Chiến tranh mậu dịch Mỹ - Trung: Châu Á bị ảnh hưởng ra sao?

Theo AFP ngày 11/9, Mỹ và Trung Quốc mong muốn giải quyết xung đột thương mại song phương trước khi lãnh đạo hai nước dự kiến gặp nhau ở thượng đỉnh G-20 vào tháng 11 tại Argentina. Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình có thể gặp nhau để giải tỏa căng thẳng.

Tổng thống Trump đã có những thay đổi và hành động quyết liệt trong thương mại nhằm thực hiện khẩu hiệu “Nước Mỹ trước hết” (American first) và giảm thâm hụt mậu dịch của Mỹ với các nước trên thế giới, mà Trung Quốc là chính. Trong bối cảnh châu Á bị vạ lây, Việt Nam – một nước có quan hệ thương mại chặt chẽ với cả Trung Quốc lẫn Mỹ, cũng chịu những tác động rõ rệt.

Ông Trump đánh thuế 16 tỷ USD hàng Trung Quốc 25%

Chiến tranh thương mại của ông Trump nhắm vào Trung Quốc đã tăng lên một mức với vòng hai của đợt thuế 25% đánh vào hàng nhập từ Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực ngày 23/8.

Tổng cộng trị giá 16 tỷ USD, đợt thuế nhập này đẩy nhanh cuộc chiến tranh mậu dịch bắt đầu từ tháng 7. Có những lo ngại rằng gia tăng thuế quan có thể gây thêm thiệt hại cho các công ty và người tiêu dùng.

Đúng ngày 23/8, Mỹ áp thuế lần hai với mức 25% lên 16 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc (Ảnh: Getty)

Ngay lập tức, Trung Quốc áp thuế trả đũa với cùng giá trị lên hàng hóa Mỹ. Tổng thống Trump đã kêu ca về thương mại không công bằng, thậm chí trước khi ông trở thành Tổng thống.

Ông ra lệnh điều tra các chính sách thương mại của Trung Quốc từ hồi tháng 8/2017 và đã áp đặt thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc kể từ tháng 1/2018. Sự quyết đoán của ông là Trung Quốc và các quốc gia khác đang lợi dụng những công ty Mỹ bằng cách bán hàng của họ quá rẻ. Ở Trung Quốc, chi phí sản xuất thấp và tỷ giá đồng nhân dân tệ (yuan) thấp đã kiềm chế cạnh tranh giá cả.

Mỹ đã áp dụng thuế quan mới với một loạt hàng hóa trong danh mục 279 sản phẩm, bao gồm giường và cũi trẻ em, thuốc thú y, chất bán dẫn, nhựa, hóa chất, thiết bị đường sắt, tôm, các sản phẩm tôm, túi xách và tủ lạnh. Danh sách 333 danh mục sản phẩm của Hoa Kỳ bị Trung Quốc áp thuế bao gồm than, phế liệu đồng, nhiên liệu, xe buýt và thiết bị y tế…

Đàm phán mậu dịch ngày 23/8 không ăn thua

Đoàn đàm phán của Mỹ do Thứ trưởng Tài chính phụ trách các vấn đề quốc tế David Malpass dẫn đầu. Phái đoàn Trung Quốc do Thứ trưởng Thương mại Wang Shouwen làm trưởng đoàn. Đây là cuộc đàm phán chính thức đầu tiên kể từ khi Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại thủ đô Bắc Kinh vào tháng 6, song hai bên không đạt được thỏa thuận nào.

Đài Loan (Trung Quốc) sản xuất các thiết bị trung gian mà Trung Quốc nhập vào để lắp ráp (Ảnh: SCMP)

Trước đó, trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, Tổng thống Trump cho biết ông không kỳ vọng nhiều vào các cuộc thảo luận cấp chuyên viên này, đồng thời nhận định giải quyết chiến tranh mậu dịch với Trung Quốc sẽ mất nhiều thời gian.

Ông Trump cũng cáo buộc Trung Quốc đã điều chỉnh tỷ giá đồng yuan để bù đắp lại số tiền thuế phải trả cho Mỹ, đồng thời kêu gọi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có biện pháp đối phó.

Tác động đến Việt Nam

Việt Nam cũng chịu những tác động rõ rệt từ chiến tranh mậu dịch Mỹ - Trung. Với Trung Quốc, hiện nay vẫn là nhập siêu giảm đi, xuất khẩu năm ngoái tăng lên 25-26%, còn nhập khẩu tăng từ 18-20%.

Việt Nam gắn chặt quan hệ mậu dịch với Trung Quốc, cho nên thị trường chứng khoán mấy ngày qua chao đảo là tất yếu. Hệ lụy mà Việt Nam có thể gặp phải không chỉ là thị trường chứng khoán bị tác động, mà còn có thể bị Mỹ áp thuế nhập khẩu lên nhiều mặt hàng mà họ điều tra ra được là có nguồn gốc Trung Quốc, được tuồn vào Việt Nam làm trung gian để xuất sang Mỹ.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam không ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, mà chỉ liên quan đến ba điều kiện xúc tiến thương mại, trong đó có bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tốt và thời gian ưu đãi.

Chắc chắn Trung Quốc sẽ tìm cách tiêu thụ hàng hóa khó xuất khẩu vào Mỹ sang các thị trường khác. Do đó có khả năng hàng hóa giá sẽ rẻ. Bởi vì không tiêu thụ ở Mỹ với giá cao thì bán giá thấp hơn.

Trung Quốc cũng đáp trả như thế lên hàng hóa Mỹ nhập vào Trung Quốc (Ảnh: Reuters)

Có một số giải pháp để Việt Nam chủ động ứng phó với các diễn biến tình hình hiện nay: Tập trung vào việc theo dõi, nghiên cứu, phân tích mọi động thái và ảnh hưởng của chiến tranh mậu dịch, chủ nghĩa bảo hộ trên toàn cầu đối với ASEAN và Việt Nam. Trên căn bản đó, các ngành cần phải xây dựng chương trình hành động, ứng phó kịp thời.

Châu Á bị vạ lây

Các nền kinh tế châu Á như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và một số nước Đông Nam Á có thể bị ảnh hưởng nặng nề nếu căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang. Những nền kinh tế này nằm trong số những nước xuất khẩu lớn nhất các mặt hàng trung gian vào Trung Quốc, nơi chúng được lắp ráp trở thành sản phẩm hoàn chỉnh (như điện thoại di động, máy tính, chip bán dẫn và màn hình…) để cuối cùng được xuất đi đến các thị trường như Mỹ chẳng hạn.

Những đe dọa như thế tác động mạnh làm đồng tiền của họ bị suy yếu. Cho đến ngày 24/8, đồng dollar Đài Loan đã giảm vào khoảng 1,7% xuống còn 30,172 ăn một USD, trong khi đồng won của Hàn Quốc cũng sụt 4,2% xuống còn 1.110,89 won đổi được một USD. Còn ở Đông Nam Á, tiền tệ của Singapore cũng giảm 1,5% xuống còn 1,3567 ăn một USD, trong khi đồng baht Thái giảm nhẹ 0,6% xuống còn 32,73 baht mua được một USD.

Tổng thống Trump áp thuế lần hai lên hàng hóa Trung Quốc (Ảnh: Getty)

Từ đầu năm nay, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Myanmar cùng một số nước khác đã chứng kiến các đồng nội tệ mất giá. Từ tháng 6, giá trị đồng rupee của Ấn hạ xuống mức thấp nhất từ trước tới nay, đồng yuan của Trung Quốc cũng giảm 3,2%...

* *

Tổng thống Trump cho rằng bằng cách áp thêm thuế hoặc thuế quan, ông sẽ làm cho các công ty Mỹ kinh doanh thuận lợi hơn, hàng hóa của họ sẽ trở nên rẻ hơn ở Mỹ.

“Chúng ta đang đối thoại với Trung Quốc, họ rất muốn đối thoại. Chỉ có điều là họ không thể đưa ra cho chúng ta một thỏa thuận chấp nhận được. Vì thế, chúng ta sẽ không chấp nhận giao kèo nào cho đến khi nhận được thỏa thuận công bằng” – Tổng thống Trump nói trong cuộc họp nội các ở Nhà Trắng ngày 24/8.

Tường Quyên

(Theo AFP, BBC News)

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/chien-tranh-mau-dich-my--trung-chau-a-bi-anh-huong-ra-sao-d70095.html