Chiến thắng của Joe Biden có ý nghĩa như thế nào với châu Âu?

Sau khi đắc cử, chính quyền ông Joe Biden có thể sẽ cải thiện mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu trong tương lai, tờ Bloomberg nhận định.

(Bài viết trích dẫn quan điểm của Max Hastings, một nhà báo và một nhà sử học chuyên bình luận về chiến tranh và chiến lược. Ông từng là Tổng Biên tập của tờ Daily Telegraph.)

(Bài viết trích dẫn quan điểm của Max Hastings, một nhà báo và một nhà sử học chuyên bình luận về chiến tranh và chiến lược. Ông từng là Tổng Biên tập của tờ Daily Telegraph.)

Trong những ngày qua, các nước châu Âu cũng hồi hộp không kém bất kỳ người dân Mỹ nào về kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Sau 4 năm bị Nhà Trắng hắt hủi, họ đang mong chờ những chính sách chính trị và ngoại giao hướng tới sự ổn định và trật tự hơn bao giờ hết.

Pax Americana, hay còn được gọi là “Hòa bình Mỹ”, là một thuật ngữ miêu tả sự hòa bình ở châu Mỹ sau Thế chiến 2 - giai đoạn Mỹ trở thành cường quốc số 1 về kinh tế và quân sự. Sau này, phạm vi của thuật ngữ đã được mở rộng ra toàn thế giới. Thuật ngữ này chỉ ra sức ảnh hưởng từ nền kinh tế và quân sự của Mỹ trong mối quan hệ của nước này với các quốc gia khác.

Tuy nhiên, người châu Âu không ngây thơ đến mức tin rằng nhiệm kỳ sắp tới của ông Joe Biden sẽ làm thay đổi “Pax Americana”. Đầu năm nay, Francois Heisbourg, cựu Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế đã nhận định rằng, “điều tốt nhất mà Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có thể hy vọng sau khi Biden đắc cử, đó là cùng nhau mua một ‘bảo hiểm rủi ro’ cho tất cả các nước đồng minh.”

Đó dường như là một nhận xét hơi bi quan. Bởi với tình hình hiện tại, vẫn có một vài tín hiệu để chúng ta hy vọng vào mối quan hệ được cải thiện trong 4 năm tới giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu.

Khôi phục các thỏa thuận hạt nhân

Có nhiều hy vọng rằng chính quyền Joe Biden sẽ khôi phục các thỏa thuận kiểm soát vũ khí với Nga. Chỉ trong vài tháng tới, các thỏa thuận Đông - Tây sẽ kết thúc. Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung đã kết thúc vào tháng 2/2019, và Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí chiến lược mới (New START) sẽ hết hiệu lực vào tháng 2/2021. Lần đầu tiên 60 năm, sẽ không có bất cứ ràng buộc nào về vũ khí giữa phương Tây và Nga. May mắn là vẫn chưa muộn để các bên phục hồi những thỏa thuận đó.

Châu Âu đang tìm cách đàm phán một thỏa thuận hạt nhân mới với Iran. Thỏa thuận cũ có tên Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) của Obama đã không còn tác dụng. Nếu đàm phán thành công, thỏa thuận hạt nhân mới cần bao gồm những giới hạn về phát triển vũ khí hạt nhân tại Iran, điều mà JCPOA thiếu sót nghiêm trọng.

Tổng thống Barack Obama cùng Phó Tổng thống Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng ngày 14/7/2015, sau khi đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran. (Ảnh: Bloomberg)

Tin tốt là chương trình hạt nhân của Iran có thể bị đảo ngược; các cuộc đàm phán mới gần như chắc chắn sẽ diễn ra. Chính quyền mới của ông Joe Biden được cho là sẽ bớt nhiệt tình hơn với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người bị châu Âu coi là “kẻ thù” trong việc hướng tới hòa bình tại Trung Đông.

Hy vọng giải quyết những mâu thuẫn về NATO

NATO vẫn là tâm điểm của hầu hết hy vọng - và lo lắng của châu Âu. Đây thực sự là liên minh an ninh duy nhất của phương Tây. NATO đã chứng minh được vai trò của mình trong những cuộc can thiệp vào Kosovo, Bosnia những năm 1990, hay Libya năm 2011. Tuy vậy, tổ chức này vẫn đang vật lộn để tìm ra một mục tiêu chung mới kể từ khi Liên Xô sụp đổ.

Nhiều nước thành viên đang lo sợ cho sự sống còn NATO trước những đòi hỏi thái quá từ phía Thổ Nhĩ Kỳ, sự coi thường của Trump hay tuyên bố của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng NATO đang bị “chết não”.

Phía châu Âu, đặc biệt là Đức, đang phải nhận cáo buộc rằng họ không đóng góp những chi phí quốc phòng chính đáng cho NATO. Berlin đã lập luận rằng để đối đầu với Nga, mặt trận ngoại giao quan trọng hơn những chiếc xe tăng. Người Đức tin rằng Thủ tướng Angela Merkel xứng đáng nhận được nhiều sự tôn trọng hơn từ phía Mỹ, vì bà đã kiên quyết phản đối việc Nga sáp nhập Crimea và ủng hộ các lệnh trừng phạt kinh tế với Moscow.

Việc Đức tăng cường lực lượng vũ trang, hoặc thể hiện tinh thần chiến đấu mãnh liệt hơn dường như là không thể. Pháp vẫn là cường quốc về quân sự, nhưng Paris không tìm được ý nghĩa hay động lực nào để nâng cao ý chí chiến đấu. Trong khi đó, chỉ cần mỗi nước thành viên chi tiêu cho quốc phòng ở mức 3% GDP, mức chi tiêu hiện tại cho NATO sẽ tăng lên gần 50%. Vì vậy, dù Biden dự kiến sẽ không rút 12.000 lính Mỹ khỏi Đức, căng thẳng về sự chênh lệch chi tiêu cho NATO giữa Mỹ và châu Âu sẽ vẫn tồn tại.

Các lãnh đạo thế giới cố gắng thương lượng sau khi Tổng thống Trump đơn phương từ chối ký tuyên bố chung hội nghị G-7 tháng 6/2018 ở Canada. (Ảnh: AP)

Bên cạnh đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đang phản đối một thỏa thuận tài chính 3 năm về chi tiêu quốc phòng cho NATO, sau khi Anh đang phải đối mặt với mức nợ công cao đáng sợ hậu COVID-19. Tuy nhiên, tôi linh cảm nhiều khả năng ông Johnson sẽ thay đổi ý định, bởi London cần những hiệp định thương mại hậu Brexit với Mỹ.

Ở phía đông Đại Tây Dương, nhiều nước tin rằng NATO buộc phải “giải quyết” được Trung Quốc, nếu muốn chứng tỏ với Washington rằng họ là một tổ chức có ý nghĩa. Để làm được điều này, NATO cần phải thật sự cứng rắn về mặt quân sự.

Mong chờ những tín hiệu tích cực từ chính quyền Joe Biden

Nếu châu Âu muốn cải thiện mối quan hệ với Mỹ, thay đổi phong cách là một vấn đề quan trọng không kém. Họ đều tin tưởng nhiệt thành vào quan hệ đối tác và đồng minh. Sự tham gia của Mỹ sẽ đóng góp rất nhiều vào kế hoạch ngăn chặn biến đổi khí hậu, hay mang tới cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên hợp quốc (UN) những luồng gió mới. Thậm chí, vẫn chưa muộn để đưa Mỹ trở lại với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Là một người Anh đã sống và làm việc với người Mỹ trong suốt quãng đời trưởng thành, cuộc trò chuyện với Ray Seitz, đại sứ Mỹ xuất sắc cuối cùng tại Anh vào năm 1991 vẫn ám ảnh tôi cho tới tận bây giờ. Ray Seitz đã nói: “Hãy luôn nhớ rằng, Mỹ chỉ hứng thú với Anh một khi Anh vẫn đóng vai trò quan trọng trong cuộc chơi ở châu Âu.” Đó là động lực giúp tôi nằm trong số những người phản đối Brexit mạnh mẽ nhất.

Ông Joe Biden và Tổng thư ký NATO - ông Jens Stoltenberg. (Ảnh: NATO)

Tôi sẽ mang tới một vài tín hiệu tích cực. Trái với đa số dự đoán, nhiệm kỳ của Trump kết thúc mà không có cuộc chiến nào xảy ra - điều dường như là một mối đe dọa thường trực 4 năm qua. Nhà sử học vĩ đại người Anh, Sir Michael Howard đã nhấn mạnh rằng: “Trump cần một cuộc chiến.” Howard lo sợ Mỹ sẽ xung đột vũ trang với Trung Quốc, Nga hoặc Iran. Trên thực tế, Trump “chỉ” tham gia vào 2 cuộc chiến lớn. Một là các cuộc chiến ngôn từ với giới truyền thông, những đồng minh truyền thống của Mỹ. Hai là chiến tranh thương mại với Trung Quốc.

Hiện nay, châu Âu đã nhận thức được rằng không nên đặt quá nhiều hy vọng vào chính quyền tân Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, họ nên hài lòng nếu ngày 20/1 (ngày tân Tổng thống Mỹ nhậm chức) đánh dấu bước tiến mới về sự tôn trọng, lịch sự và hợp tình hợp lý trong quan hệ quốc tế.

Việt Khôi

Theo Bloomberg

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/the-gioi/chien-thang-cua-joe-biden-co-y-nghia-nhu-the-nao-voi-chau-au-184082.html