Chiến thắng của ý chí quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh

Tôi có dịp tiếp xúc với khá nhiều cựu binh – những người đã bước ra từ những cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Chiêm nghiệm lại những chiến thắng lịch sử, họ đều nói rằng, đó là chiến thắng của ý chí quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, của sức mạnh đoàn kết quân - dân.

Ông Đặng Vũ Song (thứ hai từ trái qua) chia sẻ kỷ niệm chiến đấu tại Điện Biên phủ năm 1954. Ảnh: Bích Nguyên

Ông Đặng Vũ Song (thứ hai từ trái qua) chia sẻ kỷ niệm chiến đấu tại Điện Biên phủ năm 1954. Ảnh: Bích Nguyên

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Vũ Song, nguyên Giám đốc Nhà máy Thông tin M1, Binh chủng Thông tin liên lạc năm nay đã 86 tuổi nhưng vẫn giữ được trí nhớ tuyệt vời. Nhìn lại cuộc đời binh nghiệp, ông luôn tự hào là chiến sĩ Điện Biên. 65 năm trước, khi mới tròn đôi mươi, ông Song tham gia chiến dịch Đông Xuân năm 1953-1954, sau đó, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, trong biên chế của Tiểu đội Trung liên, Đại đội 28, Tiểu đoàn Bộ binh 439, Trung đoàn 98, Đại đoàn 316.

Những ngày tháng “khoét núi, ngủ hầm” trên chiến trường Điện Biên Phủ, ông Song và đồng đội đã ghi tên mình ở hai trận đánh oanh liệt là trận phòng ngự ở Đồi Xanh và trận đánh chiếm lô cốt Cột Cờ trên đồi C1, góp phần vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của quân và dân ta. Dù chỉ có 24 người, nhưng ông Song và đồng đội đã gan dạ, mưu trí đánh lui rất nhiều đợt tấn công của địch và phối hợp đơn vị cao xạ bắn rơi máy bay địch, bảo vệ an toàn Đồi Xanh. Sau trận ấy, cả 24 chiến sĩ (kể cả những người hy sinh) được tặng danh hiệu “Dũng sĩ Đồi Xanh”.

65 năm đã trôi qua, nhưng ông Song vẫn nhớ như in từng ngày giờ trên chiến trường năm đó: “Sáng 3-3-1954, địch dội mưa bom, đạn pháo đánh phá ác liệt để dọn đường cho hàng trăm tên lính kéo lên đánh chiếm các điểm cao. Địch xung phong 5 đợt. Tình thế giao tranh rất ác liệt. Có đợt, địch tiến công lên cách chỗ chúng tôi chỉ 10m. Tôi xác định phải hạ được tên chỉ huy mới làm nhụt khí thế tiến công của địch. Nghĩ vậy, tôi đã bình tĩnh ngắm bắn hạ được viên chỉ huy và tên lính thông tin. Địch mất chỉ huy như “rắn mất đầu”, nằm im, không dám tiến lên nữa. Tôi ném lựu đạn vào toán địch phía trước mặt, chúng tan tác tháo chạy. Những ngày sau đó, địch tổ chức tiếp nhiều đợt tấn công lên Đồi Xanh nhưng đều thất bại”.

Sau trận Đồi Xanh, ông Song tiếp tục nhận nhiệm vụ chỉ huy bộ đội đánh chiếm lô cốt Cột Cờ trên đồi C1. Trong trận chiến này, đơn vị ông đã diệt và bắt giữ hàng chục tên địch, thu được một số chiến lợi phẩm quan trọng, buộc kẻ địch phải từ bỏ ý định đánh chiếm đồi C1.

Chiêm nghiệm lại chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Song bảo, những người lính như ông không thể làm nên chiến thắng nếu không có hậu phương vững chắc là đồng bào các dân tộc Tây Bắc nói riêng, nhân dân cả nước nói chung, những người không ngại khổ cực lao động sản xuất, cung cấp lương thực, thậm chí trực tiếp tham gia tải đạn, vận chuyển lương thực cho chiến trường...

Giống như ông Song, Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tuân tâm niệm, quân đội ta luôn luôn gắn bó chặt chẽ với nhân dân. Quân đội ta là Quân đội của nhân dân như chính tên gọi của mình. Sức mạnh của Quân đội chính là sức mạnh tổng hợp của toàn dân chúng ta, nếu Quân đội đứng riêng ra thì không thể chiến đấu được. Và trận chiến Điện Biên Phủ trên không năm 1972 là một minh chứng.

Trên thế giới, Anh hùng Phạm Tuân là người đầu tiên bắn hạ siêu pháo đài bay B52 của Mỹ. Thành tích của ông đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Hà Nội – Điện Biên phủ trên không. Trong ký ức của ông, 12 ngày đêm chiến đấu chống lại B52 của Mỹ là khoảng thời gian đấu trí của những người lính ở hai bên chiến tuyến, đó cũng là khoảng thời gian mà các lực lượng vũ trang và nhân dân Việt Nam đã sát cánh, tương trợ nhau vì một mục tiêu duy nhất, đánh bại đế quốc Mỹ. “Hồi đó, chúng ta gặp nhiều khó khăn khi đánh B52 do ta bị gây nhiễu rất nhiều. Trước khi B52 vào vùng trời Hà Nội, Không quân Mỹ đồng thời ném bom phá nát tất cả các sân bay của ta để Không quân ta không thể cất cánh” - Anh hùng Phạm Tuân kể.

Những ngày sau đó, lực lượng không quân của ta đã tìm ra cách đánh B52. Tất cả máy bay, sở chỉ huy và ra đa của Không quân đều được chuyển ra ngoài Hà Nội để tránh nhiễu. Trung tướng Phạm Tuân nhớ lại: “Địch không biết chúng ta cất cánh lên từ chỗ nào. Địch vừa đánh xong thì quân và dân địa phương lại sửa đường băng ngay để chúng tôi cất cánh. Chúng ta làm cho địch bất ngờ như vậy nên địch không đối phó được. Chúng ta cũng thay đổi cách đánh, không đánh bằng ra đa. Đêm 27-12, tôi cất cánh từ sân bay Yên Bái, sân bay này bị Mỹ đánh tan nát từ hôm trước tới chiều 27-12 mới sửa xong. Tôi bay lên thấy địch ở trên đầu mình rất nhiều. Đến cự ly khoảng 60km, tôi phát hiện được B52 và tiếp cận được nó”. Phi công Phạm Tuân lúc đó, bay theo tốp máy bay của địch, tiếp cận ở cự ly tốt nhất mới ngắm bắn. Phải đến lần nhận lệnh bắn thứ 3, khi đã xác định chắc thắng, ông mới bắn hai quả tên lửa. Máy bay B52 của Mỹ trúng tên lửa, lật nhào.

Anh hùng Phạm Tuân (giữa) và các phi công trong Đại đội bay đêm (năm 1972). Ảnh: Tư liệu

Cùng nhớ lại “một thời hoa lửa” đã qua, Đại tá Nguyễn Vàn, nguyên Cục trưởng Cục Phòng không Lục quân, Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân, nay là Quân chủng Phòng không - Không quân khẳng định: Chiến công trong 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội năm 1972 có ý nghĩa chiến lược rất lớn, trong 34 máy bay B52 bị bắn rơi thì Hà Nội bắn rơi 25 chiếc. Trong các lực lượng chiến đấu, lực lượng tên lửa bắn rơi 29 chiếc, cao xạ bắn rơi 3 máy bay. Đại tá Nguyễn Vàn khi đó là Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 86, Trung đoàn 274, Sư đoàn 361, Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân, trực tiếp tác chiến tại khu vực Mẫu Lương, Hà Đông để bảo vệ vùng trời phía Tây Nam Hà Nội. Cho tới tận bây giờ, ông vẫn còn nhớ rất rõ khí thế của quân và dân Hà Nội trong những ngày đêm lịch sử đó: “Sự chuẩn bị của Hà Nội rất kỹ và khí thế chiến đấu mang tính chiến lược đã được quán triệt tới tất cả mọi cấp, mọi ngành, kể cả bộ đội, dân quân và các lực lượng hậu phương. Mọi thứ đều được tập trung ưu tiên cho bộ đội chiến đấu”.

Với ý chí quyết tâm cao, các đơn vị Phòng không – Không quân như đơn vị của ông Vàn cùng quân dân Hà Nội đã lập nên một lưới lửa phòng không dày đặc bảo vệ Hà Nội. “Chúng tôi vẽ, lên sơ đồ từng trận địa một, máy bay Mỹ bay đến đâu thì đơn vị nào được đánh để tạo nên một hỏa lực tập trung. Vì thế, có trận đánh chúng tôi bắn rơi 5 máy bay các loại một lúc trong phạm vi 20 giây” - ông Vàn kể.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/chien-thang-cua-y-chi-quyet-tu-cho-to-quoc-quyet-sinh/