Chiến lược đầu tư nhân sự thời dịch

Thị trường thời dịch đặt ra nhiều bài toán với các doanh nghiệp. Trong đó, nhân sự - một trong những trụ cột cốt lõi của doanh nghiệp - cần được đánh giá và đầu tư đúng đắn.

Trong bất cứ thời điểm nào, tập trung đầu tư vào nhân sự luôn là lựa chọn hợp lý. Tuy nhiên, những thách thức của thời dịch đòi hỏi mỗi lãnh đạo, mỗi doanh nghiệp cần đưa ra những chiến lược hợp lý nhằm tối ưu giá trị nhân công, đồng thời phát triển các kế hoạch kinh doanh khác.

Đầu tư đúng chỗ

Thời gian chống chọi với Covid-19 vẫn chưa có hồi kết, nhiều doanh nghiệp vẫn đang hoạt động với tâm thế “thắt lưng buộc bụng”. Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm, nền kinh tế Việt Năm đón nhiều tin vui và có dấu hiệu khởi sắc. Cụ thể trong quý I, GDP phục hồi với 4,48%, xuất khẩu hàng hóa đạt 77,3 tỷ USD (tăng 22%), nhập khẩu đạt 75,3 tỷ USD (tăng 26,3% so với cùng kỳ năm trước).

Các báo cáo đào sâu cho thấy tín hiệu lạc quan từ nhiều nhóm doanh nghiệp. Với ngành công nghiệp chế biến và chế tạo, Tổng cục Thống kê cho biết 68,6% công ty sản xuất kinh doanh tốt và ổn định hơn trong quý I. Với nhóm doanh nghiệp gia đình, Công ty kiểm toán PwC cũng cho hay 33% doanh nghiệp tin tưởng sẽ phát triển mạnh mẽ vào 2022, cao hơn hẳn kỳ vọng của khu vực (28%) và toàn cầu (21%).

Kinh tế Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực trong quý I.

Kinh tế từng bước “hồi sức” là tín hiệu tích cực cho doanh nghiệp trên lộ trình đầu tư dài hạn. Để không lỡ nhịp tăng trưởng, các hạng mục liên quan đến con người như nâng cao chất lượng và sức đề kháng cho bộ phận nhân sự trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu.

Nhu cầu đầu tư bài bản vào đội ngũ và áp lực thắt chặt chi tiêu đặt ra bài toán cho nhiều lãnh đạo doanh nghiệp. Lúc này, siết chặt tài chính nên được hiểu theo nghĩa “đầu tư đúng chỗ” - chỉ cắt giảm các khoản thừa, tập trung ngân sách vào mục tiêu cần thiết, để từ đó đạt được các chiến lược dài hạn.

Vào thời điểm này, các nhà quản lý đánh giá doanh nghiệp cần một bộ máy nhân sự đồng nhất, tinh gọn để vừa tối ưu chi phí, vừa đảm bảo tốc độ phát triển. Ý tưởng thuê ngoài dịch vụ nhân sự nhằm “biến các vấn đề của doanh nghiệp trở thành của đối tác” bắt đầu nhen nhóm và trở thành một trong những giải pháp đáng cân nhắc.

Xu hướng thuê ngoài

Theo bà Lý Ngọc Trân, Giám đốc Bộ phận Tuyển dụng cấp cao và Nhân sự thuê ngoài của Talentnet, thuê ngoài nhân sự (outsourcing) là giải pháp phù hợp với những vấn đề còn tồn đọng của năm ngoái mà vẫn đón đầu nhịp tăng trưởng mạnh mẽ năm nay.

“Nếu trong thời gian đầu của đại dịch, thuê ngoài chỉ là dịch vụ nhất thời (tiêu biểu ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ), thì nay cần được nâng lên thành chiến lược nhân sự trọng yếu và dài hạn. Nhân sự là bộ phận cần được chú trọng đầu tư để có thể vận hành trơn tru, trở thành điểm tựa vững chắc, gánh bớt áp lực tăng trưởng trong giai đoạn tới”, bà Trân nhận xét.

Bà Trân lấy ví dụ nếu doanh nghiệp muốn mở rộng sản xuất, bộ phận HR sẽ không đủ nguồn lực để tuyển dụng và đào tạo lượng nhân sự lớn trong thời gian ngắn. Nếu quá tập trung vào nhiệm vụ này, doanh nghiệp sẽ không thể triển khai các nhiệm vụ quan trọng còn lại. Ngược lại, việc sử dụng các dịch vụ nhân sự thuê ngoài sẽ giúp tối ưu thời gian tuyển dụng, đào tạo và chi phí.

Outsourcing là xu hướng phổ biến ở nhiều nước, nổi bật như Nhật Bản với hơn 1.100 công ty công nghệ đều sử dụng dịch vụ này. Tại Việt Nam, các công ty đa quốc gia hoặc FDI luôn ưu tiên outsourcing trên 50% để sở hữu nguồn nhân tài chất lượng cao ở địa phương.

Cùng với thuê ngoài nhân sự, thuê ngoài tính lương (payroll) cũng trở thành cánh tay hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp để quản trị nhân sự thời dịch. Trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu vì dịch COVID-19, thị trường thuê ngoài tính lương toàn cầu dự kiến đạt 22,8 tỷ đô la vào năm 2027, góp phần vào tốc độ tăng trưởng kép thế giới từ giai đoạn 2020-2027 là 3,5%

Thuê ngoài nhân sự, thuê ngoài tính lương trở thành chiến lược không còn xa lạ của các doanh nghiệp.

Điểm mạnh của payroll là vận hành như một “thiết bị chuyển áp” hiệu quả giúp giảm tải khối lượng công việc của phòng nhân sự. Theo đó, nhà quản lý nhân sự có thể tập trung phát triển chiến lược quản trị mà không bị phân tâm, tiêu tốn thời gian vào các thủ tục hành chính. Đồng thời, doanh nghiệp còn được hưởng lợi từ hệ thống lưu trữ thông tin - dữ liệu ứng dụng AI, hệ thống quản lý nhân sự tiên tiến của đối tác cung cấp dịch vụ payroll.

“Bằng cách áp dụng quy trình tính lương, thưởng, thanh toán bảo hiểm, thuế thu nhập cá nhân… đúng hạn, đúng luật từ một đơn vị thứ ba chuyên nghiệp, doanh nghiệp sẽ được củng cố hình ảnh công bằng, minh bạch trong mắt đội ngũ lao động”, bà Lý Ngọc Trân phân tích.

Trà Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chien-luoc-dau-tu-nhan-su-thoi-dich-post1212340.html