Chiến sự khiến thị trường toàn cầu chao đảo

Sau những ngày tháng thấp thỏm dõi theo tình hình căng thẳng tại Ukraine, các loại thị trường trên thế giới cuối cùng đã... 'vỡ òa' với những biến động ghê gớm ngay khi thông tin về những vụ oanh kích đầu tiên trên lãnh thổ Ukraine truyền đến.

Nền kinh tế toàn cầu vốn vẫn đang trong quá trình phục hồi do những tác động sâu rộng của đại dịch COVID-19 giờ đây phải “oằn mình” trước cơn rúng động thị trường toàn cầu. Cuộc khủng hoảng giá trên thị trường dầu mỏ và sự hỗn loạn trên thị trường hàng hóa có nguy cơ gây ra một làn sóng tăng giá mới, làm gia tăng sức ép đối với tình trạng lạm phát vốn đang ở mức cao do tác động của đại dịch.

Dông tố trên mọi thị trường

Với thị trường năng lượng, giá dầu lần đầu tiên tăng vọt lên trên 100 USD/thùng kể từ năm 2014. Trong khi đó, thị trường chứng khoán toàn cầu chìm trong sắc đỏ.

Chứng khoán toàn cầu đỏ sàn

Chứng khoán toàn cầu đỏ sàn

Các thị trường chứng khoán chính của châu Âu mở cửa thấp hơn 2,5% đến 4%. Chỉ số DAX của Đức giảm 5%, chịu gánh nặng của việc bán tháo ồ ạt do phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga và số tiền mà các công ty của họ bán cho Nga. Tuy nhiên, giá dầu tăng đã giúp hạn chế thiệt hại đối với chỉ số FTSE 100 của Anh, mặc dù chỉ số này vẫn giảm 3,3%. FTSE 100 thường được coi là một chỉ số hàng đầu về sự thịnh vượng của các công ty tại Vương quốc Anh cũng như nền kinh tế Anh nói chung. Sau đó, các chỉ số ở Phố Wall cũng sụt giảm tương tự.

Các chỉ số chứng khoán trên toàn thị trường châu Á giảm 2,6% tại phiên mở cửa. Chỉ số STOXX 600 của châu Âu giảm 4% - chạm mức thấp nhất kể từ tháng 5-2021. Chỉ số S&P 500 và Dow Jones giảm 2,5% trong phiên mở cửa. Giới thương nhân miêu tả thị trường Nga và Ukraine là “không thể giao dịch” do đều trong tình trạng rơi tự do.

Nếu như các thị trường chứng khoán trên thế giới tràn ngập sắc đỏ thì thị trường tiền tệ lại chứng kiến những cú tăng mạnh. Trái phiếu chính phủ tiêu chuẩn, đồng USD, đồng franc Thụy Sĩ, đồng yên Nhật đều tăng. Đồng nội tệ của Nga (rouble) giảm xuống mức thấp kỷ lục vào ngày 24-2.

Các loại tài sản cũng tăng mạnh sau cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc. Giá vàng giao ngay tăng thêm 2% vào ngày 24-2, mức cao nhất kể từ đầu tháng 1-2021, khi các nhà đầu tư mua vào để tích trữ như một tài sản đầu tư an toàn. Chỉ số Cboe Volatility - đo lường nỗi “sợ hãi” của Phố Wall - đã tăng hơn 55% trong vòng 9 ngày qua. Giá lương thực như lúa mì và ngô tăng hơn 5% khi cả Nga và Ukraine đều là hai nhà sản xuất lương thực lớn trên thế giới. Giá tiền số Bitcoin sụt giảm.

Ông Hans Peterson, Giám đốc toàn cầu về phân bổ tài sản thuộc Công ty quản lý đầu tư SEB, bình luận: “Không ai ngờ rằng điều này đã xảy ra. Tình trạng đầu cơ tích trữ sẽ diễn ra trong những ngày tới”. Nhà quản lý danh mục đầu tư thuộc quỹ tài sản Abrdn ở London, ông Viktor Szabo phải thốt lên: “Các thị trường hoàn toàn hỗn loạn”.

Theo giải thích của ông Rob Carnell - Trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại ngân hàng và dịch vụ tài chính đa quốc gia Hà Lan ING, các thị trường đang điều chỉnh giá một cách hợp lý hơn trước nguy cơ có điều gì đó tồi tệ và khủng khiếp đang xảy ra. Cùng với sự bất trắc, các thị trường đang ở tình trạng kinh hoàng.

Ông Justin Onuekwusi, nhà quản lý cấp cao tại Công ty đầu tư Legal & General Investment Management, nhận định: “Trước đây, mỗi khi xảy ra chiến sự mang tính địa chính trị nào thì các loại thị trường đều trải qua những giai đoạn rất bất ổn trước khi bình thường trở lại. Tuy nhiên, việc xác định khoảng thời gian bất ổn kéo dài trong bao lâu lại không hề dễ dàng”.

Những rủi ro phía trước

Những hành động quân sự của Nga ở Ukraine có thể không báo trước một cuộc suy thoái toàn cầu khác. Lý do là GDP của hai nước này gộp lại chiếm chưa đầy 2% của GDP toàn cầu. Và, các nền kinh tế phát triển đã có những dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ hơn so với các nền kinh tế đang phát triển. Thế nhưng, một nền kinh tế thế giới vốn đang rất mong manh trong bối cảnh đại dịch chắc chắn không mong đợi cuộc xung đột như vậy. Xung đột có nguy cơ gây ra thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho một số quốc gia và ngành công nghiệp.

Giới đầu tư thấp thỏm

Nga là nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới và là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn. Trong khi đó, nông sản của Ukraine đang đóng góp đáng kể cho nhu cầu lương thực toàn cầu. Các thị trường tài chính trên thế giới đang trong tình trạng bấp bênh do các ngân hàng trung ương chuẩn bị đảo ngược các chính sách nới lỏng tiền tệ được duy trì nhiều năm qua đồng thời chuẩn bị tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát tăng cao.

Vì vậy, giới đầu tư lo ngai cuộc khủng hoảng hiện nay có thể làm gián đoạn nguồn cung năng lượng và các loại hàng hóa, theo đó, sẽ làm gia tăng lạm phát tiêu dùng toàn cầu vốn đang ở mức báo động. Hệ quả sẽ là sự gia tăng nguy cơ xuất hiện một cuộc suy thoái khác. Các nhà đầu tư cũng đang lo âu thấp thỏm chờ xem liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ sớm tung ra chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm ghìm cương tỷ lệ lạm pháp đang tăng mạnh hay không. Câu hỏi hiện nay là liệu hành động quân sự của Nga ở Ukraine sẽ trở thành lý do để các ngân hàng trung ương trì hoãn những động thái như vậy hay liệu giá năng lượng tăng thêm lại là động lực thúc đẩy các ngân hàng trung ương thắt chặt tiền tệ hay không.

Châu Âu là khu vực chịu nhiều ảnh hưởng hơn cả khi hơn 50% lượng dầu và khí đốt tiêu thụ của khu vực là nhập khẩu từ Nga. Người dân châu Âu đang phải trả hóa đơn cao hơn cho mức tiêu thụ điện và sưởi ấm. Giá khí đốt đắt đỏ đã khiến một số lĩnh vực sản xuất phải cắt giảm hoạt động. Chi phí năng lượng chiếm hơn một nửa tỷ lệ lạm phát kỷ lục của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vào tháng 1-2022. Tình trạng không chắc chắn về nguồn cung dầu và khí đốt của Nga trong tương lai có thể làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng năng lượng và lạm phát mà châu Âu đang phải đối mặt. Giới chức Ngân hàng Trung ương châu Âu lo ngại giá năng lượng duy trì ở mức cao sẽ làm suy giảm tiến trình phục hồi kinh tế của khối. Hai nhà nghiên cứu Oliver Rakau và Mateusz Urban thuộc Công ty phân tích và dự báo Oxford Economics nhận định: “Căng thẳng leo thang đặt hai nền tảng của phục hồi tăng trưởng dự kiến năm 2022 - gồm sự phục hồi trong chi tiêu của người tiêu dùng và sự tăng trưởng trong hoạt động công nghiệp - đối mặt với nhiều rủi ro hơn nữa”.

Là nền kinh tế đầu tàu châu Âu, một số kế hoạch phát triển kinh tế của Đức có thể sẽ bị đảo lộn. Berlin có kế hoạch cho “nghỉ hưu” các nhà máy điện hạt nhân trước cuối năm 2022. Vì vậy, để bù đắp cho kế hoạch này, Đức đã đầu tư vào dự án Dòng chảy phương Bắc 2 để tăng gấp đôi nguồn cung khí đốt từ Nga. Thế nhưng, công tác cấp phép hoạt động cho dự án này hiện đang bị đình chỉ như một phần của các đòn trừng phạt đối với Nga.

Mặc dù Mỹ có thể gặp ít rủi ro hơn so với châu Âu về vấn đề nguồn cung năng lượng song chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn phải chuẩn bị đối phó với những rủi ro chính trị. Đảng Dân chủ phải bảo vệ thành trì của mình trong thế đa số mong manh ở quốc hội trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022. Thế nhưng, nhiệm vụ này đang gặp phải thách thức khi cử tri Mỹ đang bất bình khi phải trả tiền bơm xăng cao hơn.

Trước những lo lắng về tình hình địa chính trị, ông Michael Taylor, Giám đốc quản lý bộ phận dịch vụ các nhà đầu tư của tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody's, cảnh báo rằng giới đầu tư có thể chuyển sang đầu tư trái phiếu hoặc các loại hình đầu tư siêu an toàn khác, do đó làm tăng chi phí tín dụng tương đối cho các doanh nghiệp rủi ro hơn. Các nhà đầu tư phát triển bất động sản Trung Quốc có thể phải chịu rủi ro này một cách đặc biệt khi họ nỗ lực xoay vòng các khoản nợ nước ngoài lớn trong năm nay.

Về rủi ro đối với an ninh lương thực, do cả Nga và Ukraine đều là những nhà sản xuất lúa mì lớn và giá lúa mì đã tăng do các thương nhân lo ngại về khả năng các chuyến hàng qua Biển Đen bị gián đoạn. Điều này đặc biệt đáng lo ngại đối với các quốc gia ở Bắc Phi. Khu vực này từng hứng chịu tình trạng bất ổn kinh tế, xã hội và thậm chí cả bất ổn chính trị với các cuộc lật đổ chính phủ mà một nguyên nhân sâu xa là giá lương thực, đặc biệt giá bánh mì tăng cao khiến người người dân thu nhập thấp không có khả năng chi trả. Ở góc độ lớn hơn, cuộc khủng hoảng giá năng lượng và lương thực có thể là cú đòn kép đối với các nước đang phát triển trong quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Mặc dù vậy, phần lớn chuyên gia kinh tế đều hy vọng cơn biến động giá cả trên thị trường sẽ sớm kết thúc, để tiến trình phục hồi kinh tế sau đại dịch sẽ không bị “trật bánh” hơn nữa. Paul Donovan - nhà kinh tế trưởng tại Công ty dịch vụ tài chính toàn cầu UBS - trấn an: “Thị trường quên rằng con người biết cách thích ứng với khủng hoảng và tìm ra những giải pháp hiệu quả tối ưu, theo đó, tiến trình phục hồi kinh tế sẽ không bị ảnh hưởng nhiều”.

Ông Larry Adam, Giám đốc đầu tư của Công ty tài chính và Ngân hàng độc lập đa quốc gia của Mỹ Raymond James, cho rằng nhìn chung, chính các điều kiện kinh tế và chính sách của FED mới là động lực lâu dài cho các thị trường tài chính chứ không phải những sự kiện địa chính trị riêng rẽ. Tuy nhiên, những tác động về của một cuộc tấn công đối với thị trường và kinh tế toàn cầu có thể gây ra rủi ro suy giảm ngắn hạn đối với nền kinh tế toàn cầu và khiến tình trạng bất ổn thị trường kéo dài.

Chiến lược nào cho giới đầu tư?

Nhìn chung, các nhà phân tích cho rằng giới đầu tư cần tiếp tục đầu tư nếu họ có kế hoạch đầu tư dài hạn và các nhà đầu tư quỹ tương hỗ cần tiếp tục kế hoạch đầu tư có hệ thống (chương trình đầu tư định kỳ) mà không nên chia nhỏ khoản đầu tư của mình. Mặt khác, cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ tạo ra một đợt điều chỉnh quy mô lớn và điều này sẽ đem lại cơ hội để các nhà đầu tư lựa chọn những cổ phiếu chất lượng tốt với chi phí đầu tư hấp dẫn.

Tin chiến sự khiến chứng khoán giảm và giá dầu tăng

Ông V K Vijayakumar, chiến lược gia trưởng về mảng đầu tư của Công ty dịch vụ đầu tư Geojit Financial Services có trụ sở ở Ấn Độ, khuyến nghị: “Các nhà đầu tư nên chờ đợi và theo dõi diễn biến tình hình trước khi đưa ra bất kỳ cam kết lớn nào. Việc mua vào chỉ nên giới hạn ở những phân khúc cổ phiếu có giá trị tương đối cao hoặc thể hiện khả năng thu lợi tốt”.

Theo các chiến lược gia, các nhà đầu tư có thể chuyển hướng thị trường của mình, như trường hợp ở Mỹ và Nga. Để chuẩn bị cho một loạt tác động đối với khí đốt tự nhiên và giá dầu trên thị trường, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi các đối tác và đồng minh cũng như các nhà sản xuất trên toàn cầu đẩy mạnh sản lượng. Trong khi đó, Nga cũng đã “đi trước một bước” để tránh gây thiệt hại cho lĩnh vực năng lượng của mình khi ký với “bạn hàng” Trung Quốc hợp đồng cung cấp dầu và khí đốt tự nhiên trị giá hơn 117 tỷ USD trong vòng 30 năm. Việc ký kết này được thực hiện trong khuôn khổ chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Putin đầu tháng 2-2022.

Hà Ngọc (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/chien-su-khien-thi-truong-toan-cau-chao-dao-i645435/