Chiến lược thu hút FDI: Tạo bước đột phá trong kỷ nguyên số

Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận cấu thành quan trọng, có nhiều đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế Việt Nam trong hơn 30 năm qua. Tuy nhiên, bối cảnh xung đột thương mại trên thế giới đã, đang tác động mạnh mẽ đến việc điều chỉnh dòng vốn đầu tư của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

30 năm thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam
Khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), sau 30 năm phát triển đã trở thành một khu vực năng động và ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Khu vực này đã tạo ra một phương thức thu hút đầu tư mới, tác động lan tỏa, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, khơi dậy và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong nước. Theo đánh giá của giới chuyên gia, đóng góp của khu vực FDI vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam ngày càng cao, nếu giai đoạn 1986-1996, khu vực FDI chỉ đóng góp 15,04% thì đến giai đoạn 2010-2017, khu vực này đã đóng góp vào GDP là 27,7%.

Năm 2018 tiếp tục ghi nhận những thành công nổi bật trong thu hút vốn FDI với tổng vốn đầu tư cấp mới, tăng thêm và cả góp vốn, mua cổ phần là trên 35,46 tỷ USD. Đặc biệt, vốn FDI giải ngân đạt mức kỷ lục với 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2017. Kết quả này không chỉ tạo nền tảng để kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng và phát triển, mà còn là động lực quan trọng để Việt phát triển bền vững trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0).

Ngoài bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, khu vực FDI còn đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN). Giá trị nộp NSNN của khu vực này được ghi nhận là có xu hướng tăng mạnh qua các giai đoạn, cụ thể, giá trị nộp NSNN của khu vực FDI đã tăng từ 1,8 tỷ USD (giai đoạn 1994 - 2000) lên 14,2 tỷ USD (giao đoạn 2001-2010). Giai đoạn 2011-2015, thu NSNN từ khu vực này cũng đạt 23,7 tỷ USD, chiếm gần 14% tổng thu NSNN. Năm 2017, khu vực FDI đã đóng góp vào ngân sách gần 8 tỷ USD, chiếm hơn 17% tổng thu NSNN.

Khu vực FDI cũng đóng góp tỷ trọng lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam. Từ năm 2010 trở lại đây, tăng trưởng xuất khẩu của khu vực vốn FDI cao gấp 2-3 lần so với khu vực trong nước, kim ngạch xuất khẩu gấp khoảng 1,5-2 lần. Tỷ trọng của khu vực FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu đã tăng từ 17% năm 1995 lên 71,7% năm 2018. Xuất siêu của khu vực này cũng góp phần cân bằng cán cân thương mại, giảm áp lực tỷ giá, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế. Khu vực FDI còn làm thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu theo hướng giảm tỷ trọng sản phẩm là nguyên liệu thô sơ chế, tăng dần tỷ trọng hàng chế tạo có giá trị tăng cao.

Ngoài những đóng góp trên, khu vực FDI còn góp phần quan trọng thúc đẩy dịch chuyển cơ cấu kinh tế Việt Nam. Hiện nay, có khoảng 58,2% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến – chế tạo, tạo ra trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như viễn thông, dầu khí, điện tử, công nghệ thông tin, thép, xi măng… Tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng dài hạn, cũng như thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa - công nghiệp hóa đất nước.

Sau 30 năm phát triển, khu vực FDI đã đưa Việt Nam trở thành một trong những mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu; giúp Việt Nam phát triển nhiều ngành dịch vụ chất lượng cao như: Tài chính – ngân hàng, bảo hiểm, kiểm toán, tư vấn luật, vận tải biển, logistic, giáo dục - đào tạo, y tế, siêu thị, khách sạn, du lịch; tạo ra phương thức mới trong phân phối hàng hóa, tiêu dùng, kích thích hoạt động thương mại nội địa, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nâng cao giá trị hàng hóa nông sản xuất khẩu…

Ngoài tạo thêm nhiều việc làm, khu vực FDI cũng góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thay đổi cơ cấu lao động Việt Nam. Tính đến nay, khu vực này đã tạo ra trên 3,5 triệu lao động trực tiếp và khoảng 4-5 triệu lao động gián tiếp và được ghi nhận là khu vực tiên phong trong đào tạo tại chỗ, đào tạo bên ngoài và nâng cao trình độ công nhân, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý. Một bộ phận trong đó đã đủ năng lực quản lý, trình độ khoa học, công nghệ thay thế chuyên gia nước ngoài...

Áp lực thu hút đầu tư nước ngoài trong Cách mạng công nghiệp 4.0

Tác động của FDI vào việc thay đổi nền kinh tế Việt Nam là rất to lớn. Tuy nhiên, FDI tự thân cũng có những tác động tiêu cực, chẳng hạn như: Vẫn còn có hiện tượng doanh nghiệp (DN) FDI chuyển giá, trốn thuế, gây ô nhiễm môi trường; tác động lan tỏa và liên kết giữa khu vực FDI và khu vực trong nước chưa được như kỳ vọng; thu hút và chuyển giao công nghệ còn chưa được đẩy mạnh. Phần lớn các dự án FDI quy mô nhỏ. Trong tổng số hơn 27 nghìn dự án, số lượng dự án dưới 5 triệu USD chiếm tới 75,9%; dự án dưới 1 triệu USD chiếm 45,1% số dự án. Định hướng thu hút FDI theo ngành, đối tác cũng còn nhiều hạn chế, cụ thể là khu vực FDI mới tập trung vào lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa thấp, giá trị xuất khẩu thực hiện theo hình thức gia công, sử dụng nhiều lao động, trong khi giá trị gia tăng tạo ra tại Việt Nam thấp; công nghiệp hỗ trợ chưa đáp ứng yêu cầu. Tỷ lệ việc làm mới được tạo ra chưa tương xứng, thu nhập bình quân của người lao động khu vực FDI không cao hơn so với khu vực tư nhân…

Trong khi đó, những thay đổi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu, mà cụ thể là cuộc CMCN 4.0 đã, đang tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới, làm thay đổi mạnh mẽ từ tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ, phương thức kinh doanh đến cách thức tiêu dùng, cách thức giao tiếp, thậm chí làm thay đổi cả nhận thức của con người. Điều này đặt ra không ít cơ hội và thách thức, nhất là đối với việc thu hút và sử dụng các dòng vốn FDI. Áp lực cạnh tranh thu hút FDI của một số nước trong khu vực theo đó cũng gia tăng, khi dòng vốn FDI toàn cầu đang có xu hướng giảm mạnh.

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ và chống tự do hóa thương mại đa phương trên thế giới cũng đang tác động đến việc điều chỉnh dòng vốn đầu tư của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Hơn nữa, sự tự do lưu chuyển vốn hàng hóa, dịch vụ, lao động có kỹ năng trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã khiến cho cạnh tranh trong thu hút vốn FDI giữa các nước trong khu vực, nhất là với một số nước như Thái Lan, Malaysia, Indonesia ở các ngành công nghệ cao, dịch vụ hiện đại diễn ra gay gắt hơn… Bối cảnh này đòi hỏi Việt Nam cần phải có những thay đổi về định hướng chiến lược thu hút FDI trong giai đoạn mới.

Gợi mở xu hướng thu hút FDI thế hệ mới

Việt Nam đang trên đà cải cách mạnh mẽ và hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Với vị trí địa lý thuận lợi, chi phí lao động cạnh tranh, chính sách thương mại và đầu tư mở cửa, Việt Nam đã rất thành công trong việc thu hút nguồn vốn FDI, tuy nhiên, trong bối cảnh huy động các nguồn vốn từ bên ngoài như: Vốn ODA đang giảm dần, nguồn vốn đầu tư gián tiếp chưa ổn định, thì dòng vốn FDI tiếp tục giữ vai trò quan trọng.

Để có những bước đột phá trong phát triển, đồng thời giải quyết những thách thức nội tại và thu hút hiệu quả dòng vốn FDI thế hệ mới trong giai đoạn tới, giới chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần sớm điều chỉnh định hướng chiến lược về thu hút FDI, đi kèm với đó là có kế hoạch hành động gắn liền với việc cải cách môi trường đầu tư, chính sách và thể chế cụ thể, có như vậy mới khai thác tối đa những tiềm năng mà FDI thế hệ mới mang lại. Cụ thể như:

Thứ nhất, tiếp tục ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Sản xuất thiết bị y tế, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo, dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ tài chính, logistic và các dịch vụ hiện đại khác; Ưu tiên tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao, gắn với quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa.… Cùng với đó, đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng xuất khẩu với đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng, sử dụng nguồn nguyên liệu nội địa, phát triển công nghiệp hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực trong nước.
Thứ hai, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo động lực mới cho thu hút và sử dụng nguồn vốn FDI vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao; Tăng cường thu hút nhà đầu tư nước ngoài, DN FDI, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia liên kết với DN trong nước hình thành và phát triển cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị. Cụ thể là cần đưa ra những chính sách nhằm tăng cường kết nối và hiệu ứng lan tỏa từ FDI. Thành tố của các chính sách liên kết FDI chủ yếu là việc xây dựng cơ sở dữ liệu các nhà cung cấp, dịch vụ kết nối DN, chương trình phát triển nhà cung cấp có trọng tâm, trọng điểm, xúc tiến đầu tư và có những chính sách ưu tiên, hỗ trợ các DN trong nước, giúp họ tiếp cận tài chính để phát triển.

Thứ ba, đa dạng hóa, đa phương hóa thu hút FDI từ các thị trường và đối tác tiềm năng; coi trọng các thị trường, đối tác hiện tại như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ, Đức, Anh… Đồng thời, khai thác có hiệu quả mối quan hệ với các đối tác chiến lược; với các nước phát triển hàng đầu trên thế giới, các tập đoàn xuyên quốc gia nắm giữ trình độ và công nghệ hiện đại.

Thứ tư, chủ động theo dõi, đánh giá xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI và công nghệ vào Việt Nam để có thể lựa chọn và thu hút được những dự án đầu tư phù hợp. Bên cạnh đó, xây dựng “môi trường đầu tư 4.0” phù hợp với nhu cầu của DN trong kỷ nguyên số. CMCN 4.0 đòi hỏi môi trường đầu tư một cách lý tưởng, phải có bước nhảy vọt, chuyển dịch từ “đuổi kịp” lên tạo dựng một môi trường đầu tư, kinh doanh vượt trội so với các điểm đến đầu tư khác trong khu vực. Cùng với việc loại bỏ các quy định và hệ thống lỗi thời, thay thế bằng các giáp pháp số, điện tử, Việt Nam cần dỡ bỏ những ưu tiên ngầm cho các dự án FDI đầu tư mới và hướng đến xuất khẩu vì các dự án liên doanh và 100% FDI trong các chuỗi cung ứng trong nước có xu hướng tác động mạnh hơn lên việc gia tăng giá trị sản xuất trong nước và chuyển giao công nghệ.

Thứ năm, thiết lập một cơ quan quản lý để hướng dẫn thực hiện chiến lược thu hút FDI thế hệ mới. Cơ quan này có thể độc lập, có chức năng hoạch định và đưa ra những gói giải pháp nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược.

Thứ sáu, hiện đại hóa phương thức và các hoạt động xúc tiến đầu tư. Theo đó, cần chuyển từ phương thức xúc tiến đầu tư thụ động sang chủ động, đồng thời có chiến lược phát triển ngành rõ ràng và chính sách thúc đẩy nhằm khai phá tiềm năng đầu tư mới, áp dụng công cụ và các chỉ số hoạt động của FDI hiệu quả hơn. Đặc biệt, cải thiện kỹ năng cho người lao động thông qua những việc làm cụ thể sau: Tiến hành khảo sát, cập nhật thường xuyên và công bố bản khảo sát tầm quốc gia về cung cầu kỹ năng; Xây dựng chương trình phối kết hợp nhiều lĩnh vực, từ đào tạo nghề ngắn hạn, liên kết nhà trường - DN cho đến việc cải cách chương trình học tập dài hạn; Nuôi dưỡng và phát triển sự sáng tạo thông qua việc thu hút nhân tài.

Thứ bảy, mở cửa các lĩnh vực quan trọng hỗ trợ cạnh tranh và tăng trưởng. Theo đó, cần xem xét lại một cách có hệ thống thời hiệu của các hạn chế pháp lý và các rào cản về thủ tục đối với FDI trong những lĩnh vực ưu tiên; Nới lỏng sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài và nới lỏng hạn chế về vốn nước ngoài trong những lĩnh vực chủ chốt, dựa trên việc đánh giá kỹ lưỡng về chi phí và lợi ích nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế; Đồng thời, đánh giá lại mục tiêu và hiệu lực của việc sàng lọc dự án đầu tư trên tất cả các lĩnh vực và tạo sân chơi bình đẳng cho tất cả các nhà đầu tư.

Thứ tám, cải cách mạnh mẽ khuôn khổ ưu đãi hiện hành và tái cân bằng đối với các ưu đãi dựa trên hiệu quả hoạt động đầu tư. Việc thay đổi tư duy trong lĩnh vực này là cần thiết, vì các ưu đãi dựa trên lợi nhuận được sử dụng nhằm thu hút FDI hiện hành là ít phù hợp với việc khuyến khích phát triển mạng lưới cung cấp trong nước, phát triển công nghệ xanh, gia tăng giá trị và đào tạo nhân lực. Ngoài ra, Việt Nam cần tính đến việc xây dựng và thực thi các chính sách mang tầm chiến lược trong xúc tiến FDI ra nước ngoài. Đầu tư ra nước ngoài có thể giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về chiến lược thu hút FDI như: đa dạng hóa kinh tế, chuyển giao công nghệ và cải thiện năng lực...

Tài liệu tham khảo:

1. Nhóm Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Tài chính quốc tế (2018), Báo cáo khuyến nghị Chiến lược FDI thế hệ mới và tầm nhìn chiến lược 2020-2030;
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2018), Kỷ yếu 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;
3. Báo Đầu tư (2018), 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài: Thành tựu và bài học;
4. Nguyễn Chí Dũng (2018), Tầm nhìn mới, cơ hội mới cho đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;
5. Nguyên Đức (2018), FDI thế hệ mới, đâu là đích ngắm?

TS. MAI VIỆT ANH, ThS. VŨ BẠCH ĐIỆP

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/chien-luoc-thu-hut-fdi-tao-buoc-dot-pha-trong-ky-nguyen-so-302627.html