Chiến sĩ trinh sát anh hùng và chiếc huy hiệu Bác Hồ

Chiếc huy hiệu Bác tặng luôn nằm trong ngực áo của người chiến sĩ trinh sát trên con đường hành quân, khi ra trận. Mỗi khi nghĩ về Bác, ngắm chiếc huy hiệu cao quý Bác tặng thì mọi khó khăn, gian khổ người chiến sĩ ấy đều có thể vượt qua.

Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Chuyển thời trẻ

Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Chuyển thời trẻ

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Nguyễn Đức Chuyển, sinh năm 1951, tại huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi, nguyên Phó phòng Quân báo Quân khu 5, bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm ngày ở chiến trường, đặc biệt là kỷ niệm được Bác tặng chiếc huy hiệu đặc biệt.

Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Chuyển nhập ngũ năm 1966, lúc mới 15 tuổi. “Khi đó những chiến sĩ cách mạng bí mật về hoạt động ở quê hương thì tôi được giác ngộ cách mạng nên một lòng theo quân giải phóng, tôi được bổ sung vào Trung đoàn 1, Sư đoàn 2, Quân khu 5 làm đặc công trinh sát”, ông nhớ lại.

Quãng thời gian làm đặc công trinh sát, ông đã ghi dấu ấn với đơn vị bởi sự quả cảm, gan lì, thông minh qua nhiều trận đánh. Nhiệm vụ của ông là cùng đại đội bám địch, tiền trạm để Trung đoàn 1 tác chiến, có thời cơ thì trực tiếp đánh vào các sở chỉ huy của địch; bảo vệ lực lượng của Sư đoàn vận chuyển lương thực từ vùng giáp ranh lên núi, đánh lui các đợt tấn công của địch; tham gia mở rộng vùng giải phóng nước bạn Lào.

Ngày 19/5/1969, khi đang là Đại đội phó trinh sát đặc công, ông cùng 4 chiến sĩ khác có vinh dự đặc biệt, đó là về Ban Chỉ huy Sư đoàn nhận huy hiệu của Bác Hồ vì đã có thành tích lập nhiều chiến công hiển hách.

Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Chuyển hiện tại - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Ông xúc động nhớ lại những dòng chữ trong thư Bác viết rằng: “Gửi tặng các dũng sĩ diệt Mỹ, chiến sĩ lập nhiều chiến công. Trong hoàn cảnh chiến tranh, Bác không có điều kiện trực tiếp để trao huy hiệu này cho các cháu đã lập nhiều thành thích, thừa ủy nhiệm cho Trung ương Cục miền Nam, Quân khu 5 trao lại huy hiệu này cho các cháu”. Đó là chiếc huy hiệu quý giá nhất trong cuộc đời ông.

Chính ủy Sư đoàn khi gắn huy hiệu Bác Hồ lên ngực cho các chiến sĩ đã nhấn mạnh: “Lần đầu tiên có 5 người lính Sư đoàn 2 vinh dự được Bác chuyển huy hiệu vào tặng từ ủy nhiệm của Trung ương Cục miền Nam. Các đồng chí phải phấn đấu hơn nữa, xứng đáng với tình thương của Bác”.

“Cảm giác lúc đó sung sướng ghê lắm, vừa xúc động vừa tự hào. Chiếc huy hiệu quý giá ấy tôi luôn luôn gài lên ngực áo của mình dù trong hành quân hay khi ra trận, tôi như thấy có Bác bên cạnh, là động lực để tôi chiến đấu, sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc, đất nước mình”, ông Nguyễn Đức Chuyển nói.

Ngày 3/9/1969, Đại hội chiến sĩ thi đua toàn Sư đoàn 2 được tổ chức và ông được chọn báo công. Giữa núi rừng âm u, hoang vắng, chưa kịp vui thì tin Bác Hồ mất, cả đơn vị bàng hoàng, buồn đau. “Chúng tôi kính cẩn làm lễ truy điệu, đứng nghiêm chào tiễn biệt Người mà nước mắt tuôn rơi, cùng lời hứa là sẽ quyết tâm chiến đấu để nhanh chóng giải phóng đất nước, thực hiện mong mỏi của Người”, ông xúc động nói.

Năm 1971, khi cùng Sư đoàn tham gia chiến dịch Nam Lào, ông vẫn đeo chiếc huy hiệu bên mình như là một động lực chiến đấu. Sau đó, Tổng cục Chính trị vào làm việc, nghe đơn vị giới thiệu, đã động viên ông trao tặng tấm huy hiệu của Bác cho bảo tàng. Năm 1979, ông đã vỡ òa xúc động khi thấy nó được trưng bày trang trọng ở Bảo tàng Quân đội kèm chú thích về tên tuổi, chiến công của mình.

Sau khi hoạt động ở chiến trường Nam Lào, ông được cử đi học đại học quân sự ở Hà Nội. Tháng 4/1974, ông tiếp tục về Nam nhận nhiệm vụ làm trợ lý chuẩn bị chiến trường tại Quân khu 5 và công tác tại đây cho đến lúc nghỉ hưu.

Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Chuyển cho biết, sau chiến tranh, ông về làm Phó phòng Quân báo Quân khu 5, ông đã cùng với các ban chuyên trách của quân đội, Quân khu 5 đặt nền móng cho các đoàn tìm kiếm, quy tập hài cốt quân tình nguyện về nước.

Từng có thời gian chiến đấu, công tác ở nước bạn Lào rất lâu, với vốn tiếng Lào thuần thục và trí nhớ của người lính trinh sát nên lúc về hưu, ông tiếp tục tham gia cùng cựu chiến binh Sư đoàn 2 vượt suối sâu, đèo cao, rừng rậm hiểm trở qua các tỉnh Xavannakhet hay Champasak của Lào tìm lại hài cốt những đồng đội đã hi sinh.

Đến nay, dù tuổi đã cao song ông vẫn đau đáu hành trình tìm lại những đồng đội còn nằm lại ở chiến trường Nam Lào, nơi ông và đồng đội đã dành tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc. “Hằng ngày, tôi vẫn dành thời gian nghiên cứu tài liệu để cung cấp cho các ban ngành, thân nhân các liệt sĩ và sau Tết, tôi lại tiếp tục hành trình sang Lào để tìm hài cốt các chiến sĩ còn nằm lại nơi đây”.

Ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, năm 1996, ông đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; nhà nước Lào tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, Bộ Ngoại giao Lào tặng Bằng khen về tìm kiếm liệt sĩ.

Lưu Hương

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/nguoi-totviec-tot/chien-si-trinh-sat-anh-hung-va-chiec-huy-hieu-bac-ho/383128.vgp