Chiến lược nào cho ngành cơ khí? (Kỳ 1)

Cơ khí được coi là ngành công nghiệp 'xương sống' của nền kinh tế, nền tảng cung cấp công cụ, tư liệu sản xuất cũng như tạo năng suất cho hầu hết các lĩnh vực từ sản xuất đến tiêu dùng. Tuy dư địa phát triển hằng năm khá dồi dào, song doanh nghiệp (DN) ngành cơ khí Việt Nam chưa đạt tới đúng tầm, thậm chí ngày càng tụt hậu.

Gia công các chi tiết cơ khí tại Công ty TNHH Công nghiệp Trí Cường (Cụm công nghiệp ô-tô Nguyên Khê, huyện Đông Anh, Hà Nội).

Tại các quốc gia phát triển trên thế giới, ngành cơ khí đóng vai trò chủ đạo, trung tâm của nền kinh tế. Do đó, cần nhận thức đúng vai trò, tầm ảnh hưởng của ngành để có chiến lược và bước đi phù hợp, từ đó mới có thể hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bài 1: Bỏ ngỏ thị trường

Theo tính toán của các chuyên gia, tổng nhu cầu về máy móc thiết bị của nước ta từ nay đến năm 2030 ước tính trị giá khoảng 350 tỷ USD, đó là chưa kể thị trường công nghiệp hỗ trợ, nếu đủ khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, dư địa phát triển còn lớn hơn nhiều. Vấn đề là DN cơ khí Việt Nam có thể chiếm được mấy phần của “miếng bánh” này khi khả năng tiếp cận thị trường còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc, thậm chí bị lép vế ngay trên sân nhà.

Những “giấc mơ” dang dở

Theo Quy hoạch điện VII, từ năm 2012 đến năm 2030, nước ta sẽ có khoảng 40 nhà máy nhiệt điện than công suất 1.200 MW được xây dựng với giá trị thiết bị và xây lắp khoảng 64 tỷ USD. Nhằm thực hiện chủ trương nội địa hóa các dự án nhiệt điện chạy than, ngày 29-11-2012, Chính phủ ban hành Quyết định 1791/QĐ-TTg, nội địa hóa 11 hạng mục trong nhà máy nhiệt điện cũng như thí điểm thực hiện tại ba dự án nhiệt điện Sông Hậu 1, Quảng Trạch 1 và Quỳnh Lập 1. Theo đó, có cơ chế tạo điều kiện hỗ trợ các DN cơ khí trong nước từng bước nâng cao năng lực, tiến tới làm chủ công nghệ thiết kế và chế tạo thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp cơ khí trong nước.

Về phần mình, các DN cơ khí cũng chủ động, tích cực nâng cao năng lực để tham gia vào các gói nội địa hóa. Cụ thể, Viện Nghiên cứu Cơ khí (NARIME) đã nội địa hóa thành công hệ thống lọc bụi tĩnh điện cho dự án nhiệt điện Vũng Áng 1; 55% thiết bị thải tro xỉ, 75% thiết bị lọc bụi cho nhiệt điện Thái Bình 1; Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 2 (EVN PECC2) cung ứng hệ thống cung cấp than, lọc bụi tĩnh điện cho dự án Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng; Tổng thầu EPC dự án nhiệt điện Sông Hậu 1 là Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) với hệ thống nước làm mát tuần hoàn, ống khói,…

Các thiết bị do DN Việt Nam thiết kế và chế tạo đều đạt chất lượng tương đương hàng nhập khẩu, giá lại cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, “giấc mơ” tiếp tục nâng cao tỷ lệ nội địa hóa tại các dự án nhiệt điện đang có nguy cơ dang dở khi hai dự án thí điểm còn lại theo Quyết định 1791/QĐ-TTg là Quảng Trạch 1 được dự kiến đấu thầu quốc tế và Quỳnh Lập 1 có thể chuyển chủ đầu tư từ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) sang cho Geleximco (vốn nước ngoài). Điều này đồng nghĩa DN trong nước sẽ rất khó chen chân vào các gói thầu của dự án, do đó khả năng nội địa hóa thiết bị các dự án này không thực hiện được.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam (VAMI) Nguyễn Chỉ Sáng chia sẻ, có cơ chế để được tham gia nội địa hóa các nhà máy nhiệt điện là cơ hội “vàng” đối với các DN cơ khí Việt Nam vì ngoài tạo việc làm, DN trong nước còn có cơ hội học hỏi, nghiên cứu và thử nghiệm những công nghệ mới, từ đó nâng cao năng lực và sức cạnh tranh. Về phía Nhà nước, việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cũng giúp tiết giảm đáng kể suất đầu tư cho các dự án. Kinh nghiệm cho thấy bất cứ hạng mục nào DN Việt Nam làm được, có cạnh tranh là giá đấu thầu sẽ giảm đáng kể. Đơn cử, khi NARIME chế tạo thành công hệ thống lọc bụi tĩnh điện cho nhà máy nhiệt điện, các DN nước ngoài khi chào giá hệ thống này tại những dự án tiếp theo đã tự động giảm xuống, thậm chí có trường hợp giảm chỉ còn 70% so trước đó. Hay dự án nhiệt điện Vũng Áng 1 do LILAMA làm Tổng thầu EPC có giá trị 1,2 tỷ USD, rẻ hơn khoảng 200 triệu USD so với các nhà máy công suất tương đương do nhà thầu nước ngoài thi công, đồng thời vẫn bảo đảm chất lượng theo yêu cầu của chủ đầu tư...

Một số chuyên gia kinh tế cảnh báo, thời gian vừa qua, khi thực hiện đấu thầu quốc tế các nhà máy nhiệt điện, nhiều đơn vị đã rút ra được không ít bài học, kinh nghiệm xương máu. Thí dụ, khi đấu thầu nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh, nhà thầu Điện khí Thượng Hải (Trung Quốc) đã trúng thầu bằng giá rẻ. Tuy nhiên, thực tiễn chứng minh, sau 5 đến 7 năm hoạt động, nhiều hệ thống thiết bị “lõi” phải liên tục duy tu, bảo dưỡng, trong khi đó cùng hệ thống này, tại các nhà máy nhiệt điện khác thường hoạt động tốt trong khoảng 20 năm. Như vậy, làm bài toán tổng thể, tính cả vòng đời dự án thì đấu thầu giá rẻ chưa chắc đã hiệu quả hơn chỉ định thầu trong nước. Hơn nữa, những thiết bị này đã được nội địa hóa thành công, việc đấu thầu vừa làm mất cơ hội, đồng thời cũng là nguyên nhân khiến DN trong nước “thua” ngay trên sân nhà.

Một giấc mơ dang dở khác là ngành công nghiệp đóng tàu. Nước ta có bờ biển dài, tài nguyên biển hết sức phong phú, đa dạng, nhưng thực tế kinh tế biển chưa đóng góp nhiều vào phát triển kinh tế chung, chưa xây dựng được một đội tàu hùng mạnh. Phải khẳng định rằng, để phát triển hiệu quả và bền vững kinh tế biển, chỉ có cách tự lực đóng tàu, không thể mượn, thuê hay mua tàu được. Tổng Giám đốc Nhà máy đóng tàu Dung Quất (DQS) Phan Tử Giang cho biết, theo kế hoạch ban đầu, DQS được đầu tư để trở thành nhà máy “đầu tàu”, trung tâm kết nối tất cả các nhà máy đóng tàu trên khắp cả nước. Đây chính là nơi chuyên đóng những gam tàu lớn nhất, các nhà máy nhỏ khác thực hiện đóng phân đoạn, sau đó chuyển về DQS để lắp ráp tổng thành. Do đó, DQS đã được đầu tư rất bài bản và quy mô với năng lực đóng mới tàu trọng tải đến 400 nghìn DWT. Tuy nhiên, vì nhiều lý do cả khách quan và chủ quan, quá trình đầu tư cho DQS trở nên dang dở, mới xây xong ụ, nhưng chưa xây cầu tàu. “Điều này khiến hiệu quả đầu tư, sản xuất kinh doanh thấp. Cả nhà máy như người có tim mà không có phổi, sức khỏe vì thế cứ yếu dần”, Tổng Giám đốc Phan Tử Giang chia sẻ.

Thị trường ngách và DN “đầu tàu”

Từ một nhà xưởng nhỏ bé tại Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh, Hà Nội) bắt đầu hoạt động năm 2012, đến nay, lãnh đạo Công ty HTMP Việt Nam đã trù tính đầu tư xây dựng khu nhà xưởng thứ ba, dự kiến rộng ít nhất 20 nghìn m2 nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường. Với sản phẩm chủ lực là các khuôn mẫu, linh kiện nhựa hoặc nhôm, HTMP hiện là nhà cung cấp cho nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như Canon, Panasonic, Samsung hay BMW,…

Với quy mô sản xuất khoảng 60 triệu sản phẩm, doanh thu năm 2017 của HTMP đạt khoảng 600 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng hằng năm từ 10 đến 20%. Khảo sát tại Công ty TNHH Công nghiệp Trí Cường, chuyên thiết kế và chế tạo máy tự động phục vụ lĩnh vực công nghiệp ô-tô và điện tử, đóng tại cụm công nghiệp ô-tô Nguyên Khê (huyện Đông Anh, Hà Nội), chúng tôi được Chủ tịch HĐTV Lê Thanh Thủy giới thiệu một trong những sản phẩm chủ lực của công ty là các máy cấp phôi và lắp ráp tự động. Đội ngũ kỹ sư của Trí Cường đã thiết kế, chế tạo và cung cấp cho một DN nước ngoài loại máy có chức năng tự động cấp, lắp ráp và kiểm tra các chi tiết trong giắc nối điện ô-tô. Với 16 vị trí trên mâm chia độ, khi mâm quay hết một vòng, sẽ lắp ráp hoàn thiện một sản phẩm trong 1,4 giây. Sản phẩm đã xuất khẩu đi nhiều quốc gia và có thể ứng dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp chế tạo khác.

Có thể nói, đây là hai DN khá điển hình của ngành cơ khí, đã thành công do biết len vào “thị trường ngách”. Còn lại, nhiều DN trong ngành, kể cả một số đơn vị có tầm vóc và quy mô lớn, chỉ như những “con hổ giấy”, chủ yếu là gia công, lắp ráp đơn thuần, hớt được phần ngọn, không đủ năng lực tham gia phần “lõi” công nghệ có giá trị gia tăng cao. Theo nhận định của nguyên Chủ tịch VAMI Nguyễn Văn Thụ, “miếng bánh” thị trường cơ khí rất lớn, song các DN trong nước phải gắng gỏi lắm mới đủ sức tham gia làm thầu lắp đặt thiết bị tại một số dự án lớn. Việc Nhà nước mạnh dạn giao cho các DN lớn trong nước làm tổng thầu EPC đã đạt được nhiều thành công. Có thể kể đến hai dự án thủy điện Sơn La và Lai Châu, các nhà thầu trong nước đã thi công vượt tiến độ, đem lại lợi ích hàng chục nghìn tỷ đồng. Hay thành công tại dự án nhiệt điện Vũng Áng 1 do LILAMA làm Tổng thầu EPC, đã hình thành một đội ngũ kỹ sư, công nhân làm nhiệt điện chuyên nghiệp. Về lâu dài, đội ngũ này có thể tham gia nhiều dự án thuộc lĩnh vực khác như chế tạo thiết bị đồng bộ, đường sắt, tàu điện ngầm,...

Ở góc độ khác, một hướng đi tỏ ra có hiệu quả là hình thành “đầu tàu” thu hút các vệ tinh chung quanh, nhằm hạn chế phân tán nguồn lực, làm bệ đỡ, hỗ trợ các DN trong ngành cùng nhau phát triển. Đó là Khu công nghiệp cơ khí ô-tô (còn gọi là Khu phức hợp Chu Lai) của Công ty ô-tô Trường Hải (THACO). Được xây dựng trong Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam), quy mô diện tích lên tới 650 ha, khu phức hợp gồm sáu nhà máy sản xuất lắp ráp ô-tô, 14 nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng với các dây chuyền thiết bị hiện đại được chuyển giao từ các đối tác châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Giám đốc Khối Công nghiệp hỗ trợ Đoàn Đạt Ninh cho biết, đây là nhà máy sản xuất xe Mazda hiện đại nhất Đông - Nam Á, được chuyển giao công nghệ mới từ Mazda Nhật Bản, đáp ứng yêu cầu chất lượng, tiết kiệm nhiên liệu, sử dụng năng lượng điện và thân thiện môi trường. Nhà máy có các dây chuyền, thiết bị công nghệ hiện đại, dây chuyền lắp ráp 80% tự động hóa;…

Đặc biệt, nhà máy áp dụng hệ thống điều hành sản xuất trên nền tảng số hóa, kết nối các dây chuyền sản xuất tự động toàn nhà máy với thông tin xuyên suốt chuỗi giá trị, từ đặt hàng đến giao hàng theo yêu cầu riêng biệt từng khách hàng, đúng tinh thần của cách mạng công nghiệp 4.0.

Có thể thấy, nếu được tạo điều kiện, với cơ chế khuyến khích hợp lý và đầu tư bài bản, từ các DN nhỏ chen chân được vào thị trường “ngách” như HTMP, Trí Cường, hay những DN “đầu tàu” như THACO, LILAMA nêu trên sẽ từng bước tạo dựng được vai trò, vị thế cũng như định hình lại cách thức phát triển của ngành cơ khí theo hướng chuyên môn hóa cao hơn, hạn chế phân tán nguồn lực, bảo đảm ổn định sản xuất.

(Còn nữa)

Theo ước tính, từ nay đến năm 2030, tổng nhu cầu về máy móc, thiết bị trong nước có giá trị lên tới khoảng 350 tỷ USD. Cụ thể, ngành công nghiệp thiết bị đồng bộ là 8 đến 10 tỷ USD/năm; công nghiệp ô-tô: 18 tỷ USD/năm; máy nông nghiệp, máy canh tác, máy chế biến sau thu hoạch: ba tỷ USD/năm; ngành khai thác và chế biến khoáng sản: ba tỷ USD/năm; ngành đường sắt: 30 tỷ USD; hệ thống tàu điện ngầm: 20 tỷ USD; thiết bị công nghiệp tiêu chuẩn: hai tỷ USD/năm,... Nguyễn Chỉ Sáng

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VAMI

Bài, ảnh: XUÂN THỦY và VIỆT HẢI

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/38174202-chien-luoc-nao-cho-nganh-co-khi.html