Chiến lược Quốc phòng Mỹ: Nga, Trung Quốc và hơn thế nữa

Thách thức từ Nga và Trung Quốc là trọng tâm, nhưng không phải là điểm đáng chú ý duy nhất trong Chiến lược Quốc phòng Mỹ mới được công bố.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Nguồn: AP)

Ngày 27/10, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố Chiến lược Quốc phòng Mỹ (NDS), Báo cáo cập nhật về tình hình bố trí vũ khí hạt nhân Mỹ (NPR) và Báo cáo về phòng thủ tên lửa (MDR).

Đây là lần đầu tiên Lầu Năm Góc công bố đồng loạt ba văn kiện chiến lược này. Đáng chú ý, chỉ gần hai tuần trước, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ cũng công bố Chiến lược An ninh quốc gia (NSS), thay thế cho Chỉ dẫn Chiến lược An ninh quốc gia tạm thời hồi tháng Ba vừa qua. Vậy hai tài liệu khác nhau như thế nào? Bản NDS đầu tiên của chính quyền Tổng thống Joe Biden có điểm gì đặc biệt?

Vừa giống, vừa khác

Đầu tiên, NSS liệt kê các ưu tiên về an ninh quốc gia và hướng giải quyết chung về đối ngoại, còn NDS diễn giải kỹ hơn các mối đe dọa đã nêu trong NSS, từ đó vạch ra chủ trương chính sách cho các lực lượng vũ trang Mỹ lên kế hoạch tác chiến, chiến lược, phân bổ lực lượng, xây dựng và hiện đại hóa quân đội…

Thêm vào đó, theo quy định của Quốc hội Mỹ, các bản NDS sẽ được công bố định kỳ 4 năm/lần. Kể từ khi được triển khai vào năm 1997, tiền thân của NDS, Báo cáo Quốc phòng 4 năm (QDR) đã trải qua 5 lần cập nhật (1997, 2001, 2006, 2010 và 2014). Khi QDR bị bãi bỏ vào năm 2018, NDS đã tiếp tục chu trình này.

Ngược lại, từ khi xuất hiện năm 1987, NSS chưa bao giờ là tài liệu định kỳ. Đặc biệt, kể từ năm 2000, văn bản chiến lược này có xu hướng xuất hiện vào nửa đầu nhiệm kỳ của mỗi đời Tổng thống Mỹ, cụ thể như năm 2002 và 2006 (đầu nhiệm kỳ I và đầu nhiệm kỳ II của ông George W. Bush), năm 2010 và năm 2015 (đầu nhiệm kỳ I và đầu nhiệm kỳ II của ông Barack Obama), năm 2018 (đầu nhiệm kỳ I của ông Donald Trump) và năm 2022 (đầu nhiệm kỳ của ông Joe Biden).

Như vậy, NDS phản ánh định hướng phát triển xuyên suốt của quân đội xứ cờ hoa, trong khi NSS lại thể hiện quan điểm, lập trường của từng chính quyền Mỹ.

Song việc NDS và NSS năm 2022 được công bố cách nhau chưa đầy nửa tháng phản ánh mối quan hệ chặt chẽ giữa công tác đối ngoại, an ninh và nền quốc phòng Mỹ dưới thời ông Joe Biden. Đồng thời, như thường lệ, nhiều vấn đề trong NSS đã xuất hiện trở lại ở NDS. Thách thức chiến lược, an ninh từ “đối thủ” Trung Quốc và Nga là một trong số đó.

Nga và Trung Quốc

Tương tự như NSS, NDS coi Trung Quốc là “đối thủ” lớn nhất với cụm từ “cạnh tranh chiến lược” và “dài hạn”. Trong khi đó, nguy cơ từ Nga mang tính “cấp thiết” hơn, phản ánh bản chất của môi trường đối đầu giữa hai nước. Đây là sự thay đổi rõ ràng so với bản NDS năm 2018, vốn coi Nga là thách thức hàng đầu.

Chuyên gia Catherine Sendak, người từng công tác tại Văn phòng Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, NSS đánh giá mối đe dọa từ Nga là đặc biệt nghiêm trọng và đòi hỏi cần hành động sớm để ngăn chặn, đặc biệt thông qua mạng lưới đồng minh và đối tác. Song theo bà, NDS vẫn cho rằng về bản chất, thách thức do Điện Kremlin tạo ra chỉ mang tính cục bộ và bất đối xứng.

Việc tập trung vào khía cạnh quân sự mà quên đi các quyết sách khác có tầm ảnh hưởng khu vực cũng như toàn cầu của Moscow có thể để lại hậu quả khôn lường.

Chuyên gia John K. Culver tại Trung tâm Trung Quốc toàn cầu (Mỹ) lại quan tâm cách Bắc Kinh diễn giải tài liệu quốc phòng từ Washington. Việc Lầu Năm Góc đặt trọng tâm vào các “chiến dịch” cho thấy quân đội Mỹ và đơn vị liên quan sẽ tích cực triển khai nhiều hoạt động quân sự để chiếm ưu thế trên thực địa. Điều này có thể khiến Bắc Kinh đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA), thậm chí khiến Trung Quốc quyết đoán hơn với Mỹ và đồng minh tại châu Á - Thái Bình Dương.

Đặc biệt, việc NDS đề cập nỗ lực hỗ trợ và hiệp đồng tác chiến chung với đồng minh, đối tác có thể khiến vấn đề Đài Loan thêm căng thẳng.

Thích ứng và bảo toàn vị thế

Tuy nhiên, điểm trọng tâm đối với các chuyên gia, quân sự và giới quan sát trong bản NDS lần này lại đến từ cụm từ “răn đe kết hợp” (integrated deterrence). Theo đó, song song với sức mạnh quân sự, Washington sẽ sử dụng cả áp lực chính trị, kinh tế và mạng lưới đồng minh để ngăn chặn nguy cơ quân sự với Mỹ.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu Leah Scheunemann, cựu Trợ lý đặc biệt cho Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ về chính sách, nhận định “răn đe kết hợp” là khái niệm tương đối phức tạp và NDS năm 2022 đã đề cập chi tiết hơn đến vấn đề này, thay vì chỉ nêu cụm từ “răn đe” đơn thuần như trong bản NDS năm 2018.

Trên góc độ “răn đe kết hợp” về các mối đe dọa hiện nay, không khó để hiểu tại sao NDS đã “hạ cấp” Nga, từ “cạnh tranh nước lớn” xuống “nguy cơ cấp thiết”.

Một câu chuyện khác được giới chuyên gia quan tâm là sự trở lại của cụm từ “chống tiếp cận/chống xâm nhập” (A2/AD). Theo nhà nghiên cứu Leah Scheunemann, trong bối cảnh Nga và Trung Quốc dùng A2/AD để hạ thấp lợi thế của Mỹ về vũ khí quy ước, lực lượng hạt nhân hay mạng lưới đồng minh, Lầu Năm góc sẽ tập trung phát triển vũ khí “xuyên thủng hệ thống phòng ngự từ xa”.

Đồng thời, NDS năm 2022 kiến nghị tăng cường nghiên cứu và phát triển các công nghệ quân sự mới như tên lửa vượt siêu âm, không gian mạng, trí tuệ nhân tạo và vũ khí năng lượng định hướng. Tài liệu này khẳng định Mỹ sẽ “đưa thêm yếu tố biến đổi khí hậu” vào đánh giá các mối đe dọa và tính đến khả năng chống chịu của các thiết bị quân sự trước “các hiện tượng thời tiết cực đoan” trong các quy định về huấn luyện, trang bị và tác chiến của các lực lượng vũ trang. Đây cũng là thay đổi thú vị so với bản NDS năm 2018 thời ông Donald Trump.

Cuối cùng, bản NPR năm 2022 không nhắc tới các lực lượng tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân phóng từ biển (SLCM-N). Trước đó, bản NPR năm 2018 từng coi đây là “sự hiện diện phi chiến lược cần thiết tại khu vực” và “năng lực phản ứng đáng tin cậy” trước tấn công hạt nhân giới hạn. Theo chuyên gia Alyxandra Marine tại Trung tâm Scowcroft (Mỹ), năm 2022, nếu NDS được “định hình” quanh Trung Quốc thì NPR để đối phó Nga.

Tài liệu về chiến lược hạt nhân của Mỹ một lần nữa cho thấy Lầu Năm Góc mong muốn tránh sử dụng vũ khí hạt nhân bằng mọi giá, song vẫn có thể ngăn chặn tối đa các tấn công hạt nhân từ đối thủ với vũ khí quy ước đã triển khai.

Có thể nói, bản NDS năm 2022 đã ít nhiều phác họa môi trường chiến lược biến động phức tạp, cũng như nỗ lực của Lầu Năm Góc nhằm thích ứng trước những thay đổi này để bảo toàn vị thế cường quốc quân sự của nước Mỹ trên thế giới.

Phan Quân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chien-luoc-quoc-phong-my-nga-trung-quoc-va-hon-the-nua-204466.html