Chiến lược phát triển văn hóa Đồng Nai

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, con người Đồng Nai phát triển toàn diện; bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, văn học nghệ thuật; đẩy mạnh chuyển đổi số, giao lưu văn hóa… là những kết quả đạt được trong thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh năm 2023.

Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai ứng dụng công nghệ vào biểu diễn, góp phần quảng bá, lan tỏa giá trị văn hóa đến công chúng. Ảnh: L.NA

Chiến lược phát triển văn hóa đã và đang phát huy vai trò văn hóa là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, là động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Gắn với nhiệm vụ của đơn vị, địa phương

Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa, trong năm 2023, Sở VH-TTDL đã quan tâm đầu tư, hoàn thiện, đồng bộ các thiết chế văn hóa; thực hiện các cơ chế, chính sách, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm phát huy mọi nguồn lực phát triển văn hóa, đạt nhiều kết quả quan trọng. Toàn tỉnh hiện có 100% thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện, xã và 99,3% nhà văn hóa - khu thể thao ấp, khu phố hoạt động hiệu quả.

Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc được chú trọng, từ văn hóa vật thể đến phi vật thể. Đã có hàng chục di tích được tu bổ, tôn tạo, bảo quản, phục hồi sơn son thiếp vàng hoành phi, liễn đối, bảng chữ thờ. Sau lễ hội chùa Ông được Bộ VH-TTDL ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Sở đã xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với lễ hội Sayangva của người Chơro.

Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa, trong năm 2023, Đồng Nai đã bố trí nguồn vốn đầu tư nhiều công trình, dự án thuộc lĩnh vực văn hóa, tiêu biểu như: dự án Đầu tư xây dựng mới hội trường biểu diễn kết hợp khối 8 phòng học đạt tiêu chuẩn Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai với kinh phí 12 tỷ đồng; Làng Văn hóa đồng bào Chơro xã Bảo Vinh (TP.Long Khánh) với kinh phí 12 tỷ đồng; Sửa chữa, cải tạo sân vận động tỉnh với kinh phí 4,5 tỷ đồng…

Theo Sở VH-TTDL, trong năm 2024, Sở tiếp tục lập 2 hồ sơ đề nghị Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với lễ hội đình Nguyễn Hữu Cảnh (P.Hiệp Hòa) và lễ hội cầu an, cầu siêu của cộng đồng người Hoa tại miếu Tổ Sư (P.Bửu Long). Đây là những hồ sơ quan trọng để Đồng Nai tiến tới lập thành tích chào mừng kỷ niệm 330 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai vào năm 2028.

Việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa được các địa phương trong tỉnh quan tâm. Anh Phạm Văn Đức, cán bộ Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao H.Long Thành cho hay, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, địa phương đã có cách làm hay, sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật. Qua đó giáo dục giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

“Cuối năm 2023, H.Long Thành đã tổ chức ghi hình, công diễn, giới thiệu đến công chúng 3 ca khúc tham gia giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gồm: Long Thành tôi yêu, Nhớ mẹ và Mùa đông năm ấy. Các ca khúc thể hiện lý tưởng, khát vọng của thanh niên Việt Nam…, thu hút đông đảo nhân dân trên địa bàn tham gia” - anh Đức chia sẻ.

Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa

Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Hồng Ân cho biết: “Trong phát triển công nghiệp văn hóa, điện ảnh chưa phải là thế mạnh của Đồng Nai, bởi hệ thống trang thiết bị tại các rạp chiếu phim quốc doanh hiện nay chưa phát triển so với các rạp tư nhân. Tuy nhiên, Đồng Nai có lợi thế phát triển ở một số lĩnh vực như: nghệ thuật biểu diễn, du lịch di sản kết hợp ứng dụng công nghệ số”.

Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai ứng dụng công nghệ vào biểu diễn, góp phần quảng bá, lan tỏa giá trị văn hóa đến công chúng. Ảnh: LY NA

Để tăng tính trải nghiệm cho du khách và nâng cao hoạt động quảng bá du lịch, gắn kết bảo tồn, phát huy di sản, Đồng Nai đã xây dựng sản phẩm du lịch thực tế ảo công nghệ 3D tại Văn miếu Trấn Biên, Mộ cự thạch Hàng Gòn, Làng bưởi Tân Triều, Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, Công viên nước Vịnh Kỳ diệu… Riêng với hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, trong năm đã thực hiện 17 cuộc triển lãm trực tiếp và trực tuyến, phục vụ nhu cầu tham quan, thưởng lãm của nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Đối với lĩnh vực quảng cáo, các đơn vị kinh doanh quảng cáo trên địa bàn tỉnh tăng cường đầu tư các màn hình led hiện đại, đảm bảo hiệu quả trong hoạt động quảng cáo. Việc giải quyết hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo đảm bảo 100% hồ sơ giải quyết đúng quy định, trong đó có khoảng 99,4% hồ sơ giải quyết đúng và trước thời hạn. Trong năm qua, Sở VH-TTDL đã xử lý hơn 790 hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn, đoàn người thực hiện quảng cáo của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.

Để tiếp tục thực hiện Chiến lược văn hóa trên địa bàn tỉnh trong năm 2024, theo Sở VH-TTDL thời gian tới sẽ tiếp tục tuyên truyền Nghị quyết số 33-NQ/TW về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI về Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho sự phát triển toàn diện và bền vững.

Ly Na

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202402/chien-luoc-phat-trien-van-hoa-dong-nai-2bb51c5/