Chiến lược tiến sĩ Hà Nội: Đừng tuyệt đối hóa bằng cấp

Tuyệt đối hóa bằng cấp khiến việc bố trí cán bộ ở địa phương đã có lúc rơi vào những thái cực khác nhau...

- Tuyệt đối hóa bằng cấp khiến việc bố trí cán bộ ở địa phương đã có lúc rơi vào những thái cực khác nhau, dẫn đến nạn bằng giả, học giả. Đột phá tư duy gì? Chính quyền TP Hà Nội đang vạch ra chiến lược cán bộ, công chức. Quyết tâm của Thành phố đến 2020 có 100% cán bộ khối chính quyền diện Thành ủy quản lý có trình độ tiến sĩ. Đến 2020, Hà Nội phấn đấu 100% cán bộ diện UBND TP quản lý có trình độ trên đại học, trong đó một nửa cần đạt trình độ tiến sĩ… Những cán bộ tương lai. Ảnh: LAD Mới đây nhất, trả lời VietNamNet, tiến sĩ Lê Anh Sắc, thành viên soạn thảo Chiến lược cán bộ, công chức khối chính quyền TP cho rằng: Theo quan điểm của chúng tôi, một người phải được trang bị những kiến thức nền tảng mới có nền móng để tích lũy kinh nghiệm có tính chắt lọc, có giá trị. Những người có trình độ học vấn ở mức giới hạn, thì kinh nghiệm dù có nhiều chăng nữa cũng chỉ có thể giúp giải quyết những vấn đề cá nhân, chứ không thể dùng được cho công việc của bộ máy hành chính, khó mang ra để giúp dân, giúp nước được. Ý ông muốn nói là phải có bằng tiến sĩ. Chúng tôi cũng đồng ý với ông Sắc rằng, để có những đột phá phải có những kiến thức nền tảng, nhưng cứ băn khoăn: phải chăng chỉ có tiến sĩ mới có đột phá tư duy? Không hiểu ông Sắc cần đột phá tư duy gì. Trong tư duy của ông, cần có bằng cấp để đột phá tư duy, đột phá ngay cả tư duy tổ chức và quản lý, cái này là hệ quả của cái kia? Phần này chúng tôi đồng ý với ý kiến ông Trần Văn Thọ, một nhà khoa học, nhà giáo đang giảng dạy ở nước ngoài: Bằng tiến sĩ không phải nhằm đào tạo nhà quản lý hoặc lãnh đạo để cho phép nhà nước cấp kinh phí đi học tại chức lấy bằng tiến sĩ; bằng tiến sĩ là bước cơ bản nhằm đào tạo đội ngũ khoa học có trình độ cao để phục vụ giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học. Chúng ta cần phân biệt rất rõ hai lĩnh vực: Những nhà quản lý, lãnh đạo và những nhà khoa học. Có bằng tiến sĩ chắc gì đã là nhà quản lý, lãnh đạo tốt? Có thể nói, những người được đào tạo tiến sĩ thực chất chính là những chuyên gia am hiểu rất sâu phạm vi lĩnh vực mình nghiên cứu. Đây là những chuyên môn hẹp. Lạm phát bằng tiến sĩ Nếu làm một bảng thống kê, có thể dễ dàng nhận thấy những nhân vật trong lịch sử đã thay đổi cả bộ mặt thế giới đâu có bằng tiến sĩ. Ngay ở Việt Nam cũng vậy, văn bằng chỉ có mấy năm gần đây (không tính đến những tiến sĩ thời phong kiến trước kia) nhưng lịch sử của chúng ta kể từ đầu thế kỷ XX cho đến nay là rất đáng tự hào, thử hỏi những lớp người “khai quốc” ấy có mấy người có văn bằng tiến sĩ? Dư luận vừa qua đã nói rất nhiều về chất lượng đào tạo tiến sĩ ở ta. Đây là căn bệnh trầm kha mà ngành giáo dục và cả xã hội đang quan tâm. Có người đã phải kêu lên rằng: Một trong những căn bệnh trầm trọng mà chế độ giáo dục đào tạo của Việt Nam trong mấy mươi năm qua gây ra cho xã hội ta là làm lạm phát văn bằng tiến sĩ, là đưa chuẩn mực của học vị cao nhất trong khoa học này xuống mức thấp ngoài sự tưởng tượng của người làm khoa học nghiêm túc. Mỗi lĩnh vực có những đặc thù riêng, có yêu cầu riêng, không thể đánh đồng có bằng cao thì sẽ có trình độ quản lý, lãnh đạo giỏi. Đột phá tư duy của người làm khoa học cũng không đồng nghĩa sẽ có đột phá tư duy về công tác tổ chức quản lý lãnh đạo đất nước. Chúng ta đang rất cần và đang rất thiếu những cán bộ giỏi về công tác tổ chức, quản lý đất nước trong khi đã có hàng ngàn người có trình độ tiến sĩ. Đội ngũ cán bộ quản lý đúng là cần phải có tri thức. Tri thức cũng có thể là tiến sĩ, nhưng cũng không hẳn là vậy. Người cán bộ cần nhất phải có tư duy quản lý, có đầu óc tổ chức và am hiểu luật pháp. Nói như các nhà lý luận: Tổ chức, tổ chức và tổ chức. Đó chính là sự kết hợp biện chứng của cả tri thức (trong đó có năng khiếu hay tư chất của người lãnh đạo) và thực tiễn. Thời gian vừa qua, chính chúng ta tuyệt đối hóa bằng cấp nên việc bố trí cán bộ ở những địa phương, những cơ sở đã có lúc rơi vào những thái cực khác nhau. Và nạn bằng giả, học giả cũng là hậu quả của vấn nạn này. Đột phá tư duy phải có bằng tiến sĩ, như tiến sĩ Lê Anh Sắc nói, chỉ mới đúng có một phần. Nếu chỉ căn cứ vào tiêu chuẩn này thì có thể dẫn tới bộ máy lãnh đạo có bằng cấp nhưng chỉ để cho oai, nặng về trưng bày hơn là thực chất công việc. Có kiến thức rồi, phải kết hợp chặt chẽ với kinh nghiệm thực tế, liên hệ với thực tiễn nếu không lại mắc phải bệnh lý luận suông, tức bệnh giáo điều. Bác Hồ nói: Có kiến thức, có lý luận cũng giống như có cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên. Đội ngũ cán bộ của chúng ta cần phải có trình độ thực chất, trình độ tổ chức quản lý lãnh đạo chứ không đơn giản chỉ là có bằng cấp cao. Nguyễn Đăng Tấn

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/chinhtri/2009/09/869332/