Chiến thắng A Bia - nửa thế kỷ vẹn nguyên giá trị

Sâu lắng, xúc động và đầy tự hào là cảm nhận chung của nhiều người khi có mặt tại buổi tọa đàm kỷ niệm 50 năm Chiến thắng A Bia (1969-2019) vừa diễn ra tại Hà Nội, do Ban liên lạc truyền thống cựu chiến binh (CCB) Sư đoàn 324 (Quân khu 4) khu vực phía Bắc tổ chức.

 Cựu chiến binh Sư đoàn 324 tham gia tọa đàm 50 năm Chiến thắng A Bia (1969-2019).

Cựu chiến binh Sư đoàn 324 tham gia tọa đàm 50 năm Chiến thắng A Bia (1969-2019).

Có mặt tại buổi tọa đàm, nhiều CCB thuộc Sư đoàn 324 nay tóc đã bạc, sức khỏe giảm sút nhưng nhắc lại trận đánh trên đồi A Bia (còn gọi là "đồi thịt băm") năm xưa, ai cũng phấn chấn lên hẳn. Thiếu tướng Lê Huy Mai, nguyên Chủ nhiệm trinh sát Trung đoàn 1, Sư đoàn 324, hào sảng cho biết: “Trận đánh A Bia diễn ra trên cao điểm 937 (nay thuộc địa bàn xã Hồng Bắc, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế) giữa quân ta với Mỹ-ngụy vào tháng 5-1969 là trận chiến đấu đỉnh cao về nghệ thuật quân sự. Trận đánh có ý nghĩa lịch sử quan trọng, làm thay đổi cục diện chiến trường, đánh bại âm mưu của địch là đẩy cơ quan chỉ huy và bộ đội chủ lực của ta ra sát biên giới Việt-Lào, phá kho tàng, cắt đường vận chuyển, tiếp tế Bắc-Nam".

A Bia là điểm cao nổi lên giữa thung lũng A Sầu, cách biên giới Việt-Lào khoảng 2km. Liên quân Mỹ-ngụy cho rằng đây là khu vực địa hình quan trọng nên huy động 3 tiểu đoàn bộ binh thuộc lữ đoàn dù số 3, sư đoàn không vận 101 Hoa Kỳ và 2 tiểu đoàn thuộc sư đoàn 1, quân đội Sài Gòn tham chiến. Mỹ-ngụy coi đây là chiến dịch then chốt, hòng cắt đứt con đường vận chuyển chiến lược Bắc-Nam của ta. Tuy nhiên, kế hoạch đánh chiếm thung lũng A Sầu của Mỹ-ngụy đã được Bộ tư lệnh Quân khu Trị Thiên dự kiến từ trước nên điều Trung đoàn 3 thuộc Sư đoàn 324 kết hợp với lực lượng du kích tại chỗ chiến đấu. Ta sử dụng chiến thuật vận động tiến công kết hợp chốt, dụ địch vào sát vùng rừng núi A Bia hiểm trở để tiêu diệt.

Là một trong những người được giao nhiệm vụ giữ chốt trong trận đánh A Bia, Đại tá Nguyễn Thanh Xuân, nguyên chiến sĩ Đại đội 6, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 3, Sư đoàn 324, nhớ lại: “Đúng như dự đoán, Mỹ-ngụy tấn công A Bia từ sáng 10-5-1969. Sáng hôm ấy, Tiểu đoàn 8 nổ súng tiến công một đại đội thuộc tiểu đoàn dù của Mỹ, khiến hàng chục tên tử trận. Tiểu đoàn 7 cử Đại đội 1 tấn công cao điểm 903, buộc chúng phải rút hai đại đội ra khỏi trận địa. Sau đó Mỹ-ngụy dùng pháo binh, không quân đánh phá trận địa của ta khiến chiến trường A Bia ngày càng ác liệt”.

Đêm 11-5, Tiểu đoàn Đặc công của Quân khu Trị Thiên tấn công sở chỉ huy lữ đoàn dù số 3 của Mỹ ở căn cứ Động Tranh gây cho chúng nhiều thiệt hại, buộc địch phải đưa tiểu đoàn 2/506 về bảo vệ sở chỉ huy. Từ ngày 15-5, biết lữ đoàn dù số 3 của Mỹ đang nỗ lực đánh chiếm A Bia, Trung đoàn 3 quyết định đưa Tiểu đoàn 9 vào chiến đấu; đồng thời tập trung lực lượng cùng Tiểu đoàn 8 đào hầm, phát triển sang sườn tây bắc điểm cao A Bia nhằm tránh pháo Mỹ. Với hệ thống công sự kiên cố, ta chặn được nhiều đợt tấn công của địch, đồng thời phản công tiêu diệt hàng trăm lính Mỹ. Ngày 17-5, Tiểu đoàn 7 chiếm được đồi Yên Ngựa, nối thông trận địa trên đồi A Bia với hậu phương.

Thiếu tướng Võ Chót, nguyên Tham mưu trưởng Trung đoàn 1, Sư đoàn 324, cho biết: “Ngày 21-5, chúng tôi nhận lệnh vào A Bia, thay Trung đoàn 3 làm nhiệm vụ ngăn chặn không cho địch tiến sâu vào hậu phương và tấn công tiêu diệt địch. Lúc bấy giờ, địch tập trung hỏa lực mạnh, phản công liên tục quyết giữ khu vực đường 12 và 14, đoạn qua A Lưới, Động Tranh. Nhưng quân ta đã chủ động tập kích, phục kích và kiên trì chiến thuật vận động tấn công kết hợp chốt, dụ địch vào sát vùng núi A Bia hiểm trở để tiêu diệt”. Bị thiệt hại nặng, ngày 5-6, lữ đoàn dù số 3, sư đoàn không vận số 101 của Mỹ buộc phải rút quân. Với thất bại liên tiếp, đến giữa tháng 8-1969, địch rút quân hoàn toàn.

Đánh giá về ý nghĩa của Chiến thắng A Bia, các ý kiến tại tọa đàm đều chung nhận định: Tổn thất trong trận đánh A Bia đã buộc Mỹ phải đẩy nhanh chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" và tuyên bố đợt rút quân viễn chinh đầu tiên. Đây là bước ngoặt trong chiến tranh Việt Nam. Chiến thắng A Bia đã cổ vũ và thúc đẩy phong trào nhân dân ta đấu tranh chống lại âm mưu “bình định nông thôn” của ngụy quyền Sài Gòn ở Trị Thiên, mở đầu cho giai đoạn khôi phục thế trận xuống đồng bằng, lập lại thế ba vùng chiến lược sau Tết Mậu Thân năm 1968.

Kết thúc buổi tọa đàm, ông Lê Xuân Niêm, Giám đốc Trung tâm Giáo dục truyền thống và lịch sử (Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam), cho biết: “Chiến thắng A Bia năm 1969 là một phần quá khứ hào hùng của Sư đoàn 324. Trở về đời thường, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 324 vẫn hăng say lao động. Nhiều người đã trở thành doanh nhân giỏi, có cơ hội giúp đỡ đồng chí, đồng đội. Đó là phẩm chất của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 324-phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ”.

Bài và ảnh: PHẠM KIÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/chien-thang-a-bia-nua-the-ky-ven-nguyen-gia-tri-576541