đẩy mạnh hợp tác kinh tế với châu Phi, nhằm giúp Đức và châu Âu kiểm soát làn sóng người tị nạn đổ về “lục địa già”.

Gần đây, giới chức Đức liên tiếp đưa ra nhận định và kêu gọi châu Âu ủng hộ rằng, để ngăn làn sóng tị nạn từ các nước châu Phi một cách bền vững, không chỉ kiểm soát biên giới EU, hay từng quốc gia thành viên thực thi các biện pháp riêng rẽ ngay trên đất châu Âu, mà phải “chặn từ đầu nguồn”, nghĩa là từ chính “lục địa đen”. Triển khai chiến lược này, Chính phủ Đức đã tăng cường hỗ trợ các nước châu Phi, tập trung giúp đào tạo nghề cho thanh niên nhằm giữ chân họ ở lại quê hương và từ bỏ giấc mơ tìm kiếm cơ hội ở “miền đất hứa”là châu Âu. Hợp tác với châu Phi về vấn đề di cư còn giúp Đức và châu Âu bảo đảm an ninh tốt hơn và giảm nhẹ các mối đe dọa, khi các phần tử khủng bố và cực đoan được cho là dễ trà trộn dòng người tị nạn để xâm nhập châu Âu, thực hiện các hành động tiến công khủng bố.

Châu Phi vốn được ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Đức. Berlin đã có nhiều kế hoạch và cam kết với châu Phi, gần đây nhất là “Kế hoạch Marshall” nhằm viện trợ khu vực này. Tuy nhiên, mối quan hệ song phương chưa được thúc đẩy như mong muốn của cả hai bên. Về kinh tế, trao đổi thương mại giữa Đức và châu Phi gần đây tăng nhẹ, song vẫn ở mức rất thấp và cán cân lại nghiêng hẳn về phía Đức. Năm 2017, châu Phi chỉ chiếm 1,1% trong tổng kim ngạch thương mại của Đức với thế giới. Nhiều công ty hàng đầu của Đức hoạt động lâu năm tại châu Phi, song chưa đạt được thành công như mong đợi.

Châu Phi là một thị trường rộng lớn và được ví như “người khổng lồ đang ngủ”. Với số dân được ước tính chiếm khoảng một phần tư dân số thế giới vào năm 2050, châu Phi sẽ là một thị trường tiêu thụ khổng lồ, cũng là nguồn cung lao động dồi dào cho các doanh nghiệp Đức và châu Âu. Ba quốc gia điểm đến trong chuyến công du châu Phi của Thủ tướng Đức lại là các nền kinh tế năng động ở châu lục. Senegal đạt mức tăng trưởng 6 đến 7%, Ghana duy trì mức tăng ổn định nhiều năm qua, trong khi Nigeria là đối tác kinh tế lớn thứ hai của Đức ở châu Phi.

Với tiềm năng lớn như vậy, châu Phi đang là điểm đến hấp dẫn nhiều đối tác bên ngoài. Không chỉ Nga xúc tiến kế hoạch “trở lại châu Phi”, mà các cường quốc kinh tế châu Á cũng đẩy mạnh những bước tiến tại “lục địa đen”, như Trung Quốc vượt Mỹ trở thành đối tác quan trọng nhất của châu Phi, Ấn Độ ngày càng coi trọng các cơ hội ở châu lục này. Ngay cả láng giềng của Đức là Pháp cũng không ngừng tận dụng các mối quan hệ vốn có từ thời thuộc địa với các nước châu Phi về cả chính trị, kinh tế và quân sự. Trong khi đó, dù không mấy mặn mà với các dự án ở châu Phi, Tổng thống Mỹ D.Trump cũng vừa bổ nhiệm một trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao đặc trách chính sách châu Phi. Bối cảnh ấy càng thôi thúc Đức đẩy mạnh sự hiện diện tại châu Phi, để không bị chậm chân so với các đối tác.

Giới chuyên gia bình luận rằng, chính sách châu Phi có liên quan mật thiết với vai trò và vị thế của nước Đức trên bình diện quốc tế. Các dự án hỗ trợ châu Phi không chỉ giúp Berlin giảm nhẹ nỗi lo về an ninh và dòng người tị nạn, hay mở rộng các cơ hội kinh tế, thương mại và đầu tư tại một thị trường rộng lớn của châu lục, mà hơn thế, là củng cố và tăng cường “quyền lực mềm” của Berlin tại khu vực đang nổi lên như một địa bàn cạnh tranh ảnh hưởng giữa các cường quốc thế giới.

NINH SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/37478502-chien-luoc-%E2%80%9Cchan-tu-dau-nguon%E2%80%9D.html