Chiến tranh thương mại: Đông Nam Á hưởng lợi?

Ngày 29/10, Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Quảng Châu đã công bố kết quả cuộc khảo sát được tiến hành từ ngày 21/9 - 10/10 với các công ty Mỹ và Trung Quốc. Theo đó, do cuộc xung đột thương mại, họ đã mất thị phần vào tay các công ty ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Trung - Mỹ so đo

Từ tháng 7/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp thuế đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD xuất khẩu sang Mỹ để gây sức ép, buộc Bắc Kinh thay đổi các thành tố chính trong chính sách công nghiệp của nước này. Trung Quốc cũng tiến hành áp thuế tương tự đối với lượng hàng nhập khẩu trị giá 60 tỷ USD đến từ Mỹ.

Đa số các công ty Mỹ và Trung Quốc trả lời khảo sát cho biết đã cảm nhận được tác động tiêu cực từ lệnh trừng phạt của Mỹ, mặc dù tỷ lệ các công ty Mỹ đồng ý với điều này cao hơn đáng kể so với đối tác Trung Quốc. Tác động hàng đầu của cuộc xung đột thương mại là lợi nhuận bị sụt giảm đáng kể. Hầu hết các công ty tham gia khảo sát cho biết họ đang xem xét chuyển dịch sản xuất, lắp ráp hoặc cung ứng vật tư sang các nước thứ ba và Đông Nam Á là lựa chọn hàng đầu, trong đó có Việt Nam.

Đông Nam Á hưởng lợi?

Một số công ty đã xúc tiến kế hoạch chuyển dịch sản xuất khỏi Trung Quốc. Ví dụ, Panasonic đang chuyển sản xuất thiết bị điện tử của ô tô từ Trung Quốc sang Thái Lan, Malaysia và Mexico. Nhà sản xuất polyester Trung Quốc Zhejiang Hailide New Material đang đầu tư 155 triệu USD vào một nhà máy ở Việt Nam với mục tiêu hướng tới xuất khẩu sang Mỹ.

Đáng chú ý, Công ty GoerTek của Trung Quốc (lắp ráp tai nghe không dây Airpod cho Apple) đã thông báo sẽ chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam. GoerTek cũng thúc giục những nhà sản xuất linh kiện chuẩn bị cho kế hoạch này. Như vậy, trong tương lai không xa, những chiếc tai nghe Airpod có thể sẽ gắn mác "Made in Vietnam" thay vì "Made in China" như hiện nay.

Những chiếc AirPod có thể sẽ gắn nhãn "Made in Vietnam" trong tương lai. (Nguồn: Nikkei)

Cuộc khảo sát mới nhất đã xác nhận phần lớn kết quả của cuộc khảo sát tương tự được tiến hành một vài tuần trước đó với khoảng 430 thành viên của các phòng thương mại Mỹ ở Bắc Kinh và Thượng Hải. Sự khác biệt lớn nhất là gần 2/3 số công ty trả lời khảo sát trước đó cho biết họ không có kế hoạch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc mặc dù bị Mỹ áp đặt mức thuế quan mới.

Vào tháng tới, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh các nền kinh tế lớn (G20) ở Argentina, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được dự kiến sẽ có cuộc gặp bên lề, song hai bên sẽ khó có thể đạt được một bước đột phá trong giải quyết xung đột thương mại.

Trước tình hình đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (WB) vừa thông báo cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2019 đối với khu vực châu Á từ 5,9% xuống 5,8% do xung đột thương mại. Tuy nhiên, WB lưu ý không phải mọi quốc gia đều bị “tổn thương” cùng một mức độ, khi khối lượng thương mại được chuyển hướng từ nền kinh tế này sang nền kinh tế sản xuất hàng hóa tương tự trong cùng chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là cơ hội mà các quốc gia ở Đông Nam Á cần tận dụng để thu hút các nhà đầu tư, mở rộng sản xuất nhằm thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

(theo Nikkei Asian Review)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/chien-tranh-thuong-mai-dong-nam-a-huong-loi-80750.html