Chiến tranh mậu dịch Mỹ - Trung: Thế giới sẽ 'nghèo và nguy hiểm hơn'

Trong cuộc họp với đại diện Ngân hàng thế giới (WB) tại Bali vào tuần trước, Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde cảnh báo chiến tranh mậu dịch Mỹ - Trung sẽ làm cho thế giới trở nên 'nghèo và nguy hiểm hơn'.

Theo người đứng đầu IMF, dự báo về tăng trưởng toàn cầu trong năm nay và tiếp theo đều sẽ giảm từ mức trung bình đến nghiêm trọng nếu không có dấu hiệu giảm nhiệt khi chiến tranh thương mại đi vào giai đoạn hai trong bối cảnh Trung Quốc sẽ đơn phương giảm giá đồng nhân dân tệ.

Điều gì sẽ khiến thế giới “nghèo hơn và nguy hiểm hơn”?

Nhà kinh tế trưởng Maurice Obstfeld của IMF cho rằng một cuộc chiến tranh mậu dịch toàn diện Mỹ - Trung sẽ tác động mạnh đến quá trình phục hồi kinh tế vì các rào cản thương mại sẽ ảnh hưởng đến những hộ gia đình, doanh nghiệp và các khu vực kinh tế khác. “Chính sách thương mại phản ánh chính trị mà chính trị vẫn còn bất ổn ở một số nước, cho nên sẽ tạo ra nhiều rủi ro hơn nữa” - Maurice Obstfeld nói.

Trong một dòng tweet, Tổng thống Donald Trump cảnh báo Bắc Kinh không nên tìm cách ảnh hưởng đến cuộc bầu cử vào tuần đầu tháng 11 sắp tới của Mỹ với lời lẽ bóng gió đe dọa: “Sẽ có sự trả thù kinh tế lớn và nhanh chóng đối với Trung Quốc nếu họ nhắm vào nông dân, hoặc công nhân công nghiệp của chúng ta!”.

Mức thuế 10% Hoa Kỳ áp dụng với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc đã có hiệu lực vào tháng 9/2018 sẽ gây ra những rủi ro gì đối với tăng trưởng toàn cầu?

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến đạt 3,7% vào năm 2018 và 2019, giảm so với dự báo trước đó của IMF là 3,9%. Cũng theo IMF, tăng trưởng toàn cầu suy giảm sẽ ảnh hưởng đến việc mở rộng khu vực đồng euro cũng như sự bất ổn trong một số nền kinh tế thị trường mới nổi.

Venezuela - đất nước đang chìm ngập trong khủng hoảng, đến năm 2019, các chuyên gia kinh tế của IMF dự kiến sẽ bước vào năm thứ sáu của cuộc suy thoái nghiêm trọng, với lạm phát dự đoán sẽ đạt 10.000.000%, và rồi các năm tiếp theo sẽ còn tăng cao hơn nữa.

Tổng thống Donald Trump sẽ vẫn tiếp tục áp các mức thuế đánh vào tổng 200 USD rồi 507 USD hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ . (Ảnh: Getty).

Chiến tranh mậu dịch sẽ tồi tệ đến mức nào?

Sự leo thang của chiến tranh mậu dịch Mỹ - Trung dự kiến sẽ ảnh hưởng mức tăng trưởng của cả hai nước vào 2019, khi sự tăng trưởng từ việc cắt giảm thuế của Tổng thống Trump bắt đầu suy yếu.

Ông Obstfeld cho biết thế giới sẽ trở thành một “nơi nghèo và nguy hiểm hơn” trừ khi các nhà lãnh đạo thế giới làm việc cùng nhau để nâng cao mức sống, cải thiện giáo dục và làm giảm sự bất bình đẳng. IMF cảnh báo rằng thế giới phải chịu sự tác động vĩnh viễn nếu Mỹ tiếp tục thực hiện lời đe dọa áp đặt 25% thuế lên trên tất cả các xe nhập khẩu và thuế quan toàn cầu sẽ đạt cực điểm ảnh hưởng đến tín nhiệm, đầu tư và chi phí vay.

Trong kịch bản xấu nhất này, nền kinh tế Mỹ sẽ bị tác động đáng kể, trong khi tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc sẽ giảm xuống dưới 5% vào năm 2019, so với dự đoán hiện tại là 6,2%. Một vấn nạn nghiêm trọng khác: 2/3 trong tổng số 430 công ty nước ngoài đóng tại Trung Quốc lên kế hoạch tháo chạy khỏi Đại lục, trước mắt là ba chi nhánh AirPod, Apple Watch và HomePod của người khổng lồ Apple...

Mỹ - Trung vẫn “ăn miếng trả miếng” áp mức thuế nhập khẩu từ 10 -25% vào hàng hóa của nhau . (Ảnh: Getty).

Thời kỳ khó khăn nhất của Trung Quốc

Trung Quốc vừa có một động thái cho thấy Bắc Kinh đang âm thầm đối phó với ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vừa tuyên bố hôm 7/10 rằng lần thứ tư sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc xuống 100 điểm cơ bản vào ngày 15/10.

“Trung Quốc có lẽ đang phải đối mặt với thời kỳ tội tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu” - Fraser Howie, một nhà phân tích độc lập, người đã viết sách về hệ thống tài chính của Trung Quốc nói với báo chí.

Xung đột Mỹ - Trung đã ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán và tiền tệ của Trung Quốc có những dấu hiệu sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế nước này. Quyết định cắt giảm tỷ lệ dự trữ của các ngân hàng là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang lo lắng về một cuộc chiến thương mại kéo dài. Khoảng 750 tỷ nhân dân tệ (khoảng 109 tỷ USD) tiền mặt đã được bơm vào hệ thống ngân hàng Trung Quốc để nỗ lực giữ giá đồng nhân dân tệ trấn an người tiêu dùng.

“Trung Quốc đang có chút lo lắng, đang chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất và kỳ vọng vào điều tốt đẹp nhất” - Gareth Nicholson, người đứng đầu Ngân hàng Singapore nói với Reuters.

Ngày 13/10, trong khi đồng nhân dân tệ mất giá lần thứ ba trong vòng 14 năm qua, Trung Quốc đã bán 3 tỷ USD trái phiếu chính phủ nước ngoài. Theo Reuters, Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết đã bán 1,5 tỷ USD trái phiếu 5 năm mức lãi suất 3,25 %; 1 tỷ USD trái phiếu 10 năm mức lợi tức 3,5% và 500 triệu USD trái phiếu 30 năm lãi suất 4%.

Khi chưa ai chịu nhường ai trong cuộc chiến mậu dịch Mỹ - Trung, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã khẳng định rằng biện pháp thuế quan nhằm gây sức ép để Trung Quốc mở cửa hơn sẽ có lợi cho thế giới…

Tường Quyên

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/chien-tranh-mau-dich-my--trung-the-gioi-se-ngheo-va-nguy-hiem-hon-d71074.html