Chiến thắng Điện Biên Phủ - mốc son chói lọi trong lịch sử của dân tộc Việt Nam

Cách đây 69 năm, được sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong 56 ngày đêm, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu'. Đây là mốc son chói lọi trong lịch sử của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ 20.

Kỷ niệm 69 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2023)

Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ đặt trên cứ điểm đồi D1 (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) - niềm tự hào của Nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên

Bối cảnh lịch sử

Ngày 19/12/1946, với Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta anh dũng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.

Thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, với vũ khí thô sơ và tinh thần “cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược quân sự của thực dân Pháp; đặc biệt là chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm 1947 và chiến thắng Biên giới năm 1950, đã tạo ra một bước chuyển cơ bản, làm cho cục diện chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương ngày càng chuyển biến có lợi cho ta, tạo ra thế bất lợi đối với thực dân Pháp.

Để cứu vãn tình thế, thực dân Pháp tập trung xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được thực dân Pháp bố trí thành 3 phân khu Bắc, Trung, Nam với 49 cứ điểm, tập trung 16.200 quân gồm 21 tiểu đoàn; huy động toàn bộ lính dù và 40% lực lượng cơ động tinh nhuệ nhất của Pháp ở Đông Dương…; hai sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm với gần 100 lần chiếc lên, xuống mỗi ngày có thể vận chuyển khoảng 200 đến 300 tấn hàng và thả dù từ 100 đến 150 tên địch, đảm bảo nguồn tiếp viện cho quân Pháp trong quá trình tác chiến. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ điểm phòng ngự mạnh nhất của Pháp ở Đông Dương lúc bấy giờ. Nava coi Điện Biên Phủ như “một pháo đài không thể công phá”, là nơi thu hút để tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta. Điện Biên Phủ đã trở thành quyết chiến điểm của Kế hoạch Nava.

Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng

Trước tình hình đó, ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp và nhận định, Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ điểm mạnh, nhưng chỗ yếu cơ bản của địch là bị cô lập. Về phía ta, Điện Biên Phủ là địa bàn rừng núi hiểm trở, đường cơ động cho pháo khó khăn, thời gian chuẩn bị cho chiến dịch gấp, nhưng có ý nghĩa quân sự, chính trị và ngoại giao rất quan trọng. Khó khăn lớn nhất của ta là vấn đề cung cấp hậu cần nhưng chúng ta có thể khắc phục được. Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ và thông qua phương án tác chiến, thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch, Đảng ủy mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch. Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch. Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của chiến dịch, Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy đã quyết định tập trung 4 đại đoàn bộ binh, 1 đại đoàn công pháo với tổng quân số trên 40.000. Chấp hành quyết định của Bộ Chính trị, mọi công việc chuẩn bị cho chiến dịch được tiến hành khẩn trương. Cả nước đã tập trung sức mạnh cho mặt trận Điện Biên Phủ với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Các đơn vị bộ đội chủ lực nhanh chóng tập kết, ngày đêm bạt rừng, xẻ núi mở đường, kéo pháo, xây dựng trận địa, sẵn sàng tiến công địch. 261.451 dân công, thanh niên xung phong bất chấp bom đạn, hướng về Điện Biên bảo đảm hậu cần phục vụ chiến dịch.

Nghĩa trang liệt sĩ A1 (TP Điện Biên Phủ) có 644 ngôi mộ của cán bộ, chiến sĩ quân đội đã anh dũng hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, hầu hết chưa xác định được danh tính

Ngày 25/1/1954, các đơn vị bộ đội ta ở vị trí tập kết sẵn sàng nổ súng theo phương châm tác chiến “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Nhưng nhận thấy địch đã tăng cường lực lượng phòng ngự vững chắc, Bộ Chỉ huy và Đảng ủy chiến dịch đã đưa ra quyết định đúng đắn: giữ vững quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thay đổi phương châm tác chiến sang “đánh chắc, tiến chắc”. Đây là quyết định đúng đắn nhưng ta cũng gặp không ít khó khăn. Đó là, thời gian tác chiến dài hơn, cách đánh cũng khác nên có những việc ta phải chuẩn bị lại từ đầu, nhất là việc tổ chức, bố trí hệ thống hỏa lực chiến dịch. Với địa hình hiểm trở, pháo của ta kéo vào tập trung tại trận địa đã khó khăn, nay thay đổi phương châm tác chiến lại phải kéo pháo phân tán ra các trận địa mới trên các điểm cao tạo thành vòng cung bao vây tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, để bắn trực tiếp vào các mục tiêu dưới lòng chảo càng khó khăn hơn. Với tinh thần quả cảm, không quản ngại gian khổ, hy sinh, quân và dân ta đã tìm mọi cách vượt qua thử thách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Trên chiến trường, ta mở 3 đợt tiến công vào Điện Biên Phủ: Đợt 1 mở màn ngày 13/3/1954, với trận tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam thuộc vòng ngoài Phân khu Bắc của tập đoàn cứ điểm. Đợt 2 diễn ra ngày 30/3/1954, đánh vào phân khu trung tâm. Đợt 3 chiến dịch diễn ra ngày 1/5 và kết thúc ngày 7/5/1954, đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 ôtô và toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang quân dụng của địch.

Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 với đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ là một trận quyết chiến chiến lược, trực tiếp đưa đến việc ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Tạo cơ sở và điều kiện để Nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các phần mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ A1 (TP Điện Biên Phủ) thường xuyên được người dân đến viếng và thắp hương

Ý nghĩa lịch sử và thời đại

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao chói lọi, một kỳ tích vẻ vang của thời đại Hồ Chí Minh. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ; chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta và các nước trên bán đảo Đông Dương; bảo vệ và phát triển thành quả cách mạng Tháng Tám; mở ra giai đoạn cách mạng mới, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm tăng niềm tự hào dân tộc, niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân một lòng, một dạ chiến đấu dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân.

Chiến thắng Điện Biên Phủ mang tầm vóc thời đại, góp phần to lớn vào phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ của nhân loại; giáng một đòn chí mạng vào nền móng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, đánh sập thành lũy của chủ nghĩa thực dân cũ ở vị trí xung yếu nhất, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới; báo hiệu sự thất bại chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chủ nghĩa thực dân mới do đế quốc Mỹ cầm đầu; là chiến thắng chung của các nước trên bán đảo Đông Dương, chiến thắng của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, của phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ xã hội trên toàn thế giới…

Mặc dù thời gian đã lùi xa 69 năm qua, nhưng âm hưởng của chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) vẫn còn vang vọng mãi niềm tự hào về dân tộc Việt Nam, về các lực lượng vũ trang nhân dân và Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng đã bách chiến, bách thắng mọi kẻ thù xâm lược đất nước. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã khẳng định đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mãi mãi là niềm tự hào, là nguồn sức mạnh để cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phấn đấu thi đua, thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, với quyết tâm xây dựng Tổ quốc Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Phu Sắc

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/chinh-tri/chien-thang-dien-bien-phu-moc-son-choi-loi-trong-lich-su-cua-dan-toc-viet-nam-113656.aspx