Chiến lược 'rắn' của ông Trump viết tiếp lịch sử đối đầu Trung-Mỹ

Sau bốn thập kỷ bình thường hóa quan hệ, một lần nữa Trung Quốc phải đối mặt với một chính quyền Mỹ cứng rắn có thể cản bước tham vọng toàn cầu của mình.

Tổng thống Trump chỉ đích danh Trung Quốc là đối thủ của nước Mỹ.

Tổng thống Trump chỉ đích danh Trung Quốc là đối thủ của nước Mỹ.

Chiến lược thách thức Trung Quốc

Chiến lược an ninh quốc gia mới của Tổng thống Donald Trump được công bố hôm 18/12 mang quan điểm về cách tiếp cận thế giới của Mỹ đã một lần nữa làm dậy sóng chính trường quốc tế.

Tiếp tục cho thấy sự thẳng thắn của mình, ông Trump buông lời chỉ trích Trung Quốc và không ngại ngần chỉ đích danh quốc gia châu Á là đối thủ chính của mình trong kỷ nguyên hiện tại.

Chiến lược an ninh quốc gia của chính quyền ông Donald Trump mô tả "Trung Quốc và Nga thách thức sức mạnh, sự ảnh hưởng cùng các lợi ích của Mỹ, có ý đồ làm xói mòn an ninh và sự thịnh vượng của Mỹ".

Bản chiến lược dài 68 trang của chính quyền Trump cho rằng Trung Quốc đang làm cho nền kinh tế toàn cầu trở nên ít tự do, ít công bằng hơn và mở rộng ảnh hưởng bằng nhiều công cụ khác nhau, trong đó có sức mạnh quân sự. Bắc Kinh đã sử dụng các công cụ bằng cả lợi ích lẫn răn đe và hình phạt, ép buộc các quốc gia khác phải đi theo chương trình nghị sự chính trị và an ninh của mình.

"Trái ngược với hy vọng của chúng ta, Trung Quốc tăng cường sức mạnh, ảnh hưởng đến chủ quyền các nước khác”, nhà lãnh đạo Mỹ chỉ ra.

Tổng thống Trump cam kết sẽ tăng cường sức mạnh để đáp ứng lại các thách thức trên từ Trung Quốc, bất chấp việc chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 11 năm nay đã cho thấy mối quan hệ của nhà lãnh đạo này với ông Tập Cận Bình ngày càng nồng ấm hơn.

Trong phát biểu gay gắt sau đó, Trung Quốc chỉ trích chiến lược an ninh quốc gia mà Tổng thống Donald Trump mới công bố và cho rằng, Washington nên "từ bỏ những khái niệm đã lỗi thời như tâm lý Chiến tranh Lạnh và kiểu trò chơi tổng bằng 0”, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói.

Trung Quốc gọi bản chiến lược mới của Mỹ là "tâm lý Chiến tranh Lạnh" lỗi thời.

"Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và quyền phát triển của mình", bà nói thêm, đồng thời cảnh báo “bất cứ quốc gia nào, hay bất cứ bản báo cáo nào, bóp méo sự thật hoặc có ác ý bôi nhọ, đều chỉ làm điều đó một cách vô ích và tự làm hại bản thân mình”.

Zhang Baohui, một Giáo sư khoa học chính trị tại đại học Lĩnh Nam (Hồng Kông), cho biết, tài liệu trên cho thấy quan hệ hợp tác Trump-Tập mà Bắc Kinh cố gắng vun đắp “đã chết”.

"Trung Quốc đã đầu tư vốn ngoại giao lớn trong việc đảm bảo mối quan hệ đó", Zhang nhắc về màn đón tiếp "chưa từng có" đối với Tổng thống Trump trong chuyến thăm Bắc Kinh cách đây không lâu.

“Sự cạnh tranh giữa Mỹ với Trung Quốc sẽ tiếp diễn", Van Jackson, học giả cao cấp về quan hệ quốc tế tại đại học Victoria Wellington (New Zealand), bình luận. “Chiến lược an ninh mới của Mỹ là những bài học kinh nghiệm rút ra từ những thất bại trong quá khứ”.

Bên cạnh những bài học được rút ra trong quan hệ lịch sử với Trung Quốc, sự thất bại trong việc ép buộc Bắc Kinh gây áp lực lên Triều Tiên cũng như từ bỏ các chính sách thương mại và sở hữu trí tuệ gây hại đối với Mỹ được đánh giá là xuất phát điểm cho chiến lược an ninh quốc gia mới của Tổng thống Trump.

Sự nhất trí của Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 trong việc đưa “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc cho kỷ nguyên mới” vào Điều lệ đảng được cho là dấu mốc từ bỏ chiến lược “giấu mình chờ thời” – kim chỉ nam trong nhiều năm qua.

Trung Quốc giờ đây bắt đầu cho tham vọng công khai hơn đó là đóng vai trò dẫn dắt trong các vấn đề toàn cầu và trở thành cường quốc số một thay thế Mỹ.

Một trong những công cụ mà Bắc Kinh sử dụng để mở rộng ảnh hưởng của mình là sáng kiến liên kết kinh tế, cơ sở hạ tầng Âu-Á “Vành đai Con đường” mới được đưa ra gần đây.

Học giả Zhang Baohui cho rằng Tổng thống Trump đang đưa chính sách đối ngoại của Mỹ trở lại thời kỳ 1945, trong đó Washington muốn duy trì vị thế độc tôn của mình và coi sự trỗi dậy của các quốc gia khác là thách thức, trong đó có Trung Quốc.

Chiến lược an ninh quốc gia mới"cho thấy hai nước sẽ còn va chạm nhau trong thời gian dài”, Zhang nói.

Quan hệ Mỹ - Trung Quốc trong lịch sử

Trong hơn bốn thập kỷ kể từ khi nhà lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông và Tổng thống Mỹ Richard Nixon tái lập quan hệ ngoại giao, mối quan hệ giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới đã có những biến chuyển nhiều thăng trầm.

Richard Nixon (1969-1974)

Tổng thống Mỹ Nixon và Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai gặp nhau năm 1972.

Vào tháng 2/1972, Nixon trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền vào năm 1949.

Trong chuyến công du bảy ngày, hai nước đã ký Thông cáo Thượng Hải, trong đó không chỉ thừa nhận nguyên tắc “một Trung Quốc” - Đài Loan là một phần không thể tách rời của đại lục – mà còn chứng kiến sự khởi đầu của một mối quan hệ bình thường hóa.

Trong một cuộc họp giữa hai người đứng đầu Trung-Mỹ ở Bắc Kinh, Tổng thống Nixon nói rằng cả Trung Quốc và Mỹ sẽ cùng "điều hành thế giới". Nhưng thay vì tìm được tiếng nói chung, cả hai đã có những chính sách của riêng mình.

Jimmy Carter (1977-1981)

Bảy năm kể từ khi ký kết Thông cáo Thượng Hải, Washington cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan ngày 1/1/1979 và chuyển đại sứ quán từ Đài Bắc đến Bắc Kinh.

Tuy nhiên, ba tháng sau, ông Carter ký Đạo luật Quan hệ Đài Loan, cam kết Mỹ bán vũ khí và hỗ trợ trong trường hợp hòn đảo này bị tấn công. Đạo luật vẫn tồn tại cho đến ngày nay và trở thành một phần khiến quan hệ Washington-Bắc Kinh tiềm ẩn những bất đồng.

Đặng Tiểu Bình (1976-1990)

Chỉ vài tuần sau khi công bố kế hoạch cải cách và mở cửa Trung Quốc trong tháng 12/1978, Đặng Tiểu Bình trở thành nhà lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thăm chính thức Mỹ.

Trong chuyến bay sang Mỹ, khi được một cố vấn hỏi rằng: “Tại sao chúng ta quá chú trọng đến mối quan hệ với Mỹ như vậy?”.

Nhà lãnh đạo này đã trả lời: “Nhìn lại vài thập kỷ qua. Tất cả các quốc gia tìm kiếm quan hệ tốt với Mỹ đều trở nên giàu có”. Chỉ một câu nói của Đặng Tiểu Bình đã cho thấy quan điểm của Bắc Kinh trong thời điểm này.

Ronald Reagan (1981-1989)

Tổng thống Reagan được cho là có một đường lối cứng rắn đối với Trung Quốc, khi có thái độ tiêu cực với hệ tư tưởng của cường quốc châu Á và mô tả Đài Loan như một “người bạn và đồng minh”.

Tuy nhiên, dưới áp lực ngày càng tăng từ Bắc Kinh tại một thời điểm quan hệ Trung-Mỹ có nguy cơ bị đảo ngược, Tổng thống Reaga đã ký một thông cáo chung thứ ba với Trung Quốc vào năm 1982 trong tiến trình bình thường hóa quan hệ và tái khẳng định cam kết đối với nguyên tắc “một Trung Quốc”.

Ông Giang Trạch Dân và ông Bill Clinton gặp nhau năm 1997.

Bill Clinton (1993-2001)

Sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Bill Clinton và Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân tại Washington tháng 10/1997, hai nước đã ban hành một tuyên bố chung tuyên bố rằng Trung Quốc và Mỹ sẽ hợp tác với nhau để xây dựng quan hệ “đối tác chiến lược mang tính xây dựng”.

Quan hệ được cải thiện hơn nữa trong chuyến thăm 10 ngày của ông Clinton đến Bắc Kinh vào tháng 6/1998, đánh dấu sự kết thúc giai đoạn đóng băng ngoại giao sau sự kiện Thiên An Môn.

George W. Bush (2001-2009)

Mặc dù gọi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược” sau khi nhậm chức vào năm 2001, Tổng thống George W. Bush khi phát biểu tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh vào năm 2002, nói rằng Mỹ “chào đón sự trỗi dậy của một Trung Quốc mạnh mẽ, hòa bình và thịnh vượng”.

Barack Obama (2009-2017)

Giống như người tiền nhiệm, ông Obama có một số chỉ trích Trung Quốc về tự do ngôn luận và nhân quyền, nhưng ông cho thấy bản thân không muốn tìm kiếm quan hệ đối đầu và tìm cách duy trì hợp tác với Bắc Kinh.

“Chúng tôi đã nhìn thấy rằng Trung Quốc có thể là một đối tác, từ việc giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đến ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân”, ông Obama nói vào năm 2011.

Trong khi chính sách “xoay trục châu Á” của Mỹ muốn kìm chế tham vọng của Trung Quốc một cách hòa bình trong khu vực, chính quyền Obama bị chỉ trích là quá nhún nhường khiến Bắc Kinh ngày càng bành trướng hơn.

Quan hệ với Trung Quốc dưới thời Obama được đánh giá là có nhiều chuyển biến tốt đẹp nhất.

Tập Cận Bình (2012 đến nay)

Các nhà lãnh đạo đương nhiệm của Trung Quốc và Mỹ đã gặp nhau ở Bắc Kinh vào tháng 11 năm nay trong một nghi thức tiếp đón chưa từng có từ nước chủ nhà.

Ông Tập cho biết vào thời điểm đó rằng quan hệ Trung-Mỹ đã đạt đến một “điểm khởi đầu mới mang tính lịch sử” và rằng hai nước cần xây dựng một “mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới”.

“Trung Quốc sẵn sàng hợp tác cùng với Hoa Kỳ để tôn trọng lẫn nhau, đôi bên cùng có lợi, tập trung vào hợp tác và điều phối khác biệt”, ông nói với người đồng nhiệm Mỹ.

Mạnh Kiên

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/chien-luoc-ran-cua-ong-trump-viet-tiep-lich-su-doi-dau-trung-my-a352191.html