Chiến tranh thương mại: Mỹ - Trung ai lợi, ai thiệt?

Với đợt leo thang thuế quan mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc, hầu hết các nhà phân tích đồng ý rằng Bắc Kinh sẽ thiệt hại nhiều hơn Washington nếu chiến tranh thương mại kéo dài.

 Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (phải) trò chuyện với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer trong một cuộc họp ở Bắc Kinh. Ảnh: AP

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (phải) trò chuyện với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer trong một cuộc họp ở Bắc Kinh. Ảnh: AP

Bắt đầu từ rạng sáng ngày 10.5 giờ miền đông nước Mỹ, Mỹ đã tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỉ USD giá trị hàng hóa Trung Quốc. Bắc Kinh đáp trả tức thì với tuyên bố họ sẽ phản công.

Đợt đánh thuế này xảy ra sau khi Tổng thống Donald Trump gia tăng áp lực với cáo buộc Trung Quốc rút lại cam kết trên một số nội dung của một thỏa thuận đang hình thành.

“Tôi nghĩ rằng cơ hội đạt được thỏa thuận đã giảm đáng kể, và khả năng các cuộc đàm phán có thể đổ vỡ đang tăng lên”, ông Nick Marro, một chuyên gia phân tích tại tạp chí Economist, nói trên chương trình "Capital Connection" của CNBC hôm 10.5.

Ông nói rằng việc tăng thuế này đã xóa bỏ hết những "thiện chí" và "thời cơ tích cực" tích lũy được trong các cuộc gặp trước đây giữa hai nước.

Kịch bản tốt nhất đối với cả hai bên là tiếp tục đàm phán, các phân tích gia nói, nhưng việc leo thang thuế quan trong tuần này cũng làm tăng khả năng Mỹ và Trung Quốc có thể không bao giờ đạt được thỏa thuận.

Ông Stefan Legge, một giảng viên và nhà nghiên cứu kinh tế tại Đại học St. Gallen ở Thụy Sỹ, dự báo chiến tranh thương mại sẽ kéo dài chừng nào cả hai nền kinh tế có thể chịu được.

Hầu hết các phân tích gia đồng ý rằng Bắc Kinh sẽ thiệt hại nhiều hơn Washington nếu chiến tranh thương mại kéo dài. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc có thể giảm khoảng 1,6% trong năm nay nếu các mức thuế trừng phạt của Mỹ tiếp tục đẩy các công ty Trung Quốc ra khỏi thị trường Mỹ, theo ước đoán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Trong khi đó, Mỹ đang có tăng trưởng kinh tế mạnh, thị trường lao động lành mạnh và Phố Wall ít lo sợ hơn. Những yếu tố này đã giúp cho chính quyền Tổng thống Donald Trump có lập trường mạnh bạo hơn với Trung Quốc.

“Mỹ nhập khẩu khoảng 540 tỉ USD hàng Trung Quốc vào năm ngoái, và xuất sang Trung Quốc 120 tỉ USD”, ông Robert E Scott, nhà kinh tế tại Viện Chính sách Kinh tế (EPI) nói với kênh Al Jazeera. “Cả hai con số đó đều không là bao so với quy mô kinh tế Mỹ, vốn đã đạt được 21.100 tỉ USD trong quý đầu tiên”.

Ông Scott cũng nói rằng tỉ lệ này của Trung Quốc lớn hơn nhiều.

“Tổng số 540 tỉ USD hàng xuất khẩu của họ đến Mỹ trong năm 2018 chiếm 4% của nền kinh tế 13.400 tỉ USD của họ”, ông phân tích. “Nói cách khác, Trung Quốc bị tổn thương nhiều hơn 7 lần so với Mỹ khi thương mại bị gián đoạn trong cuộc tranh chấp này”.

Do sức mạnh của đồng đôla Mỹ, sự suy yếu của đồng nhân dân tệ Trung Quốc và các nhà nhập khẩu Trung Quốc phải hấp thụ chi phí bổ sung, Scott tin tưởng rằng tác động của chiến tranh thương mại đối với kinh tế Mỹ là "nhỏ và có thể xoay sở được".

Có một điều mà nhiều chuyên gia đồng tình là cho dù Mỹ có ở trong vị trí tốt hơn Trung Quốc trong chiến tranh thương mại thì những hậu quả của nó là không thể tránh khỏi.

“Nếu thuế quan của ông Donald Trump phát triển thành cuộc chiến thương mại toàn diện, tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ bị kéo xuống, có khả năng là 0,5% và thị trường chứng khoán thậm chí còn bị ảnh hưởng lớn hơn nữa,” ông Gary Clyde Hufbauer, chuyên gia cao cấp tại Viện Peterson về Kinh tế Quốc tế nói và đề cập đến sự bất ổn của thị trường mà bất định trong chiến tranh thương mại gây ra.

Ông Hufbauer nói thêm rằng trong trường hợp leo thang hơn nữa, người tiêu dùng có thể thấy nhiều mặt hàng tăng giá đáng kể, trong khi các doanh nghiệp Mỹ có thể bị thiệt hại.

K.M

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-gioi/chien-tranh-thuong-mai-my-trung-ai-loi-ai-thiet-732840.ldo