Chiến sĩ mới ở 'ngôi nhà mới'

LTS: Năm 2020, hàng vạn thanh niên trong cả nước lên đường nhập ngũ, thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc. Bước vào môi trường chính quy, kỷ luật, các chiến sĩ mới (CSM) không tránh khỏi những bỡ ngỡ ban đầu.

Song với thiết chế văn hóa ở đơn vị, sự quan tâm, sâu sát của cấp ủy, người chỉ huy cả về vật chất và tinh thần, họ đã từng bước hòa nhập với trường học lớn, coi đơn vị là gia đình thứ hai của mình để cùng nhau phấn đấu, rèn luyện, trưởng thành. Báo Quân đội nhân dân đã khảo sát về cuộc sống của CSM ở một số đơn vị thuộc Quân khu 1 và Quân đoàn 1.

Bài 1: Để bộ đội nhanh hòa nhập với đơn vị

Những thanh niên tuổi mười tám đôi mươi, đang quen nếp sinh hoạt ở gia đình, địa phương, khi bước vào môi trường quân ngũ khó tránh khỏi bỡ ngỡ... Thấu hiểu điều đó, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, giúp CSM nhanh chóng hòa nhập để huấn luyện, rèn luyện, thu được kết quả cao trong công tác.

Tăng cường chia sẻ, giao lưu

Chúng tôi đến Trung đoàn 246 (Sư đoàn 346, Quân khu 1) đúng ngày cán bộ, chiến sĩ đơn vị đang chuẩn bị cho buổi giao lưu giữa CSM và chiến sĩ năm thứ hai, cấp tiểu đoàn. Tại hội trường của trung đoàn, phía trên sân khấu, đội ngũ cán bộ chính trị hai tiểu đoàn đang thông qua các tiết mục văn nghệ biểu diễn xen kẽ giữa các nội dung trong đêm giao lưu. Phía cuối hội trường, các hạt nhân văn nghệ trao đổi những nội dung sẽ thực hiện trong chương trình. Trước đó, những buổi giao lưu từ cấp trung đội, đại đội đã được tổ chức nên các bộ phận thực hiện theo kịch bản khá ăn khớp, hứa hẹn mang lại nhiều ấn tượng cho bộ đội.

Cán bộ Trung đoàn 246 (Sư đoàn 346, Quân khu 1) hướng dẫn chiến sĩ mới sắp đặt nội vụ. Ảnh: TIẾN ĐẠT

Gặp chúng tôi, CSM Ma Văn Hưng (Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 246) hào hứng kể: "Buổi giao lưu ở đại đội hôm trước, anh em CSM ở các miền quê có dịp được chia sẻ tâm tư tình cảm, nói lên những suy nghĩ, mong muốn của bản thân và được cán bộ các cấp giải đáp thấu tình đạt lý, khiến ai cũng cảm thấy thoải mái". Với Ma Văn Hưng, buổi giao lưu hôm ấy còn là một kỷ niệm khó quên trong những ngày đầu quân ngũ khi được chỉ huy đơn vị tặng món quà đặc biệt, đó là cuộc gọi “video call” để Hưng nói chuyện với người vợ trẻ và ngắm cậu con trai đầu lòng mới hơn một tuổi. “Sự thấu hiểu, quan tâm của người chỉ huy không chỉ giúp em vơi đi nỗi nhớ nhà mà còn cho em động lực phấn đấu, rèn luyện, xứng đáng với bề dày truyền thống của đơn vị” - Ma Văn Hưng xúc động nói với chúng tôi.

Trao đổi với Trung tá Nguyễn Giang Hà, Chính ủy Trung đoàn 246, chúng tôi được biết: Tổ chức các cuộc giao lưu cho cán bộ, chiến sĩ là một món “đặc sản” của đơn vị. Ngoài việc tổ chức các chương trình giao lưu để các chiến sĩ trong đơn vị chia sẻ tâm tư tình cảm với nhau, lãnh đạo trung đoàn còn chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch, tổ chức các cuộc giao lưu giữa CSM và chiến sĩ năm thứ hai để anh em chia sẻ kinh nghiệm trong sinh hoạt, công tác. Ngoài ra, đơn vị còn chủ động mời các bậc lão thành cách mạng, anh hùng LLVT nhân dân, các tấm gương điển hình tiên tiến về nói chuyện, giao lưu, truyền thụ, bồi đắp lý tưởng cho thế hệ trẻ, nhất là với CSM.

Đơn vị thân thiện, cán bộ gần gũi

Trong câu chuyện với chúng tôi bàn về công tác tư tưởng, Thiếu tá Phạm Quang Huy, Chính ủy Trung đoàn 209 (Sư đoàn 312, Quân đoàn 1) nêu quan điểm: Muốn tiến hành công tác tư tưởng cho CSM, trước hết đội ngũ cán bộ phải hiểu được tâm lý, diễn biến trong từng thời điểm của CSM. Chính vì thế khi CSM về đơn vị, đội ngũ cán bộ phải nhanh chóng nắm bắt, hiểu hoàn cảnh gia đình, tâm tư, nguyện vọng bộ đội để tiến hành các biện pháp giáo dục, quản lý phù hợp.

Để hiểu được bộ đội, ngoài việc nắm bắt qua hồ sơ, qua phiếu thu thập thông tin, qua địa phương khi thâm nhập nhận quân, qua nắm bắt từ người thân, gia đình thì các hoạt động “tương tác” như giao lưu văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao, các cuộc trò chuyện gần gũi, thân mật sẽ là cơ hội để CSM bộc bạch, chia sẻ quan điểm, suy nghĩ. Qua đó, cấp ủy, người chỉ huy sẽ nắm bắt, đánh giá được tư tưởng chung của CSM trong đơn vị và từng trường hợp cá biệt. Từ đó, những tư tưởng tích cực được đơn vị thúc đẩy, phát huy; những tư tưởng dao động kịp thời được phát hiện, uốn nắn.

Chính vì thế, không chỉ mùa tuyển quân, huấn luyện CSM năm nay mà nhiều năm qua, ở Trung đoàn 209, công tác nắm bắt, quản lý tư tưởng bộ đội nói chung, CSM nói riêng được cấp trên đánh giá rất cao. Một trong những “bí quyết” đạt được điều đó chính từ sự thân thiện, gần gũi của đội ngũ cán bộ các cấp với bộ đội trong suốt thời gian huấn luyện, công tác cũng như giờ nghỉ, ngày nghỉ. Tình cảm đoàn kết đó cũng chính là sợi dây gắn bó để các đơn vị phát huy được sức mạnh tổng hợp, cùng nhau vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ.

Để có được sự gần gũi ấy, giúp cho bộ đội tránh được tư tưởng “bắt buộc phải làm”, theo Đại tá Ngô Công Trực, Chính ủy Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1), với những CSM trong thời gian đầu về đơn vị, lãnh đạo, chỉ huy sư đoàn luôn nhắc nhở đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ tiểu đội, trung đội không nên áp dụng mệnh lệnh hành chính quân sự với CSM một cách cứng nhắc mà nên vận dụng các biện pháp mềm dẻo, linh hoạt để tránh áp lực cho bộ đội. Đặc biệt, trong mỗi lời nói, hành động, việc làm, cán bộ phải là tấm gương sáng để CSM học tập, tự giác noi theo. Khi bộ đội hiểu sâu, tự giác thực hiện nhiệm vụ, công tác giáo dục mới đạt tới thành công.

Đúng như đánh giá của cấp ủy, chỉ huy các đơn vị thuộc Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1), Sư đoàn 346 (Quân khu 1), khảo sát ý kiến CSM ở nhiều đơn vị như ở Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Binh chủng Đặc công… chúng tôi đều nhận được chung một kết quả: Chính sự thân thiện, gần gũi, sự chia sẻ, giao lưu của đội ngũ cán bộ, của thế hệ đàn anh đi trước là “liều thuốc” hữu hiệu giúp CSM hòa nhập với đơn vị, nỗ lực học tập, rèn luyện, đạt được kết quả tốt ngay từ ngày đầu, tuần đầu…

ĐÌNH XUÂN - MẠNH ĐẠT - DUY ĐÔNG

(còn nữa)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/chien-si-moi-o-ngoi-nha-moi-611884