Chiến lược đàm phán quốc phòng Mỹ khó thành

Đồng minh Mỹ không chịu chi thêm tiền cho quốc phòng, Washington hối hả đàm phán lại.

Đoàn quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ có chuyến thăm đến Hàn Quốc trong tuần này để thảo luận các vấn đề quốc phòng bao gồm khoản 5 tỷ USD để “giữ” quân đội Mỹ đồn trú tại nước này.

Mỹ điều hai quan chức cấp cao sang Hàn Quốc, chuẩn bị "chiến lược đòi tiền".

Mỹ điều hai quan chức cấp cao sang Hàn Quốc, chuẩn bị "chiến lược đòi tiền".

Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tới Seoul trong dịp này.

Tướng Milley cho biết công chúng Mỹ cần một lời giải thích cho việc tại sao một quốc gia “giàu có” như Hàn Quốc và Nhật Bản lại không thể tự vệ và tại sao Mỹ lại phải điều quân đến hai nước này, ám chỉ tới sự cần thiết phải chi thêm các khoản tài chính cho Washington. Ông Milley đã đến Hàn Quốc ngày 13/11 để tham gia cuộc họp thường niên của Ủy ban Quân sự.

Còn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper sẽ tham dự Hội nghị Tham vấn An ninh với người đồng cấp Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo vào ngày 14/11.

Cả hai ông Esper và Milley được cho là cũng sẽ tăng cường thúc ép Hàn Quốc nhằm đảo ngược quyết định chấm dứt thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo với Nhật Bản trong bối cảnh quan hệ ngoại giao và thương mại giữa hai nước gặp sóng gió.

Việc thúc ép đồng minh tăng chi phí quốc phòng được cho là một nội dung chủ chốt của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ngay từ khi tranh cử, ông đã nhiều lần nhắc tới châu Âu với khoản đóng góp chi phí quốc phòng cho Liên minh quân sự lớn nhất hành tinh NATO là chưa tương xứng.

Đồng minh ở châu Á của Mỹ và Nhật Bản và Hàn Quốc cũng chịu chung lời chỉ trích này.

Tổng thống Mỹ đã từng yêu cầu Hàn Quốc gánh phần chi phí cho sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Bán đảo Triều Tiên lên tới 4,7 tỷ USD. Chi phí khổng lồ gần 5 tỷ USD gấp nhiều lần con số mà Seoul đồng ý bỏ ra trong năm nay theo thỏa thuận một năm, cho việc đồn trú của khoảng 28.500 quân Mỹ tại nước này.

Hồi tháng 2 vừa qua, hai nước đã ký thỏa thuận chia sẻ chi phí quốc phòng sửa đổi cho năm 2019, trong đó Hàn Quốc cam kết chi trả 1,03 nghìn tỷ won (tương đương 890 triệu USD), tăng 8,2% so với mức 960 tỷ won của năm 2018. Thỏa thuận đã giúp chấm dứt tranh cãi trong nhiều tháng liên quan đến vấn đề tài chính giữa hai đồng minh Mỹ - Hàn Quốc, đồng thời xóa bỏ rào cản và mở đường cho hợp tác trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ- Triều Tiên lần thứ hai.

Tuy nhiên, tới năm nay, con số chi phí quốc phòng đã tăng vọt. Washington lập luận rằng ngoài các chi phí về nhân công, xây dựng cơ sở quân sự, hậu cần cho lực lượng quân đồn trú Mỹ, còn một hạng mục mới cần đưa vào là chi phí hỗ trợ tác chiến. Theo đó, Hàn Quốc phải gánh vác cả chi phí triển khai vũ khí chiến lược của Mỹ tới bán đảo Triều Tiên.

Hôm 26/10, vòng đàm phán thứ hai về việc gia hạn Thỏa thuận Các biện pháp đặc biệt (SMA) nhằm chia sẻ chi phí quốc phòng giữa Mỹ và Hàn Quốc đã kết thúc tại thành phố Honolulu thuộc quần đảo Hawaii (Mỹ) nhưng hai quốc gia đồng minh vẫn chưa nhất trí về bất cứ con số nào.

Cuộc gặp của các quan chức cấp cao của Bộ quốc phòng Mỹ sẽ có thể tiếp tục gây áp lực với Seoul trong bối cảnh Thỏa thuận SMA dự kiến sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12 tới.

Phát biểu trước Quốc hội về kế hoạch ngân sách năm 2020, Tổng thống Moon Jae-in cho biết, Chính phủ Hàn Quốc sẽ tăng chi tiêu quốc phòng thêm 7%, lên khoảng 42 tỷ USD. Hiện chưa rõ mức tăng này có tác động thế nào tới các khoản đóng góp của Seoul cho đồng minh Mỹ theo SMA.

Phát biểu trước Quốc hội về kế hoạch ngân sách năm 2020, Tổng thống Moon Jae-in cho biết, Chính phủ Hàn Quốc sẽ tăng chi tiêu quốc phòng thêm 7%, lên khoảng 42 tỷ USD. Hiện chưa rõ mức tăng này có tác động thế nào tới các khoản đóng góp của Seoul cho đồng minh Mỹ theo SMA.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã ra thông báo nhấn mạnh Seoul sẽ chấp nhận chia sẻ kinh phí công bằng và bình đẳng.

Trong khi đó, quan điểm của Mỹ vẫn không thay đổi. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho rằng, sẽ không có gì là “miễn phí” khi nói đến quốc phòng chung.

Chi phí quốc phòng quá cao đã khiến Hàn Quốc khó có thể chấp thuận một cách dễ dàng.

Đòi hỏi của Mỹ về chi phí an ninh bị nhiều người dân Hàn Quốc coi là "vô lý" và lãnh đạo nước này nhiều khả năng sẽ thẳng thừng từ chối chi thêm tiền cho Washington để giành được sự ủng hộ chính trị trong nước. Tâm lý bài Mỹ ở Hàn Quốc đã giảm bớt từ đầu thập niên 2000, nhưng có nguy cơ bùng phát trở lại trước các tuyên bố của Tổng thống Trump.

Mỹ có thể đánh mất đồng minh chỉ vì tiền

Giới quan sát đánh giá, nếu Washington tiếp tục "làm găng" với Hàn Quốc, họ sớm phải đề phòng một kịch bản là quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn suy giảm, thì sức ảnh hưởng của Washington trong khu vực sẽ hứng chịu nhiều tác hại.

Tiến sĩ Gal Luft, Giám đốc Viện Phân tích An ninh Toàn cầu (IAGS) tại Mỹ, cho rằng yêu cầu đòi "phí bảo vệ" của Trump cho thấy ông đang thực hiện các cam kết khi tranh cử, bao gồm chấm dứt việc Washington gánh chi phí bảo vệ đồng minh, nhằm phục vụ chiến dịch tái tranh cử năm 2020.

Nhưng thực tế khó ai hình dung Mỹ sẽ làm gì để bảo đảm Hàn Quốc một cách tốt hơn hiện tại.

Hàn Quốc không cần Mỹ làm gì thêm để bảo vệ quốc phòng?

Washington sẽ không gia tăng hiện diện ở Hàn Quốc bởi việc này chỉ nhằm đánh giá năng lực quốc phòng phi hạt nhân của Triều Tiên trong khi Bình Nhưỡng gần đây lại tập trung đẩy mạnh tiềm lực hạt nhân chứ không tăng cường lực lượng quân sự truyền thống.

Trong khi đó, Giáo sư Kevin Gray, chuyên gia Đông Á tại đại học Sussex của Anh cho rằng, Hàn Quốc cũng không cần Mỹ hỗ trợ để đối phó đòn tấn công thông thường từ Triều Tiên. Ngân sách quốc phòng của Seoul cao gấp 10 lần Bình Nhưỡng và Seoul thừa khả năng tự vệ.

Như vậy, đòi hỏi của Mỹ tức là Washington sẽ lấy thêm tiền mà thực chất là không cần làm thêm điều gì cả.

Giáo sư Gray cảnh báo, Mỹ có thể mất đồng minh châu Á về sự o ép này, đồng thời phá hỏng cả chiến lược Đông Á của mình nếu tiếp tục đòi 4,7 tỷ USD tiền phí.

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/chien-luoc-dam-phan-quoc-phong-my-kho-thanh-3391348/