Chiến lược của Mỹ khi đưa Sudan ra khỏi danh sách tài trợ khủng bố

Tổng thống Donald Trump mới đây khẳng định Mỹ sẽ không còn coi Sudan là quốc gia bảo trợ khủng bố. Mặc dù, đây là điều có lợi cho quốc gia châu Phi nhưng nó cũng nằm trong chiến lược của người Mỹ.

Hôm 19-10, Tổng thống Trump viết trên Twitter rằng, nước Mỹ sẽ ngay lập tức loại bỏ Sudan khỏi danh sách “quốc gia bảo trợ khủng bố” nếu quốc gia Bắc Phi này trả 335 triệu USD để bồi thường cho gia đình nạn nhân các vụ tấn công khủng bố vào Đại sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania năm 1998 cũng như vụ đánh bom tàu USS Cole ở Yemen năm 2000. “Đó là một tin tuyệt vời. Chúng tôi đã mất gần 30 năm cuộc đời để chờ đợi sự thay đổi này, chờ đợi để được đối xử như những công dân hạng nhất”, kỹ sư người Sudan, ông Abdalla Khalil, 49 tuổi nói.

Một góc Thủ đô Khartoum của Sudan

Một góc Thủ đô Khartoum của Sudan

Điều kiện là đền bù cho nạn nhân khủng bố

Ông Jihad Mashamoun, một nhà phân tích chính sách Sudan tại Vương quốc Anh cho rằng: “Cho đến nay, tất cả mọi người ở Sudan, bao gồm phe đối lập, chính phủ và chế độ cũ, đặc biệt là quân đội... đều muốn Sudan được loại khỏi danh sách tài trợ khủng bố”. Nhưng vấn đề có lẽ phức tạp nhất là bất đồng về số tiền Sudan phải trả cho các nạn nhân của các cuộc tấn công khủng bố trước đây. Theo thỏa thuận hiện tại, nước này sẽ trả 335 triệu USD cho các nạn nhân, một phần nhỏ trong số hàng tỷ USD mà Sudan nợ các nạn nhân trong các phán quyết của tòa án Mỹ.

Các luật sư đại diện cho các nạn nhân nước ngoài của vụ đánh bom Đại sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania đã gọi thỏa thuận này là phân biệt đối xử. Tuy nhiên, những người khác cho rằng Sudan, với nền kinh tế đang gặp khó khăn, khó có thể chi trả nhiều hơn. “Tình hình kinh tế thực sự tồi tệ. Người dân Sudan đang phải gánh chịu nhiều thứ: Không bánh mì, không nhiên liệu, khắp mọi nơi”, ông Khalil nói.

Khartoum từ lâu nằm trong “danh sách đen” của Mỹ nhưng từ khi chính quyền của ông Donald Trump đang nỗ lực trở thành trung gian cho các thỏa thuận hòa bình ở Trung Đông, họ đã mở ra cánh cửa cho một quốc gia từng bị coi là “bất hảo” này. Chỉ vài tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đáp chuyến bay mang tính biểu tượng từ Israel đến Sudan và dường như tín hiệu đã rõ ràng.

Thách thức từ Trung Quốc

Tác giả một bài phân tích trên trang Russia Today cho rằng, trong ngắn hạn, thỏa thuận của ông Trump với Sudan có thể được coi là một nỗ lực để củng cố di sản của ông với tư cách là một nhà hòa giải Trung Đông. Về lâu dài, động thái này có thể được coi là một phần trong mục tiêu chiến lược rộng lớn hơn trong chính sách đối ngoại của Mỹ nhằm giải quyết xung đột trong khu vực, cô lập Iran hơn nữa cũng như cho phép điều chỉnh các ưu tiên ở những nơi khác, như chiến lược cạnh tranh với Trung Quốc chẳng hạn.

Tại sao Sudan được đưa ra khỏi danh sách tài trợ khủng bố? Trước hết, chính quyền của ông Donald Trump đã theo đuổi việc làm cầu nối giữa các quốc gia Arập với Israel, bước đột phá là bình thường hóa quan hệ giữa Israel với Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất và sau đó là Bahrain. Ông Trump chắc chắn là một trong những Tổng thống Mỹ thân Israel nhất thời hiện đại, minh chứng cho điều này việc công nhận Jerusalem là Thủ đô của Nhà nước Do Thái, cắt giảm viện trợ cho chính quyền Palestine, chấm dứt thỏa thuận của Tổng thống Barack Obama với Iran, và thậm chí dung thứ cho các kế hoạch của Thủ tướng Israel. Hiện giờ, với cuộc bầu cử sắp diễn ra, Tổng thống Trump muốn ghi dấu ấn để đảm bảo rằng chính sách đối ngoại này không thể đảo ngược dù ông Joe Biden có thắng cuộc.

Tuy nhiên, trong số tất cả các quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi mà Mỹ có thể hợp tác, tại sao lại là Sudan? Câu trả lời, đó là chiến lược của Mỹ khi tìm cách cạnh tranh với Trung Quốc trên lục địa này. Thực tế, Khartoum có quan hệ rất chặt chẽ với Bắc Kinh. Cách đây chưa đầy 1 tháng, Trung Quốc đã gửi một lượng viện trợ đáng kể đến Sudan và Sudan là nước nhận viện trợ tài chính lớn nhất của Trung Quốc trong vài năm qua. Rõ ràng, với việc không còn coi Sudan là “tài trợ khủng bố” nữa, Washington sẽ tìm cách xây dựng lại mối quan hệ với đất nước này khi họ tìm cách thách thức sự thống trị của Trung Quốc.

Yến Chi

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/chien-luoc-cua-my-khi-dua-sudan-ra-khoi-danh-sach-tai-tro-khung-bo-post447985.antd