Chiến tranh công nghệ cao Israel – Syria: Cú sốc của điện Kremlin

Cách đây 34 năm, bắt đầu từ tháng 6/1982, cuộc chiến tranh Libanon lần thứ nhất bắt đầu với đặc điểm nổi bật là một cuộc chiến tranh công nghệ cao.

Cuộc chiến tranh diễn ra giữa hai đối thủ chính Israel – Syria nhưng diễn ra trên lãnh thổ Libanon.

Để tiếp tục loạt bài về các cuộc chiến tranh tại Trung Đông, xin giới thiệu tiếp với bạn đọc bài viết về cuộc chiến tranh này với tiêu đề “Trên thung lũng và trên các vách đá” của Phó giám đốc Viện phân tích chính trị và quân sự Viện Hàn lâm khoa học Nga A.Khramchikhin 1/2015 và có bổ sung một số số liệu từ “Bách khoa toàn thư nghệ thuật quân sự - các cuộc chiến tranh nửa sau thế kỷ XX” của Nhà xuất bản Minsk- Literatura 1998 (phần trong ngoặc) .

Các trận đánh trên đường phố giữa quân Hồi giáo và người Thiên chúa giáo tại Beirut , 1982 . Ảnh : AP

Libanon (thành lập năm 1926) là một nước có chung đường biên giới với Israel nhưng trong một thời gian dài đã không tham gia vào một cuộc chiến tranh A rập – Israel nào.

Libanon cũng được coi là một quốc gia A rập tương đối phồn vinh theo các tiêu chí của thế giới A rập. Tuy nhiên, do những đặc điểm địa – chính trị, tôn giáo, tiềm lực quân sự - Libanon dù muốn cũng không thể đứng ngoài cuộc.

Mọi việc bắt đầu từ “Tháng chín đen tối” năm 1970, khi những người Palestin tìm cách lật đổ Vua Jordan Hussein – nước đã cưu mang họ, nhưng bị Quân đội nước này trấn áp mạnh và bị đuổi khỏi Jordan.

Libanon là nước tiếp nhận những người Palestin nhưng lại không có một quân đội mạnh như Jordan.

Người Palestin thành lập tại Libanon một “quốc gia trong lòng quốc gia”. Những mâu thuẫn tích tụ và cuối cùng, vào năm 1975, tại Libanon bắt đầu nổ ra một cuộc nội chiến quy mô lớn. Những người Thiên chúa giáo cánh hữu chống lại người Hồi giáo cánh tả, trong đó có cả người Palestin (thuộc Tổ chức giải phóng Palestin –PLO, thành lập năm 1964) .

Có một điểm lạ là chính người Thiên chúa giáo lại đề nghị Syria đưa quân vào Libanon. Tháng 4/1976, Syria đưa 12.000 quân vào Libanon. Từ trước đến nay Syria vẫn không chấp nhận Libanon độc lập và vẫn coi nước này là một “thuộc quốc” của “Đại Syria”.

Chính vì thế mà sau khi đã có mặt tại Libanon, Syria không hề có ý định rút quân, nhanh chóng đổi đối tác và tìm kiếm sự ủng hộ của lực lượng Hồi giáo cánh tả. Còn về phần mình, Israel bắt đầu hỗ trợ những người Thiên chúa giáo (mặc dù họ là người A rập) theo nguyên tắc “kẻ thù của kẻ thù là bạn của ta”.

Thành thử, ngoài “cuộc nội chiến” giữa các phe phái trong nước thì trên lãnh thổ Libanon còn một cuộc chiến tranh kéo dài giữa Syria và Israel.

Ngày 14/3/1978 , Quân PLO sử dụng tổ hợp tên lửa phòng không vác vai “Strela-2” bắn rơi một máy bay cường kích A-4 “Skyhawk” của Israel.

Ngay ngày hôm sau, Israel đưa một lực lượng 25.000 người vào Libanon và chiếm một khu vực lãnh thổ có chiều rộng 5-20 km ở phía Nam nước này, đặt tên là “khu vực an ninh”. Trong chiến dịch này đã có 250 chiến binh Palestin bị thiệt mạng.

Năm 1979, các máy bay tiêm kích F-15 của Không quân Israel lần đầu tiên “xuất trận” trên không phận Libanon. Trong các trận không chiến ngày 27/6 và 24/9 các F-15 Israel này đã hạ từ 5- 9 MiG-21 Syria nhưng vẫn “bảo toàn được lực lượng”, - còn Syria công bố là đã bắn rơi 1 F-15.

Năm 1981, đã có 2 trận không chiến giữa F-15 và MiG-25.

Ngày 13/2/1981, 1 MiG-25 bị bắn hạ, 29/7/1981 – 1 MiG và 1 hoặc 2 F-15. Israel phủ nhận là đã có cuộc không chiến như vậy, không công nhận tổn thất và cũng không tuyên bố chiến thắng.

Tháng 4/1981, Không quân Israel tiến hành một số đợt không kích vào tuyến giao thông của quân đội Syria ở Đông Libanon để cứu nguy cho Lực lượng Thiên chúa giáo. Tuy vậy, Quân Syria vẫn đánh bật được Quân Thiên chúa giáo ra khỏi thung lũng Bekaa ở phía Đông Libanon và bắt đầu triển khai hệ thống phòng không tại khu vực nà.

Cũng phải nói thêm là trong khoảng thời gian này, Israel và PLO thường xuyên ký các thỏa thuận ngừng bắn và gần như ngay sau đó cả hai bên đều vi phạm thỏa thuận vừa ký. Pháo binh Palestin liên tục pháo kích các khu vực phía Bắc Israel. Một cuộc chiến tranh lớn không thể tránh khỏi sắp bắt đầu.

Chiến binh Palestin trong cuộc nội chiến tại Li Băng . Ảnh : Lapousterle / AP

Tháng 4 và tháng 5/1982, các tỏ hợp tên lửa phòng không “Osa” Syria được cho là đã bắn hạ 3 F-15 và 1 F-4 của Không quân Israel, tuy nhiên các số liệu trên là không đáng tin cậy.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/ho-so/chien-tranh-cong-nghe-cao-israel-syria-cu-soc-cua-dien-kremlin-3313287/