Chiến lược tổng thể phát triển giáo dục đại học Việt Nam

Chiều 16/4, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ đã có buổi làm việc với đại diện Ngân hàng thế giới (WB) nhằm định hướng cho công tác tham vấn xây dựng Chiến lược tổng thể phát triển giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Dự buổi làm việc có ông Achim Fock - Phó Giám đốc WB tại Việt Nam, một số chuyên gia của WB, đại diện lãnh đạo một số đơn vị của Bộ GD&ĐT và một số đại học, trường đại học của Việt Nam.

Độ bao phủ giáo dục đại học thấp nhất khu vực

Thực hiện nhiệm vụ sắp xếp lại hệ thống đại học của Việt Nam và đổi mới quản trị đại học theo hướng tăng cường tự chủ đại học, hội nhập quốc tế nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các chuyên gia giáo dục quốc tế (với sự hỗ trợ của WB) nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng Chiến lược tổng thể phát triển giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Tóm tắt của WB về việc triển khai xây dựng chiến lược chỉ ra rằng, giáo dục đại học Việt Nam đã đạt được một số thành tựu đáng kể như nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục sau phổ thông, sinh viên tốt nghiệp tham gia thị trường lao động thường ở vị trí công việc tốt hơn và tiền lương cao hơn các nhóm lao động chưa đạt trình độ đại học; có sự tham gia của khối tư thục và ngày càng thực hiện bình đẳng công tư...

Tuy vậy, giáo dục đại học có thời gian phát triển nhanh về lượng nhưng đã chậm lại trong những năm gần đây, điều này dẫn đến quan ngại về tính công bằng. Chất lượng giáo dục đại học chưa cao và chưa đáp ứng tốt nhu cầu (kỹ năng làm việc còn chưa thực sự phù hợp). Kết quả nghiên cứu và hợp tác nghiên cứu quốc tế đã tăng dần nhưng chuyển giao công nghệ còn yếu.

Toàn cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Bộ GD&ĐT)

Toàn cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Bộ GD&ĐT)

Theo số liệu thống kê, tuy có thời gian tăng mạnh nhưng mức độ bao phủ giáo dục đại học của Việt Nam vẫn thuộc hàng thấp nhất trong khu vực Đông Á và chênh đáng kể so với các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ phân bổ ngân sách cho giáo dục đại học thấp nhất trên thế giới.

Theo nhóm nghiên cứu của WB, trong chiến lược phát triển giáo dục đại học trong trung và dài hạn, Việt Nam phải bám vào 4 trụ cột chính: Tăng cường mức độ bao phủ (đẩy mạnh đa dạng hóa các phương thức đào tạo, thúc đẩy đầu tư tư nhân vào giáo dục đại học); tập trung nâng cao chất lượng; đổi mới thể chế và quản trị hệ thống; tăng cường ngân sách đầu tư phát triển cho giáo dục đại học.

Ông Achim Fock - Phó Giám đốc WB tại Việt Nam cho biết, thời gian tới, hai bên sẽ phối hợp xây dựng những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể của chiến lược tổng thể phát triển giáo dục đại học Việt Nam trong từng giai đoạn dựa trên các nhân tố thúc đẩy: Quản trị hiện đại, hệ thống đảm bảo chất lượng phù hợp và tài chính bền vững. Trong đó tập trung một số yếu tố như tăng mức độ bao phủ và công bằng, nâng cao chất lượng và sự phù hợp, tăng sản phẩm nghiên cứu, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ…

3 “đặt hàng” của Bộ trưởng với WB

Đánh giá cao sự phối hợp, hỗ trợ của WB thời gian qua trong việc nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng Chiến lược tổng thể phát triển giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ “đặt hàng” WB 3 nội dung hỗ trợ giáo dục đại học Việt Nam gồm: Xây dựng, hoàn thiện thể chế; nâng cao hiệu quả quản trị hệ thống (xây dựng chiến lược) và quản trị từng trường đại học.

Về thể chế, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ GD&ĐT được Chính phủ giao chủ trì xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/7/2019. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang tập trung xây dựng các Nghị định hướng dẫn thực thi Luật. Quá trình hoàn thiện các văn bản cũng như triển khai Luật, các văn bản tới đây cần có sự hỗ trợ, góp ý của các chuyên gia WB để đảm bảo quá trình thực hiện đạt hiệu quả.

Về quản trị hệ thống, theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống giáo dục đại học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, tăng tính cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực cho đất nước đang là yêu cầu bức thiết đặt ra với hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Tuy nhiên, quy hoạch thế nào để khả thi, không mang tính chủ quan thì cần phải dựa trên những nghiên cứu, khảo sát thực tế, có tham khảo kinh nghiệm quốc tế.

“Chúng tôi mong rằng, đến hết năm 2019, WB sẽ hỗ trợ Việt Nam có được chiến lược tổng thể phát triển giáo dục đại học, hỗ trợ xây dựng được hệ thống tiêu chí, khung chính sách nhằm sắp xếp hợp lý hệ thống giáo dục đại học. Chúng tôi muốn nhìn giáo dục đại học như một khâu trong khung hệ thống giáo dục mở, tránh “cắt khúc” như hiện nay” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ.

Về quản trị các trường đại học, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT mong muốn WB tham gia sâu hơn cùng các trường đại học đổi mới hoạt động quản trị, chú ý quản trị theo mục tiêu, gắn với đổi mới sáng tạo, chỉ số tài chính, chỉ số kiểm định, đảm bảo chất lượng và các chỉ số phát triển khác. Trong đó xác định trọng tâm là xây dựng uy tín của nhà trường.

Để việc phối hợp giữa Bộ GD&ĐT với WB đạt hiệu quả hơn nữa, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị hai bên thành lập các nhóm làm việc chung, tăng cường các cuộc làm việc giữa hai phía, đưa ra được mục tiêu, tiêu chí trong từng giai đoạn, có sản phẩm chung cụ thể, có tính khả thi. “Sản phẩm cuối cùng mà chúng ta hướng tới Chiến lược giáo dục Việt Nam giai đoạn 2020-2030 tầm nhìn 2045 mà Bộ GD&ĐT sẽ trình Chính phủ ban hành vào năm 2021” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

P.V

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/chien-luoc-tong-the-phat-trien-giao-duc-dai-hoc-viet-nam-90039.html