Chiến lược chống khủng bố mới của Mỹ tạo ra nhiều Iraq-Libya?

Với việc công bố Chiến lược chống khủng bố mới, không loại trừ khả năng chính quyền Trump sẽ thực hiện nhiều những ván cờ Iraq, Lybia mới...

Theo RT, ngày 4/10 chính quyền Donald Trump đã công bố Chiến lược chống khủng bố mới, lần đầu tiên kề từ năm 2011- thời điểm chính quyền Barak Obama tập trung chống mạng lưới khủng bố al-Qaeda sau khi Osama bin Laden bị tiêu diệt.

Phát biểu với báo giới, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton tuyên bố rằng Mỹ sẽ tìm diệt từng kẻ khủng bố và triệt tiêu tư tưởng cực đoan, thay vì chỉ chĩa mũi nhọn vào một tổ chức cụ thể.

Theo mô tả của ông Bolton, Chiến lược chống khủng bố mới của Mỹ bao gồm cả việc truy đuổi bọn khủng bố "tới tận ngọn nguồn", cách ly chúng khỏi sự hậu thuẫn, đồng thời chống lại việc tuyên truyền tư tưởng cực đoan.

John Bolton - một trong những tác giả của Chiến lược chống khủng bố mới của Mỹ

Còn các hoạt động phòng vệ sẽ bao gồm hiện đại hóa và tích hợp các công cụ chống khủng bố, bảo vệ cơ sở hạ tầng của Mỹ cũng như của đồng minh và tăng cường hợp tác với các đồng minh.

Lý giải cho việc thay đổi 180 độ so với các mục tiêu của chính quyền tiền nhiệm, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ cho biết: "Thông điệp gửi tới Iran và bất kỳ đối tượng nào khác là: Đây không phải là chính quyền Obama".

Như vậy, trọng tâm trong Chiến lược chống khủng bố của Mỹ dường như là chống Iran. Bản thân ông Bolton cũng nêu rõ, mục tiêu của chính quyền Trump là không từ bỏ các lệnh trừng phạt Tehran.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ cũng cáo buộc Tehran là nhà tài trợ chính cho chủ nghĩa khủng bố quốc tế kể từ năm 1979 - thời điểm diễn ra cuộc Cách mạng Hồi giáo lật đổ vương triều được Washington hậu thuẫn tại Iran.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, đó chỉ là mục tiêu cụ thể làm cơ sở cho Washington xây dựng chiến lược chống khủng mới, còn mục đích thực sự mà Mỹ hướng tới trong chiến lược mới này là sắp đặt những ván cờ, bàn cờ chính trị mới.

Thứ nhất, trong Chiến lược chống khủng bố mới của Mỹ, chủ quyền một quốc gia, lợi ích một dân tộc không được quan tâm, khiến cho hành động chống khủng bố của Mỹ có thể nguy hiểm hơn hành động của những kẻ khủng bố với nhiều "quốc gia nhỏ bé".

Xin nhắc lại, ngày 20/9/2001 - 11 ngày sau cuộc khủng bố kinh hoàng ngày 11/9 - Tổng thống George W. Bush đã có bài phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ, trong đó tuyên bố mở màn cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế.

Ngày 7/10/2001, khi Tổng tư lệnh tối cao của nước Mỹ George W.Bush tuyên bố tấn công Afghanistan thì cũng đồng thời công bố Chiến lược chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế của Mỹ thời hậu "Sự kiện 11/9", theo CNN.

Tổng thống George W.Bush mở màn cuộc chiến chống khủng bố quốc tế của Mỹ

Theo Chiến lược chống khủng bố của chính quyền Bush, sức mạnh Mỹ có thể được sử dụng để tấn công vào bất cứ đâu mà không quan tâm tới chủ quyền các quốc gia mà Washington cho là nơi khủng bố được nuôi dưỡng hay ẩn nấp.

Trước thực tế đó, chủ quyền những quốc gia “tí hon” như Maldives hay Mauritania... có thể nghiêng ngả chỉ bởi nguồn tin có một vài kẻ khủng bố ẩn ấp ở các quốc gia đó và đang lên kế hoạch tấn công một quốc gia nào đó.

Các quốc gia đều lo lắng trước sự hoành hành và biến thể của virus chủ nghĩa khủng bố, nhưng những “quốc gia nhỏ bé” còn một nỗi lo lớn hơn là chủ quyền quốc gia sẽ bị tước bỏ bất cứ lúc nào bởi hành động không thể lên án, đó là chống khủng bố.

Một quốc gia có thể chưa phải gánh chịu những hậu quả thảm thương vì hành động vô luân của những kẻ khủng bố, nhưng chính thể đại diện quốc gia ấy có thể đã bị xóa xổ bởi hành động nhân danh chính nghĩa - hành động chống khủng bố.

Nhiều chính quyền từng phải để lợi ích dân tộc sang một bên, hợp tác chống khủng bố trên quê hương mình theo mệnh lệnh từ phương trời xa, dù điều đó góp phần làm suy yếu ngay sức mạnh quốc gia mình, làm ảnh hưởng đến sự tồn vong dân tộc mình.

Như vậy, Chiến lược chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế của Mỹ đã đưa các "quốc gia nhỏ bé" vào một tình thế cực kỳ nguy hại, đó là có thể trở thành đối tượng bị tấn công bới chính lực lượng chống khủng bố.

Chủ quyền một quốc gia có thể bị xâm phạm, lợi ích một dân tộc có thể bị xâm hại nếu thực thể chính trị đại diện chủ quyền quốc gia-lợi ích dân tộc đó bị xem là có xu thế li tâm với vòng xoáy các "đại cường" trong cuộc chiến chống khủng bố.

Đối chiếu với Chiến lược chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế của chính quyền Bush thì Chiến lược chống khủng bố của chính quyền Trump gần như không có điểm gì khác biệt, thậm chí mức độ còn quyết liệt hơn rất nhiều.

Khủng bố chưa gây họa mà một quốc gia có thể bị xóa sổ bởi lực lượng chống khủng bố

Đó chính là cho phép tùy tiện sử dụng bạo lực nhà nước trấn áp bạo lực cá nhân, có thể xâm hại lợi ích cá nhân, chỉ cần bị tình nghi liên quan khủng bố. Mà để biến một người trong sạch thành một kẻ bị tình nghi có lẽ không có gì là khó, nhất là với Mỹ.

Vì vậy, Chiến lược chống khủng bố mới của Mỹ chưa hẳn có hiệu quả trong cuộc chiến chống khủng bố, nhưng sẽ rất hiệu quả trong cuộc chiến chống những thực thể đối nghịch với tội danh "bị tình nghi liên quan khủng bố".

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/chien-luoc-chong-khung-bo-moi-cua-my-tao-ra-nhieu-iraq-libya-3367168/