Chiến lược khả thi cho miễn dịch cộng đồng lần đầu tiên

Đợt bùng phát lần thứ tư của đại dịch Covid-19 với những diễn biến phức tạp và khó lường đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều địa phương. Một số giải pháp cấp bách đang được Đảng và Nhà nước thực hiện là đẩy nhanh 'chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử' nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng tại Việt Nam vào đầu năm 2022.

Tiêm vaccine phòng Covid-19 ở Hà Nội (Ảnh: Duy Linh).

Trên cơ sở số liệu thực tế, một số tính toán ban đầu cho thấy, mức độ khả thi của chiến dịch tiêm chủng lần này không chỉ nằm ở khả năng tập trung nguồn lực tối đa, mà còn đòi hỏi một chiến lược thực thi hợp lý để bảo đảm đáp ứng về năng lực tiêm chủng của hệ thống y tế trong nước.

Ngày 8/7/2021, Bộ Y tế đã có Quyết định số 3355/QĐ-BYT ban hành “Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 năm 2021-2022”. Trong đó, xác định mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối quý I/2022, ước tính hoàn thành việc tiêm chủng cho khoảng 70% dân số trở lên.

Tốc độ tiêm chủng: Hiện trạng và Mục tiêu

Dựa trên tính toán sơ bộ căn cứ trên nguồn cung vaccine dự kiến sẽ về tới Việt Nam, tốc độ tiêm chủng cần đạt được mức trung bình 560 nghìn liều/ngày kể từ quý IV/2021 để thực hiện được kế hoạch đề ra. Theo ước lượng của GS Đặng Đức Anh, Trưởng ban điều hành Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, tốc độ tiêm chủng tối đa hệ thống y tế hiện nay có thể đáp ứng lên tới hơn 1 triệu liều/ngày khi huy động hết khoảng 11.000 đến 12.000 điểm tiêm chủng trên cả nước.

Vấn đề đặt ra là cần nâng cao và bảo đảm khả năng đáp ứng các đòi hỏi gắt gao của tiêm vaccine Covid-19 tại các điểm tiêm chủng hiện có trong hệ thống y tế Việt Nam.

Thứ nhất, việc bảo đảm đủ trang thiết bị trong việc trữ đông vaccine khi được nhập khẩu về Việt Nam là một thách thức lớn.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tình trạng không có đủ các tủ lạnh bảo quản vaccine đã khiến cho 50% lượng vaccine trên thế giới bị hư hỏng. Hiện nay, mỗi trung tâm y tế và trạm y tế có thể bảo quản một lượng vaccine nhất định ở nhiệt độ 2-8 độ C, thế nhưng lại gần như không có trang thiết bị bảo quản ở nhiệt độ âm sâu, gây khó khăn không nhỏ trong vận chuyển và bảo quản những vaccine như Pfizer và Moderna. Đơn vị duy nhất hiện có trang bị kho lạnh âm sâu trong chương trình tiêm chủng mở rộng là Hệ thống tiêm chủng VNVC của Công ty Cổ phần Vaccine Việt Nam, với tổng cộng 30 kho tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, có thể lưu trữ được 3 triệu liều vaccine khi cần thiết.

Trong khi miễn dịch cộng đồng là một loại hàng hóa công cộng và Nhà nước phải đóng vai trò chủ đạo trong công tác mua, điều phối quá trình mua và tiêm vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng, nhất là trong giai đoạn hiện nay, thì năng lực bảo quản vaccine của hệ thống y tế của Nhà nước rõ ràng cần phải được gấp rút nâng cao.

Cùng với đó, cơ chế phối hợp công - tư nhằm sử dụng hiệu quả hệ thống bảo quản và trang thiết bị của các cơ sở y tế tư nhân cũng cần được làm rõ, bảo đảm các tiêu chí về hoàn thành kế hoạch tiêm chủng, về giảm thiểu bất bình đẳng xã hội và về tăng cường cơ hội tiếp cận vaccine của toàn dân.

Thứ hai, số lượng và năng lực cán bộ y tế thực hiện tiêm chủng cũng là một thách thức đối với Việt Nam hiện nay.

Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Việt Nam có khoảng 60 nhân lực ngành y tế trên mỗi 10.000 dân vào năm 2019, tương quan với mức trung bình của thế giới là 174. Con số này ở Thụy Điển là 745; Pháp là 619; Malaysia là 200 và Thái Lan là 98.

Bên cạnh đó, số lượng nhân lực y tế có trình độ cao tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lớn, nơi có các cơ sở y tế có trang thiết bị tương đối đầy đủ. Trong đợt dịch vừa qua, thực tế cho thấy Việt Nam đã phải huy động rất nhiều cán bộ y tế, thậm chí cả sinh viên y tế, từ các nơi để chi viện cho các địa phương dịch bệnh bùng phát.

Điều đó đưa đến những quan ngại về khả năng đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng trên phạm vi toàn quốc - chưa tính đến yêu cầu về kỹ năng cấp cứu, ứng phó trong trường hợp cần và trang thiết bị cần thiết để các nhân viên y tế sử dụng trong quá trình thực hiện công việc.

Biện pháp và giải pháp

Với số lượng gần 170 triệu liều sẽ về trong năm 2021, năng lực bảo quản vaccine chắc chắn cần được gấp rút tăng cường trong thời gian tới. Các cơ sở y tế cần được đầu tư trang thiết bị và nâng cấp nhiều tủ đông lạnh hơn, tránh tình trạng không đồng đều trong năng lực bảo quản của các địa phương dẫn tới việc phải liên tục tái điều phối vaccine sắp hết hạn - do các vaccine như Pfizer và Moderna vẫn có thể bảo quản tối đa 30 ngày trong điều kiện 2 - 8 độ C.

Để làm được như vậy, Nhà nước cần có kế hoạch chuẩn bị hoặc chuyển dòng tài chính phù hợp, như tái phân bổ nguồn lực của các dự án đầu tư xây dựng hiện đã phải tạm dừng, sang mua sắm trang thiết bị y tế, xây dựng cơ sở lưu trữ vật phẩm y tế cần thiết.

Thêm vào đó, việc xây dựng cơ chế phối hợp về cả tài chính và con người với hệ thống y tế tư nhân, tận dụng các cơ sở có sẵn cũng cần là một phần trong chiến lược tổng thể.

Về số lượng và năng lực cán bộ y tế, việc đào tạo tập huấn về quy trình tiêm chủng vaccine Covid-19 nhằm xây dựng đội ngũ nhân lực dồi dào tham gia vào chiến dịch tiêm chủng mở rộng đang được các địa phương tích cực triển khai.

Cụ thể, Hà Nội vừa qua đã tổ chức tập huấn tiêm vaccine phòng chống Covid-19 thông qua các điểm cầu cho gần 2.000 cán bộ y tế. Nguồn nhân lực tiêm chủng cũng sẽ phần nào được bảo đảm, nếu có thể cân đối giữa nhân lực tham gia chống dịch và nhân lực phục vụ tiêm chủng, đặc biệt là tại các địa phương đang bùng phát dịch mạnh như TP Hồ Chí Minh và Bình Dương. Điều này khiến cho các biện pháp kiểm soát dịch như giãn cách xã hội, đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu, yêu cầu người dân hạn chế ra đường… trở nên đặc biệt cần thiết.

Mặt khác, vai trò của Trung ương trong tình huống này là điều tiết tổng thể để kết nối và huy động nguồn nhân lực một cách linh loạt giữa các địa phương, tạo điều kiện cũng như hỗ trợ về tài chính, để các cán bộ y tế được đào tạo mới tại các địa phương nhanh chóng nhập cuộc, phục vụ cho chiến lược tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc.

Cuối cùng, một giải pháp khác nhằm giúp tháo gỡ khó khăn trong công tác tiêm chủng đó là cho phép sự tham gia của các cơ sở y tế tư nhân. Mới đây, Bộ Y tế đã có văn bản số 6140/BYT-KCB do Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long ký ban hành ngày 30/7/2021 về việc huy động các cơ sở y tế tư nhân tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong buổi làm việc của Bộ trưởng với lãnh đạo Bệnh viện FV vào chiều ngày 1/8, bệnh viện cho biết họ sẵn sàng ưu tiên nguồn nhân lực phục vụ cho công tác tiêm chủng, có thể cung ứng 10.000 mũi tiêm chủng mỗi ngày, với đề xuất được phép thu phí dịch vụ tiêm chủng để trang trải một phần chi phí cần thiết. Việc phối hợp cùng các cơ sở y tế tư nhân sẽ phần nào giải quyết được tức thời bài toán phân bổ nhân lực và vật tư, trang thiết bị y tế trong việc phòng chống dịch Covid-19.

Như vậy, với mục tiêu đã đề ra và thực tế có sẵn về nguồn cung, nhân lực, cơ sở y tế phục vụ tiêm chủng, Nhà nước vẫn cần đóng vai trò then chốt trong việc kiến tạo hệ thống trong thời gian tới để đạt được miễn dịch cộng đồng trước thời điểm 30/4/2022.

Thành công trong chiến dịch lần này, có lẽ sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng thiết kế, điều phối nguồn lực trên toàn quốc cũng như kêu gọi sự chung tay của cả cộng đồng.

Ths VŨ THỊ HẰNG, NGUYỄN TÙNG ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-y-te/chien-luoc-kha-thi-cho-mien-dich-cong-dong-lan-dau-tien-659315/