'Chiến thư' Mỹ - Trung

Sự ăn miếng trả miếng Mỹ - Trung có thể khiến cho hệ thống bưu chính toàn cầu điêu đứng vì phí nhận bưu phẩm tăng lên.

Kể từ khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ, các chuyên gia kinh tế đã lo ngại Mỹ sẽ làm suy yếu các tổ chức quốc tế. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là cơ quan mà nhiều người lo ngại nhất. Nhưng một mục tiêu khác vừa đi vào tầm ngắm của ông Trump chính là hệ thống bưu chính quốc tế.

Mới đây, tại một cuộc họp ở Adidas Ababa (Ethiopia) của Liên minh Bưu chính Quốc tế (UPU), một tổ chức quốc tế thuộc Liên hiệp Quốc chuyên điều hợp các chính sách bưu chính giữa các quốc gia thành viên và hệ thống bưu chính toàn cầu, chính quyền ông Trump đã tung ra một chiến dịch cải cách phí nhận bưu phẩm. Đây là mức phí một bưu điện trả cho một dịch vụ bưu chính nước ngoài để nhận các gói bưu phẩm từ sân bay mà chúng đáp xuống, nơi hàng sẽ được giao cho bưu điện đó để đưa đến tay người nhận cuối cùng.

Theo quy định của UPU, các nước đang phát triển hiện trả một khoản phí ít hơn các nước phát triển, cho dịch vụ nhận bưu phẩm quốc tế ở điểm đến cuối cùng. Peter Navarro, cố vấn thương mại của ông Trump, cho rằng người Trung Quốc đang khai thác các quy định này để làm tràn ngập thị trường Mỹ với các gói bưu phẩm thương mại điện tử giá rẻ. Ông lưu ý là tốn kém nhiều hơn để vận chuyển một gói bưu phẩm từ Los Angeles sang New York hơn là từ Bắc Kinh đến New York.

Theo Anna Möller Boivie của tổ chức tư vấn Copenhagen Economics, lời giải thích cho vấn đề này có thể truy xuất từ lịch sử của UPU. Sau khi UPU được thành lập vào năm 1874, tất cả đều đồng thuận rằng các bưu điện sẽ thực hiện khâu nhận hàng cuối cùng cho dịch vụ bưu phẩm quốc tế của nhau mà không có đồng phí nào. Số lượng bưu phẩm, thư từ ra vào dường như đồng đều ở mỗi nước và vì thế bất kỳ tổn thất nào do quy định này gây ra đều không đáng kể.

Nhưng sau đó, nhiều nước giành độc lập, thoát khỏi chế độ thuộc địa nên đã làm tăng số nước đang phát triển trong khối UPU. Vào năm 1969, phí nhận thư từ, bưu phẩm được đưa ra nhằm hỗ trợ chi phí nhận hàng cuối cùng ở những nước nghèo hơn. Các nước giàu hơn sẽ trả 70-80% tổng chi phí gửi hàng nội địa để các bưu phẩm của họ được giao đến các nước khác; các nước nghèo hơn chỉ sẽ phải trả 20-30%.

Khi thương mại điện tử từ Trung Quốc sang các nước như Mỹ tăng trưởng mạnh, nhu cầu cải cách hệ thống bưu chính quốc tế cũng được đưa ra. Theo Dịch vụ Bưu chính Mỹ (USPS), mức tổn thất từ việc gửi thư từ, bưu phẩm từ các nước khác về Mỹ đã tăng hơn gấp đôi lên tới 135 triệu USD, trong giai đoạn 2012-2016 (dù con số này chỉ chiếm khoảng 5% tổng mức thua lỗ của USPS vào năm 2017). Mỹ có các đồng minh trong vấn đề này, theo Jim Campbell, một chuyên gia về luật bưu chính quốc tế. Canada, Ireland và các nước ở khu vực Tây Bắc Âu châu, vốn là các nơi nhập khẩu ròng các bưu phẩm thương mại điện tử quốc tế, cũng đang rên rỉ về chi phí tăng lên do quy định này.

Navarro muốn các quy định về phí nhận bưu phẩm được cải cách sao cho USPS tính bằng giá với các bưu phẩm nước ngoài và trong nước. Nhưng cơ chế “một quốc gia, một phiếu biểu quyết” của UPU có nghĩa là các nước nghèo hơn nhiều khả năng sẽ ngăn nỗ lực cải cách này. Vì thế, Navarro đã đe dọa sẽ xé bỏ các quy định UPU và cho phép USPS tính theo mức phí của mình.

Trước nay, chưa có nước nào phá vỡ các quy định của UPU; nước “mấp mé” phá vỡ nó là Nga, khi “lách” quy định này vào năm ngoái bằng cách tính thêm phí cho những bưu phẩm, thư từ vào nước này. Để “ra vẻ” vẫn tuân thủ quy định, Nga giữ mức phí nhận bưu phẩm theo quy định của UPU nếu bưu phẩm đi qua Mirny, một thị trấn nhỏ ở Cộng hòa Sakha, Nga.

Nếu Mỹ phá vỡ quy định, điều đó có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh ăn miếng trả miếng khi các nước khác cũng thực hiện các biện pháp trả đũa, theo David Jinks của ParcelHero.

Một số nhà kinh doanh thương mại điện tử ở Mỹ đang đối mặt với nguy cơ này. Như trường hợp của Jayme Smaldone, nhà phát minh ra chiếc cốc chống đổ Mighty Mug. Ông để ý thấy một chiếc cốc Mighty Mug hàng giả được bán với giá 5,69USD, miễn phí vận chuyển từ Trung Quốc vào Mỹ, một hành trình dài tới 8.100 dặm. Trong khi đó, chi phí để ông gửi một chiếc cốc Mighty Mug trong nội bộ nước Mỹ, sử dụng dịch vụ của USPS là 6.30USD. Smaldone cuối cùng hiểu được rằng China Post, công ty bưu chính của Trung Quốc, đang trả cho USPS chỉ 1.40USD để nhận bưu phẩm trong nước. “Thật khó mà cạnh tranh nổi”, Smaldone nói

(The Economist)

Đàm Hoa

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/the-gioi/chien-thu-my--trung-3325900/