Chiến sỹ CSCĐ cho ngón tay vào miệng cứu bé trai: Hình ảnh đẹp tại sao chỉ trích?

Hình ảnh CSCĐ nhăn mặt chịu đau đưa ngón tay vào miệng cháu bé đang lên cơn co giật để tránh cho cháu cắn phải lưỡi khiến người ta 'gai người' cảm phục. Thế nhưng sau đó trên một số trang mạng xã hội, một vài tờ báo mạng lại cho rằng việc làm tuy đẹp nhưng chưa đúng cách có thể gây nguy hiểm cho cháu bé.

Hình ảnh chiến sỹ CSCĐ cho ngón tay vào miệng cứu bé trai lay động trái tim nhiều người (nguồn internet)

Hình ảnh chiến sỹ CSCĐ cho ngón tay vào miệng cứu bé trai lay động trái tim nhiều người (nguồn internet)

Chúng ta có máy móc quá không?

Tuần qua, hình ảnh chiến sỹ cảnh sát cơ động (CSCĐ) ôm cháu bé bị lên cơn động kinh co giật tại sân Thiên Trường (chiều ngày 4/8) trở thành tâm điểm trên mạng xã hội. Cụ thể:

Trận đấu giữa Nam Định - Hoàng Anh Gia Lai thu hút hơn 3 vạn cổ động viên đến sân cổ vũ. Sân bóng không khác gì chảo lửa và càng nóng hơn trước sự cố từ phía khán đài.

Khoảng phút 70 trận đấu một cổ động viên nhí khoảng 4-5 tuổi có dấu hiệu mất ý thức, lên cơn co giật. Ngay lập tức cháu bé được di chuyển khỏi khán đài đông đúc ngột ngạt rồi được một chiến sĩ CSCĐ vừa bế vừa chạy ra chỗ xe cứu thương của sân, một người khác thì lấy tay cho vào miệng để tránh tình trạng nuốt lưỡi. Chiến sĩ cảnh sát kể trên lộ rõ gương mặt đau đớn do cậu bé vẫn cắn chặt ngón tay anh.

Hình ảnh này sau đó được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, làm lay động trái tim bao người. Trước sự phản ứng kịp thời và cách ứng xử đẹp của các chiến sĩ CSCĐ. Tuy nhiên, một số người cũng nêu ý kiến cho rằng cách sơ cứu như vậy không chính xác và có thể gây nguy hiểm cho nạn nhân. Họ cho rằng cần để cậu bé nằm yên, nghiêm mình và không nên cho tay vào miệng.

Một số người cho rằng, đây là một hình ảnh đẹp. Đem lại hiệu quả về mặt truyền thông rất tốt về các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ.

“Nhưng, nó cũng cho thấy rằng kiến thức sơ cấp cứu của những người làm việc tại nơi công cộng đang bị hổng rất nhiều. Mặc dù nhiều lần mình khẳng định các nhân viên làm việc nơi đông người phải được huấn luyện về sơ cấp cứu.

Theo đó, SAVE-an toàn là từ khóa cho mọi hành động cấp cứu. An toàn cho người tham gia cứu hộ và an toàn cho nạn nhân. THỜI GIAN là vàng nhưng AN TOÀN là mạng sống”.

Trong tình trạng động kinh, nguy cơ cắn phải lưỡi rất ít, vì khi co giật cơ sẽ co cứng lại và tăng trương lực. Như vậy lưỡi sẽ tụt xuống chứ chả bao giờ lè ra để cắn phải. Điều đáng sợ nhất là tụt lưỡi gây ngạt và sặc đờm dãi vào phổi gây viêm phổi do nuốt.

“Trong các sách sơ cấp cứu. Vết cắn do người được xếp mức độ nhiễm trùng và nguy hiểm cao hơn súc vật cắn vì hệ vi khuẩn trong khoang miệng của người đôi khi phong phú hơn động vật.

Tiếp nữa, khi cho dị vật nào đó vào mồm, sẽ gây nguy cơ đẩy dị vật nếu có vào sâu hơn. Và gây ngạt. Chưa kể nếu cơn co giật mạnh, sẽ làm gãy răng nạn nhân. Đó là thông tin từ những người tìm hiểu và có chuyên môn sâu về y khoa lý giải. Thế nhưng có thể họ chưa hiểu rõ về hoàn cảnh của sự việc. Không phải khi nào cũng máy móc theo sách vở.

Câu chuyện phía sau

Theo tìm hiểu người cho tay vào miệng cháu bé để tránh việc cháu cắn phải lưỡi là Đại úy Trần Đức Giảng, hiện đang công tác tại Phòng Cảnh sát cơ động Công an Nam Định.

Đại úy Trần Đức Giảng nhận cháu bé từ một chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy (nguồn internet).

“Trên khán đài hô hào tôi nghe có người nói là nó co giật và yêu cầu chuyển cháu bé xuống bên dưới nên tôi bế cháu chạy đến khu vực y tế.

Chỉ nghĩ rất đơn giản làm thế nào để cháu không cắn vào lưỡi thôi. Tay rất đau, rất buốt nhưng vẫn cố kiên trì để di chuyển cháu đến khu vực y tế an toàn.” Đại úy Giảng nghẹn ngào chia sẻ.

Ấy vậy mà khi những hình ảnh trên được chia sẻ có nhiều ý kiến cho rằng chiến sĩ CSCĐ di chuyển, sơ cứu không đúng cách.

Những người chỉ trích cách sơ cứu của chiến sĩ CSCĐ chưa đúng cách họ có những căn cứ, luận điểm riêng nhưng dường như lại chưa hiểu rõ hết sự tình. Người ta mới nhìn hành động cho tay vào miệng giữ lưỡi của chiến sĩ CSCĐ đã vội vàng đưa ra nhận định trái chiều những suy diễn. Thậm chí những chỉ trích, suy diễn kia biết đâu còn khiến chiến sĩ cảnh sát kia đau gấp trăm, ngàn lần việc bị cậu bé kia cắn trong cơn động kinh.

Khi quan sát kỹ nhưng clip về sự việc trên chúng ta có thể thấy rõ ràng rằng Đại úy Trần Đức Giảng nhận cháu bé từ một chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy đang làm việc tại sân Thiên Trường ngày hôm đó.

Trao đổi với báo chí Thiếu úy Trần Quang Đạt người đã sơ cứu cháu bé trước đó để chuyển cho đại úy Giảng chia sẻ:

“Khi xảy ra sự việc tôi đã tiến hành các biện pháp nghiệp vụ của mình di tản tất cả mọi người xung quanh. Khi thấy cháu bé nghiến chặt răng. Theo nghiệp vụ tôi đã chặn lưỡi lại để không cho lưỡi làm tắc đường thở. Có ngay đồng chí Giảng và đồng chí Hiếu ở dưới đấy nên tôi đã nhắc đồng chí Giảng là chặn lưỡi lại”.

Trong trường hợp này chúng ta hãy khoan nhận định hay đánh giá về việc đúng sai. Mà trước hết hãy nhìn lại một chút và suy nghĩ về sự việc. Đầu tiên hãy nhìn về kết quả đó là cháu bé đã thoát khỏi cơn nguy kịch trước sự giúp đỡ của lực lượng an ninh. Tiếp theo là nơi cháu ngất không phải là bờ đê, cánh đồng vắng vẻ mà là khán đài sân vận động nghìn người ngột ngạt ảnh hưởng đến việc sơ cứu cháu bé.

Tuấn Anh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/song-khoe/chien-sy-cscd-cho-ngon-tay-vao-mieng-cuu-be-trai-hinh-anh-dep-tai-sao-chi-trich-465859.html