Chiến tranh hình ảnh: Vũ khí mới của chính quyền Putin

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tạo ra một thứ chống kênh CNN đối với khán thính giả phương Tây bằng một mạng lưới tin tức vệ tinh quốc tế mang tên Nước Nga ngày nay (Russia Today). Với công thức tuyên truyền thông minh, hấp dẫn và nguồn tiền mặt không giới hạn, dự báo Russia Today sẽ hoạt động hơn đứt kênh truyền hình CNN với độ phủ sóng trên toàn cầu.

Tổng Biên tập Margarita Simonyan của kênh truyền hình vệ tinh Russian Today, tiếng nói của ông Putin.

Những chương trình chính trị phát vào buổi tối thường phải khởi tranh với một hỗn hợp những tin tức thập cẩm và cả báo lá cải. Bà Abby Martin, người dẫn chương trình truyền hình người Mỹ, hiện đang làm việc cho điện Kremlin, chính là người góp nên tiếng nói chống lại kênh CNN - kênh tin tức mô hình của người Mỹ - và sáng lập nên mạng lưới truyền hình vệ tinh quốc tế của riêng người Nga: Russia Today.

Một bức ảnh của Edward Snowden - người thổi còi chống lại nước Mỹ về an ninh tình báo - đã được chiếu lên trên vách tường trong phòng thu. Liền đó là một báo cáo về trại cải tạo tại Guantanamo, nơi này đã làm tổn thương danh tiếng của nước Mỹ. Russia Today hiện nay đang tích cực sử dụng các nguồn tư liệu, tin tức từ phía Mỹ đồng thời cung cấp một cách nhiệt tình cho các đối thủ của Mỹ bằng tất cả sự linh hoạt của mình.

Thậm chí cả những lỗi lầm nhỏ của Washington cũng được Russia Today tận dụng khai thác triệt để. Đơn cử như, kênh này cũng tường thuật câu chuyện về nhà độc tài xứ Ga-bông, Ali Bongo Ondimba, người mà từng nhận được sự hậu thuẫn đắc lực của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Nhiều quốc gia phương Tây cũng tỏ ra hết sức quan tâm đến sự trỗi dậy của kênh tin tức từ một trong những quốc gia mạnh nhất thế giới.

Russia Today hiện hoạt động thành công hơn tất cả các đài truyền hình nước ngoài đang có mặt tại các đô thị lớn của Mỹ như San Francisco, Chicago và New York. Ở Washington, người Mỹ xem các chương trình của Russia Today gấp 13 lần so với xem Deutsche Welle, đài truyền hình quốc tế công cộng của Đức. Khoảng 2 triệu người Anh thường xuyên xem kênh Russia Today.

Thêm nữa, sự hiện diện trực tuyến của Russia Today cũng đóng góp vào sự thành công hơn so với tất cả các đối thủ cạnh tranh khác. Xa hơn nữa, trong tháng 6/2013, Russia Today đã vượt mặt YouTube để thiết lập một kỷ lục mới trong việc trở thành đài truyền hình đầu tiên trên thế giới có số lượng người xem các đoạn video lên tới con số hàng tỷ người. Thừa thắng xông lên, Russia Today đã ký hợp đồng với Larry King, huyền thoại phát thanh và báo chí truyền hình người Mỹ, Larry đã sẵn sàng làm việc cho Russia Today trong mùa hè năm 2013 này.

Trước đó, Larry King là gương mặt V.I.P của kênh CNN trong suốt 25 năm ròng rã. Trong tháng 5-2013, tờ TIMES tại London (Anh) đã viết một dòng nhận xét: "Người phỏng vấn truyền hình hàng đầu nước Mỹ đã "đào ngũ" sang người Nga". Larry King và các đồng nghiệp mới của ông cùng chung một nhiệm vụ đơn giản: Họ sẽ phá vỡ thế độc quyền của văn hóa truyền thông đại chúng tiếng Ăng-lô-Xắc-xông", dẫn lời phát biểu của ông Vladimir Putin trong chuyến viếng thăm một phòng thu của Russia Today cách đây vài tuần. Có 3 thành phần chính làm nên công thức cho sự thành công của Russia Today, đó là: hấp dẫn giới tính, là điều kiện tiên quyết cho phần lớn các kênh tin tức; một lập trường chống Mỹ cứng rắn; và một dòng chảy tiền bạc vô tận từ điện Kremlin.

Bộ Quốc phòng truyền thông (MMD)

Kể từ năm 2005, chính phủ Nga đã tăng ngân sách hằng năm cho kênh tin tức Russia Today lên hơn gấp 10 lần, từ 30 triệu USD lên thành 300 triệu USD. Khoản ngân sách này bao gồm trả lương cho 2.500 công nhân viên và các nhà thầu trên toàn thế giới, trong đó chỉ riêng tại Washington là 100 người.

Bà Natalya Timakova, Tùy viên báo chí của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, khẳng định: "Nhà lãnh đạo Moscow quan niệm rằng, ngân sách dành cho Russia Today cũng là một "khoản đầu tư tiền bạc lý tưởng". Tôi hy vọng người Đức sẽ tha thứ cho tôi vì nhận xét này - kênh tin tức của điện Kremlin có vẻ quan trọng hơn Deutsche Welle, cũng như nó có nhiều tiền ngân sách hoạt động hơn".

Tổng thống Nga Vladimir Putin viếng thăm một khu phức hợp studio báo chí ở Moscow vào tháng 6/2013.

Ngoài ra, chính phủ Nga cũng chi ra khá nhiều tiền cho việc thành lập một trung tâm phát thanh mới ở Đông Bắc Moscow, nơi mà Russia Today đã chuyển đến vào tháng 5/2013. Với yêu cầu bảo mật, hiện chưa ai biết mức giá chính xác để xây dựng nên trung tâm phát thanh này. Nằm trên nền của một nhà máy chè cũ có từ thời Liên Xô, ngày nay, trung tâm phát thanh mới mẻ là nơi tạo ra các chương trình tiếng A Rập, tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha. Vào năm 2009, nó đổi tên thành trung tâm phát thanh tiếng Anh - Tây Ban Nha, hay gọi tắt là "RT".

Những tin tức phát đi vào buổi tối chủ yếu tập trung vào cuộc khủng hoảng đồng euro, các cuộc biểu tình xã hội ở Bồ Đào Nha và vụ bê bối giám sát của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA). Ngày nay, Russia Today là kẻ vô địch trong việc thu hút sự quan tâm của khán thính giả toàn cầu đối với những vấn đề của phương Tây. Tuy nhiên, song song với nó là sự hoài nghi của châu Âu và Mỹ: Liệu có hay không việc người Nga đang triển khai một hệ thống tình báo truyền thông kiểu mới? Một điểm thú vị khác là độ tuổi trung bình của các biên tập viên người Nga đều dưới 30 tuổi, và bắt buộc nói lưu loát tiếng Anh.

Để thêm gia vị cho các bản tin, các giám đốc của Russia Today đã sử dụng các hiệu ứng đặc biệt kiểu Hollywood, ví dụ như cảnh những chiếc máy bay chiến đấu của Israel bay qua một cái vòng ảo xuyên qua phòng thủ trước khi thả bom bên trên một bản đồ của Syria. Cũng còn có một logic đằng sau những hiệu ứng hình ảnh này, đặc biệt kể từ khi Russia Today nhận thức rằng họ là một phần của Bộ Quốc phòng truyền thông cho điện Kremlin.

Một cuộc chạy đua vũ trang trên làn sóng vô tuyến

Margarita Simonyan là người phụ nữ đã định hình cho Russia Today thành một vũ khí hiệu quả nhất của Nga trong cuộc chiến giành lại ảnh hưởng ý kiến từ phía công luận toàn cầu. Trong văn phòng làm việc của mình tại tầng 8 của trụ sở Russia Today ở Moscow, vị Tổng biên tập có những biểu tượng Chính thống giáo ngay trên bàn làm việc của mình và hàng chục màn hình nhấp nháy xung quanh nó. Vào năm 2005, chính ông Putin đã bổ nhiệm Maragarita Simonyan thành người đứng đầu Russia Today.

Tại thời điểm đó, Margarita chỉ mới 25 tuổi và bị chế nhạo là một phóng viên vô danh tiểu tốt trong đám đông các nhà báo đồng hành với Tổng thống Nga tại các cuộc họp. Nhiệm vụ của Margarita là giúp nước Nga tránh nguy cơ bị thụt lùi trong cuộc chiến tranh hình ảnh như nó đã làm vào tháng 8/2008. Lúc đó, xe tăng Nga đã tiến vào miền Nam Caucasus, dừng một khoảng ngắn tại Tbilisi, thủ đô của quốc gia nhỏ bé Georgia. Thời điểm đó, vị Tổng thống Georgia trẻ tuổi, Mikheil Saakashvili - người đã từng được giáo dục ở Mỹ - đã xuất hiện trên các kênh truyền hình để lên án Nga là kẻ xâm lược, thậm chí Mikheil đã kích động nên một cuộc chiến tranh và là người đầu tiên ra lệnh về một cuộc xâm lược nước cộng hòa ly khai Nam Ossetia khi nước này có mối quan hệ chặt chẽ với Nga.

Hãng tin CNN tung ra hàng loạt bức ảnh về các tòa nhà bị phá hủy, cáo buộc nó là cuộc không kích bằng bom của Nga tại thủ phủ Gori của Georgia. Tuy nhiên, theo tuyên bố của Russia Today thì họ khẳng định những bức ảnh hoang tàn, đổ nát đã được chụp tại thủ đô Tskhinvali của Nam Ossetia sau một cuộc tấn công của Georgia. Ngày hôm nay, bà Margarita Simonyan cho biết: "Đăng tin, ảnh không hề có sự công tâm, khách quan, nên chăng cần phải có nhiều tiếng nói để đi đến một sự thật chung".

Thêm nữa, sự mất lòng tin của các phương tiện truyền thông trong nước cũng lớn hơn bao giờ hết tại Mỹ. Ví dụ như hãng tin CNN hiện đang phải vật lộn để đối phó với sự ra đi của một lượng lớn khán thính giả. Đôi khi giới chính trị gia Mỹ cũng lẩm cẩm và dễ trở thành "bia" cho những cuộc tấn công truyền thông của người Nga. Khi chiếc máy bay chở Tổng thống Bolivia Evo Morales bị buộc phải hạ cánh khẩn cấp tại Vienna vì các cơ quan tình báo Mỹ nghi ngờ rằng Edward Snowden trốn trên máy bay, bà Abby Martin nhún vai phát biểu: "Chẳng biết ông Obama nghĩ cái quái quỷ gì nữa?". Song song với điều đó, Russia Today cũng đang sử dụng một loạt các giả thuyết tuyên truyền và tuyên truyền thô. Trong chương trình "Người tìm kiếm sự thật", vụ tấn công tại giải Boston Marathon vào tháng 4/2013, 2 phần tử người Chechen đã sát hại 3 nạn nhân bằng bom, bị quy kết là một âm mưu thâm độc của chính quyền Mỹ.

Russia Today là công ty mà huyền thoại "Talk show" Larry King đã tham gia. Vào năm 2000, Larry King đã tiến hành buổi phỏng vấn quan trọng đầu tiên với ông Vladimir Putin trên truyền hình phương Tây. Kể từ đó, huyền thoại Talk show đã không tiếc lời ca ngợi về uy tín chính trị của người Nga. Chương trình mới của Larry King mang tựa đề "Vận động chính trị" đã có mặt trên Russia Today từ tháng 6/2013. Các khách mời của Larry King bao gồm cựu Thị trưởng New York-Rudy Giuliani và cựu Thượng nghị sĩ Joe Lieberman, 2 con người này chưa từng đặt chân vào phòng thu của Nga. Có một điều chắc chắn rằng tham vọng mà Larry King muốn dừng chân tại trung tâm phát thanh mới của chính quyền Putin, đó là: chỗ dựa và danh hiệu

Nguồn CAND: http://cstc.cand.com.vn/vi-vn/hoso/hosointepol/2013/9/185834.cand