Chiến lược mới trong sự hoài nghi

Hơn 7 tháng sau khi chính thức tiếp quản Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố chiến lược mới của nước này tại Afghanistan và khu vực Nam Á, trong đó chủ yếu tập trung vào nỗ lực chống khủng bố.

Tính từ khi Tổng thống Mỹ George W.Bush tuyên bố phát động cuộc chiến chống khủng bố mang tên "Chiến dịch Tự do vĩnh cửu" nhằm dập tắt mầm mống Al Qaeda tại Afghanistan vào tháng 10-2001 đến nay đã ngót 16 năm. Trải qua ba đời Tổng thống Mỹ, nhưng cuộc xung đột ở Afghanistan vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, bất chấp việc Mỹ đã tiêu tốn cả núi USD và hơn 2.400 lính Mỹ thiệt mạng tại chiến trường này.

Gần đây, các thành viên của Quốc hội Mỹ tỏ vẻ bực dọc trước tình hình ngày càng tồi tệ ở Afghanistan, trong khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump vẫn chưa có kế sách để phá thế bế tắc. Việc rút quân hay điều thêm quân tới chiến trường Afghanistan đã trở thành chủ đề tranh cãi không ngừng bên trong Nhà Trắng. Có lẽ sức ép ấy buộc ông Donald Trump phải đảo ngược lời hứa mà ông từng đưa ra trong chiến dịch vận động tranh cử hồi năm ngoái là sẽ nhanh chóng rút quân khỏi Afghanistan.

Như tuyên bố của ông Donald Trump trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp trên khung giờ vàng của truyền hình Mỹ ngày 21-8, quyết định của ông xuất phát từ những mối nguy hiểm lớn trong khu vực, bởi Afghanistan và Pakistan đang là nơi tập trung nhiều tổ chức khủng bố nhất trên thế giới. Hiện, Mỹ có khoảng 8.400 binh sĩ sát cánh cùng 5.000 binh sĩ thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang làm nhiệm vụ huấn luyện và hỗ trợ các lực lượng Afghanistan chống Taliban và các sứ mệnh chống khủng bố khác. Nếu đúng như những gì mà giới chức Mỹ tiết lộ, nhiều khả năng, Mỹ sẽ điều động thêm khoảng 4.000 binh sĩ để tăng viện cho lực lượng đang túc trực ở Afghanistan.

Thực tế cho thấy, từng có giai đoạn bị coi là đám “tàn quân”, đến nay, Taliban bất ngờ trỗi dậy mạnh mẽ, chiếm lại nhiều khu vực trên lãnh thổ Afghanistan và thường xuyên “diễu võ dương oai” bằng hàng loạt vụ tấn công đẫm máu, gây mất an ninh nghiêm trọng. Bên cạnh đó, sau khi bị công kích dồn dập ở Iraq và Syria, IS cũng đang trên đường tháo chạy và tìm kiếm các căn cứ mới, trong đó Afghanistan rõ ràng là một “xứ sở tiềm năng”.

Nhìn vào những tổn thất đã qua tại Afghanistan, một câu hỏi cũ lại được nhắc tới: Nếu chẳng thể thắng, sao người Mỹ chưa quay về?

Dù không muốn đổ thêm tiền vào cuộc xung đột tại Afghanistan và tiếp tục bị sa lầy ở chiến trường này, Mỹ cũng khó tìm ra lựa chọn khả dĩ hơn. Bỏ mặc Afghanistan với mớ hỗn độn cũng đồng nghĩa với việc thừa nhận thất bại tại một trong những cuộc chiến tranh dài nhất ở nước ngoài trong lịch sử nước Mỹ. Hơn nữa, một khi Mỹ “rũ áo ra đi”, mảnh đất dành cho khủng bố và cực đoan càng thêm màu mỡ.

Như vậy, việc Tổng thống Donald Trump cho ra đời chiến lược mới đối với cuộc chiến ở Afghanistan vào thời điểm này phần nào là do sức ép nội bộ nước Mỹ và đòi hỏi từ thực địa Afghanistan. Điều này được chính ông Donald Trump thừa nhận: “Tôi chia sẻ sự thất vọng của người Mỹ. Bản năng của tôi là rút quân và từ trước tới giờ tôi thích làm theo bản năng của mình hơn. Nhưng khi đã vào Nhà Trắng thì không dễ quyết định theo bản năng của mình”.

Chiến lược mới của Mỹ bước đầu nhận được sự hoan nghênh của Afghanistan và một số nước đồng minh, trong đó có cả Đức, quốc gia từng bị ông Donald Trump chỉ trích nhiều nhất về vấn đề chi tiêu quốc phòng. Song, bên cạnh đó cũng có không ít những hoài nghi về hiệu quả của chính sách mới. Dù Tổng thống Donald Trump tuyên bố đây là chiến lược có sự thay đổi mạnh mẽ, dư luận cho rằng kế hoạch này chưa có nhiều khác biệt so với chiến lược của những người tiền nhiệm như Barack Obama, hay trước đó là George W.Bush. Những người ủng hộ phương án của ông Donald Trump cũng bị ám ảnh bởi nguy cơ nước Mỹ tiếp tục sa lầy.

Quan trọng hơn, dư luận cho rằng, ông Donald Trump đã không thực sự giải thích về chiến lược mới. Đề cập tới mục tiêu “chiến thắng” tại Afghanistan, song ông chủ thứ 45 của Nhà Trắng chưa nói rõ chiến thắng đó là gì. Giúp xây dựng một đất nước Afghanistan dân chủ, chặt đứt gốc rễ của Taliban hay kết liễu chủ nghĩa khủng bố?

Ngay cả khi mong mỏi quan trọng nhất của Mỹ là đưa phiến quân Taliban đến bàn đàm phán nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc chiến ở Afghanistan, mục tiêu này xem ra cũng bất khả thi. Taliban vẫn đang nắm ưu thế trên chiến trường. Liệu có một “miếng bánh” nào đủ sức hấp dẫn để nhóm này chịu đến phòng hội đàm và chấp nhận thỏa hiệp?

Còn nếu tiếp tục rầm rộ đưa quân đến Afghanistan và quyết tâm triệt hạ Taliban, Al Qaeda và IS bằng những cuộc không kích, một “chiến thắng” dành cho nước Mỹ cũng sẽ chẳng dễ dàng. Thực tế những gì diễn ra ở Afghanistan gần 2 thập kỷ qua chứng minh rằng, chẳng phải lúc nào mọi việc cũng có thể kết thúc đơn giản bằng sức mạnh.

Chiến lược mới của Tổng thống Mỹ vì thế được đánh giá là chưa thể giúp thay đổi đáng kể tình hình tại Afghanistan trong một sớm một chiều. Có chăng, cách tiếp cận mà ông Donald Trump đưa ra sẽ chỉ giải quyết được những vấn đề trước mắt là giúp quân Chính phủ Afghanistan chiếm ưu thế trên chiến trường, ít ra trong vài năm tới, và tạm thời dẹp bớt những cuộc tranh cãi bên trong Nhà Trắng.

VŨ HÙNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/chien-luoc-moi-trong-su-hoai-nghi-515995