Chiến sự Syria chuyển biến tích cực

Sau gần 3 tháng rưỡi, chiến dịch tấn công cứ điểm cuối cùng do quân khủng bố tại Syria chiếm giữ đã thu được chút kết quả. Tuy nhiên, con đường giải phóng toàn bộ đất nước sau 8 năm nội chiến của Syria còn khá xa do sự can thiệp của các cường quốc khu vực và thế giới.

Theo Tổ chức Đài quan sát nhân quyền Syria (OSDH), sáng 11-8, lực lượng Chính phủ Syria được không quân Nga yểm trợ tối đa đã chiếm được thị trấn Al-Hobeit. Thị trấn Al-Hobeit nằm trong sự chiếm giữ của nhóm phiến quân Jaysh Al-Izza và Hay’at Tahrir Al-Sham (được biết đến với tên HTS hay Al-Qaeda Syria). Cuộc xung đột vũ trang ở Syria diễn ra từ năm 2011. Cuối năm 2017, Syria đã tuyên bố chiến thắng trước IS tại một số vùng của đất nước, tuy nhiên việc tiêu diệt các phần tử khủng bố trốn chạy vẫn chưa dừng lại.

Hiện tại, việc tìm giải pháp chính trị cho cuộc xung đột, đưa người tị nạn trở về nhà là những ưu tiên của Chính phủ Syria. Idlib là tỉnh cuối cùng ở Syria đang nằm dưới kiểm soát bởi những kẻ khủng bố và thành viên của các băng đảng vũ trang bất hợp pháp.

Tháng 9-2018, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ký thỏa thuận thành lập vùng đệm phi quân sự tại Idlib. Nhưng nhiều nhóm nổi dậy và phiến quân Hồi giáo, trong đó có nhóm HTS vẫn bám trụ tại đây và thường xuyên mở các cuộc tập kích vào quân đội Syria khiến thỏa thuận bị phá vỡ từ ngày 30-4-2019.

Từ đó đến nay, cuộc chiến giằng co giữa hai bên đã khiến nhiều người thiệt mạng. Chiến dịch tái chiếm Ilib của quân đội Syria với sự trợ giúp của không quân Nga đã gây phản ứng từ một số nước phương Tây. Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng Twitter cáo buộc Nga và Syria đang “sát hại dân thường bừa bãi ở Idlib”, đồng thời yêu cầu không quân hai nước ngừng ném bom nhằm vào tỉnh này.

Quân đội Syria pháo kích căn cứ của quân khủng bố ở Ilib.

Quân đội Syria pháo kích căn cứ của quân khủng bố ở Ilib.

Đáp lại những cáo buộc, Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc cho biết mục tiêu của phương Tây là duy trì một ổ khủng bố ở Syria để sử dụng chúng trong tương lai. “Phương Tây đang cố gắng duy trì ổ khủng bố ở Idlib”, đại diện đặc biệt của Nga tại Liên Hiệp Quốc, Vassili Nebenzia, phát biểu trong một cuộc họp của Hội đồng Bảo an bàn về tình hình ở khu vực này của Syria ngày 30-7.

Theo các nhà phân tích, quân đội Syria sẽ chưa thể giành thắng lợi quyết định một cách dễ dàng khi các tay súng phiến quân bắt đầu tập trung lực lượng trở lại để mở đợt phản công. Quân đội Syria đã nhiều lần bị đánh bật khỏi những vị trí mà họ chiếm đóng được sau khi hứng chịu các đòn phản công quyết liệt từ phiến quân khủng bố. Ngoài ra, không thể bỏ qua nhân tố Thổ Nhĩ Kỳ trong bàn cờ địa chính trị khu vực, Ankara đã trực tiếp hiện diện tại Idlib và không dễ dàng chứng kiến quân đội Syria lấn lướt quá nhanh các lực lượng mà Ankara coi là các phe nhóm đối lập chứ không phải khủng bố.

Chính quyền Ankara từng hành động để ngăn chặn mọi hoạt động quân sự có thể của quân đội Syria ở khu vực Idlib bằng nhiều cách khác nhau. Bao gồm việc cung cấp cho các nhóm vũ trang thân Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực một loạt vũ khí mới, bao gồm cả tên lửa chống tăng và thiết bị phòng không. Khi Ankara chưa có động thái rõ ràng như các chiến dịch tấn công của quân đội Syria trước đây thì cuộc chiến giải phóng Idlib là câu chuyện đầy chông gai.

Sự hỗ trợ của không quân Nga trong chiến dịch tái chiếm Ilib đã khiến các nhóm khủng bố và “đối lập ôn hòa Syria” thực hiện nhiều cuộc tấn công vào căn cứ không quân Nga Hmeymim ở tỉnh Lattakia bằng máy bay không người lái có vũ trang. 6 máy bay không người lái chuẩn bị tấn công căn cứ không quân Hmeimim của Nga ở Syria đã bị bắn rơi ngày 11-8, theo Bộ Quốc phòng Nga.

Đầu tuần trước, các phiến quân tấn công bằng đại bác tuy không ảnh hưởng tới căn cứ nhưng làm bị thương 4 dân thường, theo RT. Đầu tháng 5-2019, căn cứ từng bị tấn công bởi hàng chục tên lửa nhưng không bị hư hại.

Căn cứ không quân Nga Hmeymim ở tỉnh Lattakia.

Ngoài ra, căn cứ của Nga ở Syria cũng liên tiếp bị Mỹ dòm ngó. Ngày 27-7, một máy bay tuần tra chống ngầm P-8A Poseidon của Mỹ đã tiếp cận căn cứ không quân Hmeimim từ phía Tây. Tuy nhiên, máy bay này quyết định quay đi trước khi tới bờ biển Syria. Năm ngoái, Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc máy bay do thám US Poseidon 8 của Mỹ hỗ trợ cuộc tấn công bằng 13 chiến đấu cơ không người lái nhắm vào căn cứ, sau khi phát hiện máy bay này bay trên bầu trời Địa Trung Hải vào cùng thời điểm. Phía Mỹ phủ nhận cáo buộc này.

Tính đến nay, Syria vẫn bị chia cắt thành nhiều phần, trong đó: phần Đông-Đông Bắc bị đặt dưới quyền kiểm soát của Mỹ và đồng minh người Kurd; miền trung, miền nam, phía Tây và một phần phía Đông do Nga và quân đội Syria nắm giữ; phía Bắc bị Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm vũ trang do họ hậu thuẫn chiếm đóng, còn lực lượng đối lập đang chiếm giữ một phần lãnh thổ Tây Bắc.

Ngày 4-8 vừa qua, Đại tướng Sergei Rudskoy, Cục trưởng Cục Tác chiến thuộc Bộ Tổng tham mưu Nga, cho biết số lượng các công ty quân sự tư nhân của Mỹ gần đây đã gia tăng tại các cơ sở dầu mỏ ở Syria. Theo ông, số lính đánh thuê tại Syria “vượt quá 3.500 người” (lực lượng chính thức của Mỹ tại Syria vào khoảng 2.500 binh sĩ). Chính quyền Damas và người Kurd đã nhiều lần cố gắng hòa giải với nhau. Nhưng các cuộc tham vấn chỉ diễn ra khi người Mỹ thể hiện bằng hành động hoặc tuyên bố ý định giảm sự hỗ trợ cho đồng minh người Kurd của họ.

Chẳng hạn, vào tháng 6-2018, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã phê duyệt “một lộ trình” để ổn định tình hình tại thành phố Manbij ở phía Bắc Syria. Thỏa thuận này bao gồm sự cần thiết phải loại bỏ quân đội người Kurd. Điều này đã khiến người Kurd ngồi vào bàn đàm phán với Damas. Tuy nhiên, cuộc đối thoại đã kết thúc trong bế tắc.

Các cuộc tham vấn đầy đủ giữa chính quyền Damas và người Kurd đã được nối lại khi Tổng thống Donald Trump vào cuối năm 2018 tuyên bố ý định rút quân đội Mỹ khỏi Syria. Nhưng sau khi ông chủ Nhà Trắng nói lại rằng người Mỹ sẽ ở lại Syria trong một thời gian không xác định thì mối quan hệ hợp tác giữa các phái ở Syria đã tan thành mây khói. Tình hình bây giờ còn tồi tệ hơn.

Với sự im lặng của Mỹ, người Kurd thậm chí còn trở nên ít hòa giải hơn và còn đưa ra các điều kiện để hòa giải. Họ yêu cầu chính quyền Syria liên bang hóa và trao quyền tự chủ cho người Kurd. Tuy nhiên, điều này có nguy cơ làm tan rã và sụp đổ Syria.

Mộc Thạch (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/chien-su-syria-chuyen-bien-tich-cuc-557538/