Chiến thắng biểu tượng của 'phe dân chủ' Hong Kong

Các ứng viên ủng hộ dân chủ ở Hong Kong giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử cấp quận mang ý nghĩa biểu tượng lớn, khi số lượng cử tri đi bỏ phiếu trong ngày 24/11 đạt kỷ lục.

Ứng viên Kelvin Lam ăn mừng chiến thắng với những người ủng hôạ̉nh: Getty

Ứng viên Kelvin Lam ăn mừng chiến thắng với những người ủng hôạ̉nh: Getty

Theo truyền thông địa phương, các ứng viên ủng hộ dân chủ giành được 388 ghế, trong khi phe ủng hộ thể chế chỉ giành được 59 ghế. Năm ghế còn lại thuộc về các ứng viên độc lập. Tỷ lệ này có nghĩa là 17 trong tổng số 18 hội đồng cấp quận giờ đã thuộc quyền kiểm soát của phe ủng hộ dân chủ. Kể từ cuộc bỏ phiếu năm 2015 đến nay, tất cả hội đồng cấp quận đều thuộc quyền kiểm soát của phe ủng hộ thể chế.

Gần 3 triệu cử tri đã đi bỏ phiếu, tương đương 71%, gần gấp đôi tỷ lệ đi bầu trong cuộc bỏ phiếu tương tự cách đây 4 năm. Số lượng ứng viên tranh cử lần này cũng đạt kỷ lục, với 1.104 người.

Được phân mức ngân sách hằng năm khoảng 1 triệu đô la Hong Kong (gần 3 tỷ đồng), các hội đồng cấp quận chủ yếu giám sát những công việc của cộng đồng và những cuộc bầu cử trước đây ở cấp này thường ít được quan tâm. Nhưng tình hình chính trị nhiều xáo trộn trong vài năm gần đây khiến cuộc bầu cử này trở thành thước đo dư luận quan trọng.

Các ứng viên ủng hộ dân chủ vừa giành chiến thắng bao gồm Lester Shum - cựu thủ lĩnh phong trào biểu tình năm 2014, và Kelvin Lam - người chỉ quyết định tham gia tranh cử sau khi nhà hoạt động Joshua Wong (Hoàng Chi Phong) bị cấm tham gia.

CNA dẫn lời nhà khoa học chính trị Ma Ngok ở ĐH Trung Văn Hong Kong cho rằng, kết quả bầu cử này bác bỏ tuyên bố trước đây của chính quyền rằng họ có sự ủng hộ của dư luận. Ông Ivan Choy, một giảng viên cấp cao về chính trị bầu cử tại ĐH Trung văn Hong Kong, nói rằng, hầu hết người dân thành phố coi cuộc bầu cử cấp quận này là một cuộc “trưng cầu ý dân”.

Trước khi kết quả kiểm phiếu được hoàn tất trong ngày hôm qua, các nhân vật đi đầu của phe ủng hộ dân chủ đã kêu gọi Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam và chính quyền Hong Kong ngay lập tức chấp nhận các yêu cầu của người biểu tình. Một số người còn kêu gọi toàn bộ chính quyền đặc khu từ chức.

Bà Lam nói rằng, chính quyền thành phố sẽ “lắng nghe một cách khiêm nhường” tiếng nói của người dân.

Phát biểu tại Tokyo sau cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói: “Đây chưa phải kết quả cuối cùng. Hãy chờ kết quả cuối cùng đã, được chứ? Tuy nhiên, rõ ràng là dù điều gì xảy ra, Hong Kong vẫn là của Trung Quốc và là một khu vực hành chính đặc biệt của Trung Quốc. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm làm rối loạn Hong Kong, thậm chí phá hoại sự thịnh vượng và ổn định của thành phố cũng sẽ không thành công”, AP dẫn lời ông Vương.

Bình Giang

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/chien-thang-bieu-tuong-cua-phe-dan-chu-hong-kong-1490626.tpo