Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia: 'Còn hơi thòm thèm...'

Để phát triển bền vững, đã đến lúc chúng ta phải tiệm cận và có quan điểm phát triển ngành năng lượng quốc gia một cách có hệ thống...

Đó là quan điểm của TS Nguyễn Thành Sơn - nguyên Giám đốc BQL các dự án than Đồng bằng sông Hồng - Vinacomin xung quanh nội dung Nghị quyết 55 của Bộ chính trị về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia.

TS Nguyễn Thành Sơn - Giám đốc BQL các dự án than Đồng bằng sông Hồng - Vinacomin

TS Nguyễn Thành Sơn - Giám đốc BQL các dự án than Đồng bằng sông Hồng - Vinacomin

PV:- Đánh giá tóm tắt của ông về tinh thần Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ chính trị về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045?

TS Nguyễn Thành Sơn:- Trước hết, Nghị quyết 55 của BCT được soạn thảo rất bài bản, có cơ sở khoa học và thực tiễn. Tinh thần hay nội dung xuyên suốt của Nghị quyết là: phát triển HIỆU QUẢ và BỀN VỮNG ngành năng lượng của Việt Nam trên cơ sở CẠNH TRANH và MINH BẠCH. Có thể nói, đây là 8 chữ vàng trong phát triển ngành năng lượng. Nó bao hàm cả mục tiêu và giải pháp phát triển.

PV:- Tại sao lại nói ngành năng lượng của chúng ta cần phải phát triển “hiệu quả” thưa ông?

TS Nguyễn Thành Sơn:- Cần phải nhấn mạnh rằng, về mặt hiệu quả, trong lĩnh vực năng lượng có lẽ Việt Nam chưa có cơ hội để đứng trong các quốc gia “top 100” trên thế giới cả trong sản xuất năng lượng và trong tiêu dùng năng lượng. Trong lĩnh vực sản xuất năng lượng, ngoại trừ các nhà máy thủy điện, hiệu suất chuyển đổi năng lượng từ nhiệt năng sang điện năng ở Việt Nam còn quá thấp, chỉ bằng 70-75% mức bình quân của thế giới.

Đặc biệt, trong lĩnh vực sử dụng năng lượng, mức tiêu hao năng lượng (điện, than, xăng, dầu) trong các ngành kinh tế và trong khu vực dân cư còn quá cao và rất lãng phí. Hiện nay, ở VN, sử dụng 1kWh điện chúng ta chỉ làm ra được 1,25 USD giá trị GDP, trong khi mức bình quân của thế giới là hơn 3USD. Để tăng trưởng 1% GDP/năm, nền kinh tế VN đòi hỏi ngành điện phải tăng trưởng 1,5%/năm. Hay nói cách khác, hệ số đàn hồi về điện năng của VN bằng 1,5>1. Trong khi ở các nước có nền công nghiệp tiên tiến, hệ số này thấp hơn <1.

PV:- Tinh thần Nghị quyết 55 là phát triển ngành năng lượng “bền vững”, cần phải hiểu như thế nào thưa ông?

TS Nguyễn Thành Sơn:- Để phát triển bền vững, đã đến lúc chúng ta phải tiệm cận và có quan điểm phát triển ngành năng lượng quốc gia một cách có hệ thống:

Thứ nhất, cơ cấu (hay cấu trúc) của ngành năng lượng phải tối ưu. Đó là cơ cấu giữa các nguồn năng lượng sơ cấp và nguồn năng lượng thứ cấp, giữa nguồn năng lượng hóa thạch (có hạn) với nguồn năng lượng tái tạo (vô hạn), giữa sản xuất năng lượng với vận chuyển/chế biến/truyền tải năng lượng và sử dụng năng lượng v.v.

Thứ hai, ngành năng lượng Việt Nam cần được phát triển hài hòa theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Việc khai thác các nguồn năng lượng (than, dầu mỏ, khí thiên nhiên) phải cân đối với việc chế biến năng lượng để nâng cao giá trị sử dụng của các vật mang năng lượng.

Thứ ba, ngành năng lượng cần được phát triển dựa trên nhiều nguồn lực khác nhau. Ví dụ, về vốn, ngoài vốn ngân sách, cần huy động nhiều hơn vốn ngoài ngân sách, về nguồn, ngoài việc khai thác các nguồn năng lượng trong nước, cần tham gia khai thác và/hoặc nhập khẩu các nguồn năng lượng (điện, thủy điện, than, dầu mỏ) từ các nước khác trong khu vực và trên thế giới.

Thứ tư, ngành năng lượng cần được phát triển bởi nhiều thành phần kinh tế (nhà nước, tập thể, tư nhân trong nước, tư nhân ngoài nước v.v.).

PV:- Việc xóa bỏ mọi “độc quyền” trong lĩnh vực năng lượng được nhấn mạnh trong Nghị quyết và vấn đề “an ninh năng lượng quốc gia” làm sao để hài hòa, không xung đột, thưa ông?

TS Nguyễn Thành Sơn:- Đây là câu hỏi hay. Rất nhiều người còn băn khoăn về vấn đề này. Tôi xin trả lời thẳng: để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, trước hết cần xóa bỏ độc quyền về năng lượng. Thực tế các năm gần đây cho thấy, nếu Việt Nam đã không xóa bỏ độc quyền của TKV về kinh doanh than, thì nền kinh tế Việt Nam đã phải đối mặt với việc khủng hoảng năng lượng (do thiếu than cho phát điện và không có than cho các ngành công nghiệp khác). Chính việc “độc quyền” trong khai thác than đã làm cho ngành than ngày càng tụt hậu, sản lượng than bắt đầu giảm, chi phí khai thác than đang tăng lên.

Về an ninh năng lượng quốc gia, từ trước đến nay chúng ta đã tiệm cận và tư duy theo lối mòn cũ và bị ám ảnh từ thời bị cấm vận. Trong khi nguồn cung cấp năng lượng trong nước có hạn, hiện nay, chúng ta đã có đủ điều kiện quốc tế (WTO, CPTPP, EVFTA, EVIPA, v.v) để đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng. Trong đó có chủ trương (như đã được nêu trong nghị quyết) khuyến khích đầu tư để khai thác các nguồn năng lượng ở nước ngoài để nhập khẩu về VN. Đó là cách tư duy tích cực trong vấn đề an ninh năng lượng.

PV:- Ông đánh giá như thế nào về vai trò của tư nhân trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của VN?

TS Nguyễn Thành Sơn:- Nếu ngắn gọn, có thể đánh giá bằng 2 câu “rất đáng kể” và “rất hiệu quả”. Còn để minh họa, tôi có thể lấy những ví dụ sau:

Trong lĩnh vực “nóng nhất” hiện nay là phát triển nguồn điện: Chỉ riêng 18 dự án BOT về nhiệt điện của tư nhân đã được đăng ký có tổng mức đầu tư gần 900.000 tỷ đồng. Để so sánh, số vốn này còn lớn hơn tổng tài sản của EVN tích lũy trong hơn 65 năm vừa qua. Trong số các dự án PPP đã được đăng ký ở VN, các dự án thuộc lĩnh vực điện chiếm hơn 50%.

Trong lĩnh vực “mới nhất” hiện nay là nhập khẩu than: Nếu so sánh cùng mặt bằng, trên thị trường than, than nhập khẩu về Việt Nam của tư nhân có giá thấp hơn than sản xuất trong nước của TKV và Đông Bắc khoảng 30%. Nếu thực hiên đúng tinh thần của Nghị quyết về xóa bỏ độc quyền, cạnh tranh và minh bạch trong đấu thầu cấp than cho nhiệt điện thì cả hai doanh nghiệp nhà nước (TKV và Đông Bắc) sẽ phải thay đổi tư duy quản lý, đầu tư công nghệ tiên tiến mới có khả năng cạnh tranh về giá.

PV:- Nếu đánh giá tổng thể, thành phần kinh tế tư nhân có thế mạnh hay ưu điểm gì trong lĩnh vực phát triển ngành năng lượng?

TS Nguyễn Thành Sơn:- Trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, thế mạnh lớn nhất của các doanh nghiệp tư nhân (mà nhà nước cần khai thác triệt để) là tạo ra sự canh tranh cần thiết.

Còn ưu điểm lớn nhất của các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân trong nước, không phải là “huy động vốn” (vì họ vẫn khó huy động hơn so với các doanh nghiệp nhà nước), mà là “quản lý vốn” (họ quản lý tốt hơn), và “sử dụng vốn” (họ sử dụng hiệu quả hơn nhiều).

Ngoài ra, các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân nước ngoài, có ưu điểm vượt trội trọng vấn đề chuyển giao và áp dụng công nghệ mới.

Cần phải tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng ít tiêu dùng năng lượng. Ảnh: Petrovietnam

PV:- Nhưng để khuyến khích được sự tham gia của tư nhân thì cần phải có điều kiện gì thưa ông?

TS Nguyễn Thành Sơn:- Trước hết, đối với tư nhân, đặc biệt là tư nhân nước ngoài, rào cản lớn nhất cần tháo gỡ và có thể tháo gỡ sớm là sự “độc quyền” của các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực năng lượng.

Tiếp theo, cần phải minh bạch, bao gồm: minh bạch trong đấu thầu dự án (đặc biệt là các dự án năng lượng có giá bán sản phẩm đắt như điện mặt trời, điện gió), minh bạch trong cấp phép (xóa bỏ mọi thông tư hướng dẫn về điều kiện cấp phép để chuyển sang hậu kiểm trong phát triển các dự án năng lượng), minh bạch trong quản lý (đặc biệt là minh bạch về giá sản phẩm năng lượng của các doanh nghiệp nhà nước lớn có ảnh hưởng đến thị trường năng lượng như PVN, EVN, TKV).

PV:- Tâm đắc nhất của ông là những nội dung nào trong Nghị quyết?

TS Nguyễn Thành Sơn:- Tôi rất tâm đắc với 3 nội dung rất đúng, rất trúng và rất kịp thời được nêu trong Nghị quyết. Cụ thể:

+ trong phần “Quan điểm chỉ đạo” có câu: “nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng” là rất đúng;

+ trong phần “Mục tiêu tổng quát” có câu: “triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng” là rất trúng; và,

+ trong phần “giải pháp” có câu: “Đẩy nhanh lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh, cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng tiêu thụ, cơ chế đấu thầu, đấu giá cung cấp năng lượng phù hợp, đặc biệt trong các dự án đầu tư năng lượng tái tạo, năng lượng mới; minh bạch giá mua bán điện” là rất kịp thời.

Tôi nghĩ, nên tổ chức nhiều cuộc hội thảo về 3 nội dung này vì tôi tin các nhà khoa học có thể đóng góp rất nhiều ý kiến sâu sắc về những vấn đề này.

PV:- Câu hỏi cuối cùng mang tính cá nhân, nếu được, xin ông cho biết ông sẽ nói thêm điều gì về chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam?

TS Nguyễn Thành Sơn:- Cá nhân tôi cảm thấy còn hơi “thòm thèm” về một vấn đề quan trọng và vĩ mô có liên quan đến chiến lược phát triển năng lượng quốc gia: cần phải tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng ít tiêu dùng năng lượng. Tôi xin nói rõ hơn vấn đề này:

Đầu tiên, chỉ số “được đảm bảo về năng lượng” (hay trữ lượng các nguồn năng lượng tính theo đầu người) của Việt Nam hiện thấp hơn nhiều so với mức bình quân của thế giới. Ví dụ: về than, hiện nay mức đảm bảo bình quân của thế giới là 250÷300 năm, còn của VN, tối đa 25÷30 năm; về dầu mỏ và khí đốt mức đảm bảo bình quân của thế giới lần lươt là 40÷50 năm và 50÷100 năm, còn của Việt Nam chắc không quá 10 năm. Trong khi đó, nguồn thủy điện ở Việt Nam đã được khai thác gần hết. Tiềm năng về điện mặt trời không phải là vô hạn như chúng ta nghĩ, vì nó chiếm rất nhiều đất (cái mà chúng ta có ít), còn tiềm năng của điện gió cũng chỉ ở mức trung bình vì tốc độ gió bình quân trong năm ở Việt Nam không cao (được đánh giá khoảng 6-7m/s);

Tiếp theo, Việt Nam đang phát triển quá mức cần thiết (và không hiệu quả) nhiều ngành công nghiệp vốn tiêu hao nhiều năng lượng, như: luyện thép, luyện nhôm, phân bón, vật liệu xây dựng, đặc biệt là xi măng. Hiện nay, Việt Nam đã là quốc gia “nhập khẩu thuần” về năng lượng, nhưng lại đang xuất khẩu tới 30% sản lượng clinker là điều khó chấp nhận được.

PV:- Xin chân thành cám ơn ông!

Vũ Thành

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/chien-luoc-phat-trien-nang-luong-quoc-gia-con-hoi-thom-them-3397562/