Chiến thắng cả F-15C nhưng vì sao MiG-21 Bison Ấn Độ bị JF-17 bắn hạ dễ dàng?

Hiện tại các nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Pakistan cũng như các hãng thông tấn lớn trên thế giới đều cho rằng đối thủ bắn rơi chiếc MiG-21 Bison của Không quân Ấn Độ là tiêm kích JF-17.

Ngày 27/2 đã diễn ra trận không chiến dữ dội giữa các máy bay chiến đấu Ấn Độ và Pakistan, kết quả là đã có 1 chiếc MiG-21 Bison của Không quân Ấn Độ bị bắn hạ.

Đối thủ đã bắn rơi tiêm kích MiG-21 Bison được xác định là chiến đấu cơ hạng nhẹ JF-17 Thunder - sản phẩm hợp tác chế tạo giữa Trung Quốc và Pakistan.

JF-17 được coi như tiêm kích giá rẻ dành cho những quốc gia có ngân sách quốc phòng hạn chế, tính năng của nó bị nhận xét là còn kém xa J-10, vậy tại sao nó lại dễ dàng vượt qua MiG-21 Bison?

Cần lưu ý rằng trong các cuộc tập trận Red Flag cùng Không lực Hoa Kỳ, MiG-21 Bison của Ấn Độ còn được ghi nhận đã nhiều lần chiến thắng F-15C - chiếc tiêm kích hạng nặng có tính năng vượt rất xa JF-17.

Vấn đề đầu tiên cần xác định đó là MiG-21 chưa bao giờ có khả năng tác chiến độc lập, nguyên nhân chính là do khoang mũi của nó quá nhỏ, không thể tương thích với radar đường kính lớn.

Mặc dù đã được nâng cấp bằng radar Kopyo-21 nhưng khí tài này chỉ cải thiện chút ít năng lực không chiến tầm xa của MiG-21 chứ chưa đủ sức giúp nó tác chiến độc lập.

Trong các cuộc tập trận Red Flag với Không lực Hoa Kỳ, MiG-21 Bison không độc lập tác chiến cùng F-15C mà nó được sự chỉ dẫn từ radar N011M BARS của tiêm kích Su-30MKI.

Khi được kết nối với một chiếc mini AWACS như Su-30MKI cùng một số "luật chơi" đặc biệt thì MiG-21 Bison không quá thua thiệt trước F-15C, nó thậm chí còn chiếm được vị trí có lợi nhờ sự hướng dẫn chi tiết.

Trong khi đó ở tình huống không chiến thực tế vừa xảy ra, MiG-21 Bison gần như phải độc lập tác chiến hoàn toàn, nó không có Su-30MKI bay kèm để chỉ dẫn cũng như sự hỗ trợ của radar mặt đất.

Trong hoàn cảnh đó, MiG-21 Bison rõ ràng mất mọi lợi thế khi đối đầu với chiếc JF-17 Thunder của Không quân Pakistan khi chiếc chiến đấu cơ hạng nhẹ kia có radar mảng pha quét thụ động tốt hơn nhiều.

Kết quả của trận không chiến trên chẳng hề gây ra bất cứ một chút ngạc nhiên nào, đặc biệt là nếu như những tính năng của JF-17 đúng như những gì Trung Quốc từng giới thiệu.

Để tiêm kích MiG-21 Bison phát huy được hiệu quả, nó chắc chắn không thể tách khỏi biên đội tác chiến hỗn hợp cùng chiến đấu cơ hạng nặng Su-30MKI.

Ngoài ra sau sự kiện vừa rồi, có lẽ Không quân Ấn Độ cần khẩn trương nối lại gói thầu mua sắm 126 tiêm kích đa năng thế hệ mới (MMRCA) để sớm cho MiG-21 Bison được nghỉ hưu.

Những ứng viên sáng giá để thay thế MiG-21 Bison của Không quân Ấn Độ được nhận định bao gồm Rafale của Pháp, MiG-35 của Nga và F-21 do Mỹ giới thiệu.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-chien-thang-ca-f15c-nhung-vi-sao-mig21-bison-an-do-bi-jf17-ban-ha-de-dang/800907.antd