Chiến tranh đổ bộ - chìa khóa cho tham vọng quân sự của Trung Quốc

Chiến tranh đổ bộ là yếu tố then chốt trong chiến lược mở rộng tham vọng của Trung Quốc ở nước ngoài. Tuy vậy, lực lượng này vẫn tồn tại nhiều điểm yếu.

Sách trắng quốc phòng Trung Quốc công bố hôm 24/7 đã không loại trừ việc sử dụng vũ lực đối với đảo Đài Loan. Điều đó cho thấy lực lượng đổ bộ của Trung Quốc có thể được sử dụng cho việc thống nhất đảo Đài Loan với đại lục.

Worldview Stratfor, tổ chức chuyên về tình báo địa chính trị, đã có bài phân tích về năng lực đổ bộ của quân đội Trung Quốc.

Tăng tốc đóng tàu đổ bộ

Trong vài tháng qua, nhiều hình ảnh được công bố trên các trang mạng Trung Quốc cho thấy sự tiến bộ trong quá trình đóng mới tàu đổ bộ tấn công đầu tiên của Bắc Kinh. Chiếc đầu tiên của tàu đổ bộ Type-075 dự kiến được hạ thủy vào cuối năm.

Đây là sự phát triển mới nhất trong việc nâng cấp liên tục khả năng đổ bộ của Trung Quốc, dù vậy, quân đội nước này vẫn chưa thể khắc phục hết các hạn chế trong khả năng thực hiện tấn công đổ bộ thành công.

Đổ bộ lực lượng mặt đất, không quân từ trên biển lên bờ là một trong những thành phần nhiệm vụ quan trọng nhất trong triển khai quân. Bắc Kinh bắt đầu tập trung cải thiện năng lực đổ bộ khi lợi ích toàn cầu của Trung Quốc ngày một tăng lên.

Mô hình tàu đổ bộ tấn công Type-075 đang được đóng mới của Trung Quốc. Đồ họa: Nishika Saizoukan.

Ngoài ra, khả năng tiếp tế nhanh chóng từ đất liền sẽ là chìa khóa trong chiến lược Biển Đông của Trung Quốc, có thể là để giữ hoặc chiếm các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông.

Năng lực đổ bộ được xem là cực kỳ quan trọng đối với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông và eo biển Đài Loan. Hạm đội tàu đổ bộ của Trung Quốc có khoảng 60 tàu, phần lớn là tàu đổ bộ cơ khí Type-072.

Type-072 được thiết kế để chở quân, hàng hóa và phương tiện chiến đấu như xe tăng, xe thiết giáp lên bờ biển. Type-072 được hỗ trợ bởi khoảng 100 xuồng đổ bộ cỡ nhỏ. Đây sẽ là nòng cốt trong bất kỳ cuộc đổ bộ quy mô lớn nào, nhưng việc phải tiến vào bờ biển để đổ quân khiến chúng dễ bị tổn thương bởi hệ thống phòng thủ trên bờ biển của đối phương.

Thành phần chính thứ 2 trong lực lượng đổ bộ của Trung Quốc là tàu đổ bộ có sàn đáp cho trực thăng Type-071. Ở thời điểm hiện tại, nó là tàu đổ bộ có năng lực mạnh nhất của Trung Quốc. 8 tàu đã được đóng mới, trong đó có 5 tàu được đưa vào sử dụng, 3 tàu khác đang thử nghiệm và hoàn thiện.

Type-071 có một boong chìm phía sau cho phép triển khai tàu đổ bộ khí đệm, hoặc xe thiết giáp lội nước. Nó không cần phải tiến sát bờ biển như tàu đổ bộ Type-072, giúp tăng khả năng sống sót và linh hoạt hơn tàu đổ bộ thông thường.

Thành phần thứ 3 trong lực lượng đổ bộ Trung Quốc là tàu đổ bộ tấn công Type-075. 3 tàu có thể đang được đóng mới tại nhà máy đóng tàu Hudong-Zhonghua ở Thượng Hải. Nó được thiết kế với mặt boong rộng, tương tự tàu đổ bộ tấn công lớp Wasp của Mỹ.

Khi Type-075 đi vào hoạt động, Trung Quốc sẽ có đủ các thành phần cần thiết của một lực lượng đổ bộ mạnh, đủ khả năng thực hiện các chiến dịch quy mô lớn.

Những trở ngại

Dù đang đẩy mạnh việc đóng mới tàu chiến cho nhiệm vụ đổ bộ, năng lực đổ bộ của Trung Quốc vẫn còn nhiều điểm yếu. Một trong những điểm đó là sự thiếu hụt máy bay trực thăng có thể đáp ứng đủ cho các tàu đổ bộ mới khi chúng đi vào hoạt động.

Tàu đổ bộ có sàn đáp cho trực thăng Type-071 và tàu đổ bộ khí đệm Type-726 trong một đợt diễn tập trên biển. Ảnh: Astutenews.

Hiện tại, Trung Quốc có thể đáp ứng nhu cầu về trực thăng cho các tàu đổ bộ Type-071. Tuy nhiên, mỗi tàu Type-071 chỉ mang theo 4 trực thăng. Trong khi đó, tàu đổ bộ Type-075 đang chế tạo có thể mang theo tới 30 trực thăng mỗi tàu.

Do đó, Trung Quốc cần chế tạo hàng trăm trực thăng trong vài năm tới để có thể trang bị đủ cho các tàu Type-075. Ngoài ra, nhiều đơn vị quân đội Trung Quốc đang vận hành trực thăng cũ cần được thay thế, cũng đặt ra thách thức cho các nhà sản xuất trực thăng.

Trực thăng đa năng Z-20 có thể đáp ứng yêu cầu của các nhánh trong lực lượng vũ trang Trung Quốc, nhưng nhà sản xuất Cáp Nhĩ Tân không có khả năng sản xuất trực thăng này với số lượng lớn trong thời gian ngắn.

Hải quân Trung Quốc có thể phải cạnh tranh với các nhánh khác của quân đội về trực thăng để trang bị cho các tàu đổ bộ mới.

Tàu đổ bộ xe tăng Type-072 vẫn là trụ cột trong năng lực đổ bộ của hải quân Trung Quốc. Ảnh: Chinanews.

Vấn đề thứ hai liên quan đến tàu đổ bộ khí đệm Type-726 (LCAC) mà Trung Quốc đang sử dụng để vận chuyển thiết bị quân sự từ tàu đổ bộ Type-071 vào bờ. Về mặt thiết kế Type-726 có thể chở theo một xe tăng chiến đấu chủ lực, hoặc hai xe chiến đấu bộ binh ZBD-05, hoặc 60-70 binh sĩ.

Khoảng 11 tàu đã được đóng mới, trong đó, 6 tàu đã đi vào hoạt động, 5 tàu khác đang trong quá trình hoàn thiện. Tuy nhiên, chương trình Type-726 đã xuất hiện các vấn đề kỹ thuật. Một số tàu đã được hoàn thành ở nhà máy đóng tàu Giang Nam, gần Thượng Hải, nhưng không được đưa vào hoạt động.

Những tàu đang hoạt động chỉ có thể mang theo tải trọng giới hạn. Điều đó làm xuất hiện tin đồn động cơ của Type-726 không đủ mạnh và đang chờ sửa chữa hoặc thay thế hoàn toàn.

Worldview Stratfor nhận xét, dù có những cải thiện trong năng lực đổ bộ, Trung Quốc có thể vẫn chưa đủ các yếu tố cần thiết để đảm bảo thành công trong một chiến dịch đổ bộ vào Đài Loan.

Tuy vậy, trang tin này đánh giá cao tốc độ phát triển của lực lượng đổ bộ Trung Quốc. Những hạn chế vẫn đang tồn tại, nhưng có thể được khắc phục theo thời gian, đặc biệt là khi tàu đổ bộ tấn công Type-075 được đưa vào hoạt động.

Trung Hiếu

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/chien-tranh-do-bo-chia-khoa-cho-tham-vong-quan-su-cua-trung-quoc-post972295.html