Chiến lược đầu tư mới của SoftBank

Rót ít vốn hơn vào các startup giai đoạn đầu thay vì đổ hàng tỷ USD vào những tên tuổi lớn là chiến lược mới thay đổi phong cách đầu tư của Quỹ Tầm nhìn.

Ông Kuldeep Singh Rajput, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Biofourmis, một công ty khởi nghiệp về sức khỏe đã gặp SoftBank vào năm ngoái để kêu gọi đầu tư. Một năm sau, ông và công ty được quỹ Vision Fund tiếp cận lần nữa khi nhu cầu về dịch vụ theo dõi sức khỏe kỹ thuật số tăng cao do đại dịch.

"Chúng tôi không ngờ sẽ huy động được số vốn 100 triệu USD", ông Rajput nói. "Tôi đã trao đổi với ngài Masayoshi Son cũng như toàn bộ nhóm SoftBank, và quyết định đây có thể là thời điểm thích hợp để mở rộng quy mô của công ty."

Có trụ sở chính tại London, Quỹ Tầm nhìn có hơn 400 nhân viên tại 9 văn phòng trên khắp thế giới. Chủ tịch SoftBank, ông Masayoshi Son thường trao đổi với các nhà sáng lập công ty khởi nghiệp trước khi Quỹ Tầm nhìn đưa ra quyết định đầu tư thông qua các phiên họp trực tuyến.

Khi thế giới chuyển biến mạnh mẽ sau đại dịch và gói kích thích của chính phủ làm sai lệch định giá công nghệ, Quỹ Tầm nhìn (Vision Fund) của tập đoàn SoftBank đã và đang chuyển hướng sang chiến lược đầu tư mới. Theo Asian Nikkei Review, quỹ đầu tư của tỷ phú Son Masayoshi sẽ chú trọng vào các khoản đầu tư nhỏ nhưng thu được nhiều lợi nhuận hơn so với những màn đặt cược khổng lồ nhưng ẩn chứa nhiều rủi ro thất bại.

Cược ít, lợi nhiều vào startup giai đoạn đầu

Sau khi huy động được gần 100 tỷ USD và đầu tư ngót nghét 85 tỷ USD vào các công ty nổi tiếng như Uber Technologies, WeWork và ByteDance trong ba năm, Quỹ Tầm nhìn đang tập trung vào các khoản cược nhỏ ở các công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu có tiềm năng lớn. Quỹ đã phê duyệt tổng cộng 3,5 tỷ USD cho 19 khoản đầu tư trong "Vision Fund 2" - một dự án đầu tư được SoftBank tài trợ toàn bộ.

Trong đó, Quỹ Tầm nhìn đã đầu tư 100 triệu USD vào Zhangmen, công ty giáo dục trực tuyến Trung Quốc và 150 triệu USD cho Unacademy, công ty cùng lĩnh vực của Ấn Độ. Vision Fund 2 cũng rót thêm 100 triệu USD vào Biofourmis, startup theo dõi sức khỏe bằng thiết bị đeo tay của Mỹ. Công ty khởi nghiệp nhận được nhiều đầu tư nhất của Vision Fund trong giai đoạn này là công ty bất động sản Baike (Trung Quốc) với số tiền đầu tư 1,35 tỷ USD.

Ông Rajeev Misra, CEO của Vision Fund. Ảnh: SoftBank.

Chiến lược này khác hẳn so với những khoản rót vốn khổng lồ vào những công ty khởi nghiệp lớn và cực lớn vốn là đặc trưng trong phong cách đầu tư của SoftBank trong nhiều năm.

Trả lời Nikkei Asia, ông Rajeev Misra - Giám đốc điều hành Vision Fund, nói: "Tính thanh khoản mạnh đang thúc đẩy thị trường chứng khoán đại chúng tăng mạnh, điều này khiến đầu tư vào các công ty ở giai đoạn cuối trở nên khó khăn hơn. Chúng tôi phải suy xét, cân nhắc và tốn nhiều thời gian quyết định".

Giảm rủi ro và thu hút thêm đầu tư mới

Hứng thú của ông Son đối với những nhà sáng lập có ý tưởng lớn vẫn giữ nguyên, tuy nhiên Chủ tịch SoftBank đang đầu tư ít hơn. Trong giai đoạn trước, Vision Fund 1 đã rót gần 12 tỷ USD vào Didi Chuxing, một công ty dịch vụ gọi xe của Trung Quốc, hơn 2 tỷ USD vào công ty thương mại điện tử Hàn Quốc Coupang và hơn 1 tỷ USD trong nền tảng thanh toán di động Ấn Độ Paytm.

Với chiến lược của Vision Fund 2, các khoản vốn này nhỏ hơn và tập trung vào các công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu có tiềm năng lớn. Ông Misra cho biết sự thay đổi trong chiến lược này đưa cách tiếp cận của Quỹ Tầm nhìn gần lại với giới đầu tư mạo hiểm truyền thống và giảm bớt rủi ro nếu các phi vụ lớn thất bại. Sự sa chân của các "kỳ lân" mà Vision Fund từng đầu tư là yếu tố tạo ra khoảng cách lớn giữa vốn hóa thị trường của SoftBank và tổng các khoản đầu tư.

So sánh lượng vốn Quỹ Tầm nhìn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp giữa hai giai đoạn. Ảnh: Nikkei Asian Review.

Quỹ Tầm nhìn 1 từng rót những khoản tiền khổng lồ gồm 4,3 tỷ USD vào dịch vụ văn phòng chia sẻ WeWork và 7,7 tỷ USD vào ứng dụng gọi xe công nghệ Uber. Thất bại của Vision Fund vào WeWork và Uber trong quá khứ là bài học lớn cho sự chuyển mình trong xu hướng đầu tư của quỹ.

Lợi nhuận tính theo tỷ lệ phần trăm lớn hơn cũng giúp SoftBank thu hút các nhà đầu tư mới. Đồng thời, nó sẽ giảm vai trò của Quỹ Tầm nhìn trong SoftBank khi công ty bắt đầu đầu tư vào các doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn giao dịch thông qua một công ty con riêng biệt.

SoftBank đánh dấu bước chân trong thị trường đầu tư qua cổ phần sau khi tiết lộ quyền sở hữu cổ phần tại Amazon, Alphabet và Netflix hồi tháng 8. Các báo cáo sau đó gọi SoftBank là "cá voi" trong thị trường khi mua hàng tỷ USD cổ phiếu của các công ty công nghệ. Nhóm giám đốc điều hành SoftBank cho biết những động thái này trên thị trường đại chúng gần đây nhằm quản lý lượng tiền mặt dư thừa mà SoftBank đang sở hữu.

Bùi Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chien-luoc-dau-tu-moi-cua-softbank-post1148979.html