Chiến lược 'Diễn biến hòa bình' của Mỹ nhìn từ cuộc khủng hoảng ở Vê-nê-du-ê-la

Sau khi thực hiện thành công chiến lược 'Diễn biến hòa bình' làm tan rã chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, Mỹ tiếp tục sử dụng chiến lược này để loại bỏ chính thể ở những quốc gia không chấp nhận vai trò lãnh đạo của Oa-sinh-tơn. Trong đó, Vê-nê-du-ê-la đã và đang trở thành tâm điểm chống phá.

Vị thế của Vê-nê-du-ê-la trong chiến lược toàn cầu của Mỹ

Vê-nê-du-ê-la là quốc gia có vị trí hết sức quan trọng trong chiến lược toàn cầu của Mỹ trên nhiều phương diện. Đặc biệt, trong cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện với Trung Quốc và Nga hiện nay, Vê-nê-du-ê-la càng trở nên quan trọng đối với Mỹ cả về kinh tế, chính trị và quân sự.

Về kinh tế, Mỹ theo đuổi toan tính kiểm soát nguồn dầu mỏ khổng lồ của Vê-nê-du-ê-la1, hòng đánh bật ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga ra khỏi quốc gia này, hướng tới kiểm soát toàn bộ nguồn tài nguyên dầu mỏ của thế giới. Theo các chuyên gia, đây là một trong những nội dung quan trọng nhất, có ý nghĩa then chốt trong chiến lược toàn cầu của Mỹ, nhằm tiếp tục duy trì vị thế cho đồng đô la được bảo đảm bằng tổng giá trị tài nguyên dầu mỏ của thế giới và cũng là một trong những trụ cột của nền kinh tế Mỹ.

Về chính trị, Mỹ không chấp nhận tư tưởng cách mạng Bô-li-va hay “chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21” do cố Tổng thống Hu-gô Cha-vét khởi xướng và người tiếp nối tư tưởng này là Tổng thống đương nhiệm Ni-cô-lát Ma-đu-rô. Chính vì vậy, kể từ năm 1999, khi ông Hu-gô Cha-vét lên cầm quyền ở Vê-nê-du-ê-la, Oa-sinh-tơn đã đẩy mạnh thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, nhằm loại bỏ chính thể ở Ca-ra-cát, dựng lên một chính thể khác nhằm bảo vệ lợi ích của Mỹ tại quốc gia này, nhưng chưa thành công. Hiện nay, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm - người từng tuyên bố không chấp nhận chủ nghĩa xã hội, đang ráo riết đẩy nhanh quá trình thay đổi thể chế chính trị ở Vê-nê-du-ê-la.

Về quân sự, Mỹ đặc biệt lo ngại trước hoạt động của Nga không chỉ đầu tư vào ngành khai thác dầu mỏ, mà còn là nhà cung cấp vũ khí chính cho Vê-nê-du-ê-la. Hiện tại, Vê-nê-du-ê-la là quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất của Nga ở Mỹ La-tinh. Mát-xcơ-va cũng đang nghiên cứu khả năng sử dụng một căn cứ quân sự ở Vê-nê-du-ê-la trên cơ sở thỏa thuận đã ký kết giữa hai bên; đồng thời, sử dụng các hải cảng, sân bay của Vê-nê-du-ê-la để bảo dưỡng kỹ thuật và tiếp nhiên liệu cho lực lượng không quân và hải quân hoạt động ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Đây có thể là biện pháp của Nga nhằm đáp trả sự tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ và NATO tại những quốc gia Đông Âu sát biên giới Nga. Về phía Mỹ, nước này phản đối việc hợp tác quân sự giữa Nga và Vê-nê-du-ê-la; đồng thời, tính đến phương án sau khi hai nước rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), Mát-xcơ-va có thể bố trí những loại tên lửa này trên lãnh thổ Vê-nê-du-ê-la để đáp trả quyết định của Mỹ biến châu Âu thành căn cứ tên lửa khổng lồ sát biên giới Nga.

Chiến lược “Diễn biến hòa bình” của Mỹ ở Vê-nê-du-ê-la

Cuộc đảo chính hôm 30-4 ở Vê-nê-du-ê-la. Ảnh: AP

Hoa Kỳ đang dựa vào Học thuyết Môn-rô2 được Quốc hội nước này thông qua năm 1823, để tự cho mình quyền được can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia ở Mỹ La-tinh - nơi Oa-sinh-tơn coi là “sân sau” của họ. Trên thực tế, Mỹ đang tìm mọi biện pháp ngăn chặn, kiềm chế sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga và Trung Quốc ở khu vực Mỹ La-tinh, nhất là khi chiến lược “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc đang động chạm tới “sân sau” của họ; trong đó, Mỹ hết sức chú trọng ngăn cản việc thực thi dự án xây dựng Kênh đào thế kỷ đi qua Ni-ca-ra-goa để thay thế Kênh đào Pa-na-ma do họ đang kiểm soát. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện đột phá xóa bỏ thể chế chính trị ở Vê-nê-du-ê-la cũng như ở Cu-ba, Ni-ca-ra-goa, Bô-li-vi-a và các nước khác ở khu vực Mỹ La-tinh đang ủng hộ dự án chiến lược “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, đi ngược quỹ đạo của Oa-sinh-tơn.

Để thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” loại bỏ chính thể ở Vê-nê-du-ê-la, Mỹ đã và đang áp dụng nhiều biện pháp khác nhau.

Một là, tạo cớ để can thiệp. Thông qua bộ máy truyền thông khổng lồ và nhận được sự hưởng ứng của truyền thông nhiều nước đồng minh, Mỹ không ngừng lên án chính thể của Tổng thống Hu-gô Cha-vét trước đây và Tổng thống Ni-cô-lát Ma-đu-rô hiện nay là chế độ “độc tài”, “tham nhũng” và “vi phạm nhân quyền”. Đồng thời, tiến hành cuộc chiến tranh thông tin - tâm lý trên quy mô quốc tế, dựa vào những khó khăn và khủng hoảng kinh tế do tác động của nhiều yếu tố: chủ quan và khách quan, bên trong và bên ngoài,… để kích động người dân Vê-nê-du-ê-la xuống đường biểu tình đòi thay đổi lãnh đạo đất nước, với cáo buộc “yếu kém và bất lực trong quản lý kinh tế”. Biện pháp này đã từng được Mỹ sử dụng khá hiệu quả ở nhiều quốc gia, như: Nam Tư (dẫn tới cuộc chiến tranh Cô-xô-vô năm 1999), Tuy-ni-di, Ai Cập, Li-bi và Xy-ri (trong các biến động chính trị mang tên “Mùa Xuân A-rập”) và U-crai-na.

Hai là, hậu thuẫn lực lượng đối lập. Một trong những khiếm khuyết rất nghiêm trọng trong hệ thống chính trị của Vê-nê-du-ê-la là chấp nhận sự tồn tại của chế độ đa đảng chính trị. Ở Vê-nê-du-ê-la hiện nay, ngoài Ðảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất - đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động đang nắm quyền lãnh đạo đất nước, còn có nhiều đảng phái chính trị khác không chỉ được phép tồn tại mà còn có quyền tham gia ứng cử, đề cử vào quốc hội và bầu cử tổng thống. Trong đó, đáng chú ý là các đảng đối lập, như: Công lý trước tiên, Ý nguyện nhân dân, Hành động dân chủ, v.v. Trong cuộc bầu cử Quốc hội Vê-nê-du-ê-la ngày 06-12-2015, các đảng đối lập đã giành chiến thắng và thống nhất với nhau sẽ luân phiên trao ghế Chủ tịch Quốc hội Vê-nê-du-ê-la cho lãnh đạo các đảng này. Ngày 05-01-2019, thành viên của Đảng Ý nguyện nhân dân là Hoan Gu-ai-đô - nhân vật thân Mỹ và đã từng được Cục Tình báo Trung ương Mỹ tuyển mộ, được trao quyền Chủ tịch Quốc hội Vê-nê-du-ê-la. Đây chính là cơ hội để Mỹ hành động. Theo kịch bản được Oa-sinh-tơn soạn thảo, ngày 23-01-2019, Hoan Gu-ai-đô tuyên bố là “Tổng thống lâm thời của Vê-nê-du-ê-la”. Ngay lập tức, Mỹ và nhiều nước đồng minh tuyên bố công nhận Hoan Gu-ai-đô là “Tổng thống hợp hiến duy nhất của Vê-nê-du-ê-la” và không công nhận Ni-cô-lát Ma-đu-rô là tổng thống, mặc dù ông được người dân Vê-nê-du-ê-la bầu lên, thông qua cơ chế dân chủ bỏ phiếu trực tiếp toàn dân và vừa tuyên thệ nhậm chức trước đó vài ngày.

Ba là, thực hiện các biện pháp cấm vận, trừng phạt kinh tế và cô lập ngoại giao. Lấy lý do “Vê-nê-du-ê-la gây nên mối đe dọa đặc biệt đối với an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Mỹ”, Oa-sinh-tơn đã áp đặt các biện pháp cấm vận, trừng phạt kinh tế đối với Ca-ra-cát. Từ năm 2013 đến 2017, các lệnh cấm vận tài chính của Mỹ ước tính gây thiệt hại cho Vê-nê-du-ê-la khoảng 350 tỷ USD. Đặc biệt, ngày 28-01-2019, Mỹ đã tung ra “đòn trừng phạt hạng nặng” để chống lại chính quyền Tổng thống Ni-cô-lát Ma-đu-rô. Mỹ đã phong tỏa tất cả tài sản của Tập đoàn Dầu khí quốc doanh Vê-nê-du-ê-la (PDVSA) và mọi khoản tiền mà Mỹ mua dầu của Vê-nê-du-ê-la sẽ chuyển vào một tài khoản được đóng băng (bao gồm tiền mua dầu trong năm 2019 khoảng 11 tỷ USD và 7 tỷ USD tài sản của công ty này ở Mỹ), nhằm cắt nguồn thu ngoại tệ từ dầu mỏ, đẩy chính quyền Tổng thống Ni-cô-lát Ma-đu-rô vào tình trạng khó khăn trong giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trong nước. Không những vậy, Mỹ còn kêu gọi các nước đồng minh không thừa nhận chính quyền hiện tại và tiến hành các biện pháp cô lập ngoại giao đối với Vê-nê-du-ê-la.

Bốn là, kết hợp biểu tình, bạo loạn lật đổ chính quyền từ bên trong với răn đe quân sự từ bên ngoài. Đây là phương thức mà Mỹ đã tiến hành để lật đổ chính thể nhiều nước trên thế giới. Năm 2012, lấy cảm hứng từ chiến dịch can thiệp quân sự vào Li-bi để tiêu diệt nhà lãnh đạo Ca-đa-phi, Mỹ đã áp dụng kịch bản này để loại bỏ Tổng thống Hu-gô Cha-vét. Theo đó, từ bên ngoài, Mỹ đã tổ chức một số tàu ngầm đột nhập vào vùng biển của Vê-nê-du-ê-la, vừa làm nhiệm vụ trinh sát thăm dò, vừa khiêu khích hải quân nước này để tạo cớ can thiệp quân sự. Bên trong Vê-nê-du-ê-la, Mỹ kích động các lực lượng đối lập nổi loạn, buộc chính phủ Vê-nê-du-ê-la đáp trả. Tiếp đó, bộ máy truyền thông tung tin cáo buộc Tổng thống Hu-gô Cha-vét “đàn áp người dân”, tạo tiền đề thành lập chính phủ lâm thời và kêu gọi Mỹ can thiệp. Đặc biệt, trong cuộc đảo chính do các lực lượng đối lập mà đứng đầu là Hoan Gu-ai-đô tiến hành vào ngày 30-4-2019 vừa qua, Mỹ sử dụng một nhóm lực lượng đối lập có vũ trang cùng một số phần tử đào ngũ từ quân đội nước này làm nòng cốt để tạo nên hình ảnh một lực lượng hậu thuẫn hùng hậu, kích động người dân xuống đường biểu tình nhằm loại bỏ Tổng thống Ni-cô-lát Ma-đu-rô. Để thực hiện kịch bản này, thủ lĩnh các lực lượng đối lập Hoan Gu-ai-đô dựng sẵn băng ghi hình mô tả hình ảnh của ông nhận được “sự ủng hộ của Quân đội Vê-nê-du-ê-la” đã sẵn sàng lật đổ Tổng thống Ni-cô-lát Ma-đu-rô. Bên cạnh đó, Mỹ và phe đối lập tìm mọi cách lôi kéo, mua chuộc các lãnh đạo thân tín chủ chốt của Tổng thống Ni-cô-lát Ma-đu-rô và Quân đội Vê-nê-du-ê-la để tiến hành đảo chính quân sự. Đồng thời, bộ máy truyền thông tung tin “Ni-cô-lát Ma-đu-rô đã bỏ chạy sang Cu-ba trên một chuyến bay đặc biệt”; tìm mọi cách để chia rẽ, kích động để tiếp tục các cuộc biểu tình, bạo loạn có thể dẫn đến một cuộc nội chiến. Từ đó, “Tổng thống lâm thời” Hoan Gu-ai-đô sẽ kêu gọi Mỹ can thiệp quân sự.

Đến thời điểm này, các biện pháp chiến lược “Diễn biến hòa bình” của Mỹ ở Vê-nê-du-ê-la cơ bản đã thất bại. Tuy nhiên, Mỹ vẫn chưa từ bỏ toan tính lật đổ chính quyền của Tổng thống Ni-cô-lát Ma-đu-rô và thay bằng một chính thể chịu sự kiểm soát của Oa-sinh-tơn. Do đó, các chuyên gia dự báo trong thời gian tới, tình hình Vê-nê-du-ê-la sẽ diễn biến phức tạp, gay gắt hơn. Nếu chính quyền của Tổng thống Ni-cô-lát Ma-đu-rô không có những giải pháp hữu hiệu để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội; ngăn chặn âm mưu cấu kết giữa lực lượng bên trong với các thế lực thù địch bên ngoài; tìm tiếng nói chung với phe đối lập,… thì nguy cơ bùng phát nội chiến tại nước này là rất cao. Khi đó, Mỹ có thể trực tiếp hoặc thông qua một cuộc chiến tranh ủy nhiệm để can thiệp quân sự vào Vê-nê-du-ê-la. Điều đó có thể kéo theo cả Nga và Trung Quốc can dự để bảo vệ lợi ích của họ tại Vê-nê-du-ê-la, biến nước này thành một Li-bi, I-rắc hoặc Xy-ri thứ hai và khu vực Mỹ La - tinh có nguy cơ trở thành một “lò lửa Trung Đông” mới.

Đại tá LÊ THẾ MẪU - Đại tá NGUYỄN ĐỨC XIỂN

______________

1 - Chiếm tới gần 25% trữ lượng dầu mỏ của các nước thành viên OPEC, lớn hơn trữ lượng của A-rập Xê-út (21,9%), I-ran (12,8%), I-rắc (12,1%) và Cô-oét (8,4%).

2 - Theo Học thuyết này, bất kỳ nỗ lực nào của các nước bên ngoài can thiệp vào các nước thuộc Bắc Mỹ và Nam Mỹ đều bị Hoa Kỳ xác định là “hành động xâm lược”, buộc Oa-sinh-tơn phải can thiệp để ngăn chặn.

Nguồn: Tạp chí Quốc phòng toàn dân

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/nghien-cuu/ly-luan/chien-luoc-dien-bien-hoa-binh-cua-my-nhin-tu-cuoc-khung-hoang-o-ve-ne-du-e-la-121891